Friday, December 1, 2023

Đừng tin những gì cộng sản nói

Quan Điểm

Nhà cầm quyền CSVN luôn cố chứng tỏ rằng, Nhà nước của họ là “của dân, do dân và vì dân”, luôn tôn trọng quyền tự do, dân chủ. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, chế độ cộng sản luôn bóp nghẹt tự do, dân chủ, bịt miệng những tiếng nói trái chiều, cho dù người đó là ai, đại biểu quốc hội hay đang nắm giữ bất cứ chức vụ gì trong đảng. Vụ bắt giam đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng vừa qua là bằng chứng điễn hình nhất.

Mời quý thính giả theo dõi bài quan điểm của LLCQ với tựa đề Đừng tin những gì cộng sản nói qua giọng đọc của HẢI NGUYÊN để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả,

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân Nguyện Quốc Hội khóa 15 của CSVN, đã bị bắt vào tối ngày 14/11, khi vừa xuống sân bay Nội Bài vì tội cưỡng đoạt tài sản.

Theo báo Pháp Luật, bên cạnh việc bắt giữ, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông, lực lượng công an cũng lục soát nhà riêng của ông tại quận Tây Hồ - Hà Nội. Và đã niêm phong từ đường dòng họ ông ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, với mục đích cố tìm để thu hồi các tài liệu, đơn tố cáo mà đảng viên và dân chúng đã gởi cho ông, nhằm quy chụp ông tàng trữ tài liệu chống phá chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, tiếp tay cho các tổ chức phản động.

Trả lời BBC News hôm 15/11, nhà bất đồng chính kiến, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhận định sự kiện này với 2 khả năng. Một là ông Nhưỡng có tham nhũng như báo chí đưa tin, hai là công an cáo buộc ông Nhưỡng dính đến tham nhũng như "một cái cớ" để vu oan giá họa. Ông nói, nếu là khả năng thứ hai: "Như thế thì thật sự đây là một sự kiện chấn động vì nó không còn là một vụ án hình sự mà là chính trị”.

Ngày 18/11, luật sư Đặng Đình Mạnh nói với đài BBC rằng, ông Lưu Bình Nhưỡng bị trả đũa về những chất vấn công khai của ông ấy tại quốc hội đối với bcông an. Khi ấy, lãnh đạo cao cấp của ngành công an đã phản ứng, yêu cầu phải xử ông Nhưỡng khi cho rằng chất vấn của ông ấy làm cho bcông an mất uy tín.

Nhận định với đài BBC ngày 17/11, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn cho rằng ở VN hiện nay, ai cũng có thể bị bắt giam bằng đề xuất của công an với sự phê chuẩn của viện kiểm sát mà không cần tòa án xem xét.

Cần nhắc lại câu nói của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hội nghị Đại biểu Nhà văn Lão thành Việt Nam vào ngày 30/9: "Đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực sự quả cảm".

Không ít người bày tỏ lo âu về việc bắt giữ ông Nhưỡng, một người “dám lên tiếng”, có thể làm nản lòng những ai có ý định thực hiện “tiếng nói của lòng trung thực và sự quả cảm” như Chủ tịch nước kêu gọi.

Nhắc lại vào cuối năm 2020, trong một phiên họp quốc hội, một lần nữa ông Lưu Bình Nhưỡng đã chất vấn ông Tô Lâm, bộ trưởng công an rằng:hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an đi thu tiền của bà con buôn bán”. Chất vấn của ông Nhưỡng đã làm Tô Lâm xấu hổ và giận tím mặt. Thậm chí, ông Nhưỡng còn “cả gan” chỉ trích gay gắt về vụ án “Kit xét nghiệm Covid” và “Chuyến bay giải cứu” liên quan đến các lãnh đạo cao cấp của đảng.

Ông Trần Quốc Thuận, pChủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội VN, chỉ ra quyền lực tuyệt đối của Đảng CSVN: "Việc một đại biểu được ngồi ghế đó hay không, được bước chân vào Hội trường Ba Đình hay không, cũng là do Đảng quyết định”.

Dưới một cơ chế độc tài toàn trị, con người bị nhốt trong một nhà tù lớn, ngay cả quyền căn bản của con người là quyền tự do ngôn luận cũng bị siết chặt. Ông Nhưỡng thừa hiểu bản chất tàn bạo độc ác của các “đồng chí” đang nắm quyền lực, nhưng chỉ vì sơ sẩy khinh thường và tin theo lời Chủ tịch Võ Văn Thưởng là đất nước“đang cần lòng trung thực và sự quả cảm”nên ông trở thành “dê tế thần” ngay trên bàn cờ chính trị.

Có người nói rằng, ông đã ngây thơ như nhiều “đồng chí lão thành” trước đây nên bị vấp ngã nặng. Nhưng cũng có người lại cho rằng, ông không thể đấu lại người có tánh tình nham hiểm như bộ trưởng Tô Lâm, kẻ đang nắm quyền lực cao nhất nước, chỉ sau ông Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng cái tệ nhất trong vụ bắt giữ này, là có thể ông Lưu Bình Nhưỡng tin rằng đại biểu quốc hội có quyền đặc miễn về những phát ngôn của mình tại nghị trường, bất chấp là đụng tới ai. Điều này đúng với quốc hội ở Mỹ, Anh và các nước Tây phương. Nhưng tại VN, quốc hội chỉ là một cơ cấu bù nhìn của đảng, tương tự như cái Mặt trận Tổ quốc hay hàng loạt các tổ chức quốc doanh khác. Cái cơ cấu này thực ra không có quyền lực, những người được ngồi vào ghế đại biểu không hề được người dân bầu lên, và không có được quyền đặc miễn nào cả. Vì vậy ông Lưu Bình Nhưỡng bị vấp ngã.

Ước mong sự can đảm, gan dạ của ông Lưu Bình Nhưỡng sẽ là tấm gương để những đại biểu quốc hội khác noi theo, hầu tạo thành trận cuồng phong thổi tan đám mây đen đang che phủ trên quê hương thân yêu.

Xin cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment