Sunday, December 24, 2023

Các Tập Đoàn kinh tế lớn đầu tư tại VN !

Nói Với Người Cộng Sản

Tiếp theo đây, mời quí thính giả theo dõi chuyên mục ”Nói Với Người Cộng Sản”. Đây là diễn đàn để trình bày với các đảng viên đảng csVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. ”Nói Với Người Cộng Sản” do Tiến Văn biên soạn qua sự trình bày của Hoàng Ân.

Tiến Văn

24/12/2023

Thưa  quí vị đảng viên lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Trong chuyến thăm rầm rộ của Tổng Thống Mỹ vào tháng 09 vừa qua, báo chí của Hà Nội đã thừa dịp tung hô “sự lãnh đạo tài tình của Đảng” trong việc kinh bang tế thế vì đang kéo nhiều tập đoàn công nghệ điện tử, bán dẫn hàng đầu của Mĩ vào Việt Nam.

Báo chí Hà Nội bất chấp sự thật là cho dù các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới có tới Việt Nam thì mục đích chính vẫn chỉ là nhằm tận dụng lao động chân tay thô mộc và rẻ mạt của Việt Nam. Ví dụ như tập đoàn Samsung Hàn Quốc chủ yếu thuê hàng ngàn nhân công Việt Nam để lắp ráp các sản phẩm điện thoại.

Nhưng chỉ chưa tới 2 tháng sau khi Tổng Thống Mĩ thăm Việt Nam, báo giới quốc tế đã tiết lộ cho biết tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới của Hoa Kì là Intel đã quyết định từ chối đầu tư thêm vào Việt Nam, ngoài cơ sở đang có tại Sài Gòn. Điều đáng nói là, theo những nguồn thông tin mật, Intel đã quyết định đình hoãn đầu tư vào Việt Nam từ tháng 07, tức trước khi ông Biden sang Việt Nam. Điều này cho chúng ta thấy rằng tại Hoa Kì, cũng như trong các nước dân chủ khác, chính quyền, kể cả là tổng thống, không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

Nhưng dấu hiệu u tối của thị trường, môi trường kinh doanh ở Việt Nam không chỉ đến từ Intel.

Ngay trong tháng 11 vừa qua, lại có một tin gây chấn động đó là việc tập đoàn năng lượng đa quốc gia Orsted cũng quyết định dừng hoãn mọi ý định triển khai đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sau hơn 03 năm nghiên cứu thực địa. Điều rất đáng nói là, năm 2021, Orsted đã kí một biên bản ghi nhớ hợp tác với T&T Group- một tập đoàn tư nhân của Việt Nam. Orsted dự định sẽ đổ vào dự án liên doanh khoảng 30 tỉ đô-la để phát triển các cơ sở sản xuất điện gió tại Việt Nam; Orsted đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất điện gió tại Hải Phòng và Thái Bình với công suất rất lớn, hơn 3000 mega watts. Thế nhưng, cuối cùng Orsted cũng quyết định bỏ cuộc, rút khỏi Việt Nam, chấp nhận mất mát khá nhiều tiền của và công sức.

Giới quan sát thị trường quốc tế đã đánh giá những quyết định rút lui, đình hoãn nói trên là những cú giáng nặng vào tham vọng của Việt Nam muốn thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn của thế giới, như những gì bọn chóp hay huyênh hoang trước công luận nội địa. Theo sự phân tích của giới quan sát quốc tế, có hai nguyên nhân chính dẫn tới sự rút lui của hai tập đoàn nói trên. Thứ nhất đó là hệ thống hành chính quan liêu còn nặng nề. Thứ hai, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém, ví dụ nguồn điện, hệ thống giao thông lạc hậu.

Thưa anh chị em và quí vị, có thể giới quan sát quốc tế chưa hiểu rõ Việt Nam, hoặc cũng có thể họ rất giữ gìn sự tế nhị trong nghề nghiệp có tính xã giao nên họ chỉ bình luận, lí giải có tính tiết chế như thế.

Đối người Việt Nam chúng ta, ai cũng thừa biết rằng điều đầu tiên muốn cho công việc trôi chảy là phải “hối lộ” hay nói một cách thường dân ý nhị là phải có “phong bì” cho mọi thủ tục hành chính. Song, đối với các tập đoàn quốc tế lớn như của Mĩ, “hối lộ” lại là một điều tối kị vì đây vừa là một hành vi xấu xa về đạo đức, vừa là một hành vi có thể dẫn đến phá sản doanh nghiệp do phạm luật. Vì vậy, bao năm qua, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam luôn có mức tăng trưởng nhưng đứng đầu các quốc gia tới đổ tiền vào làm ăn vẫn chỉ là các quốc gia vùng châu Á như Hàn quốc, Singapore, Trung Cộng, Nhật Bổn hoặc Đài Loan.

Song, có một sự thực chúng ta phải thừa nhận để tránh hiểu lầm, rằng trong thương trường, ở mọi nơi, kể cả ở những quốc gia trọng luật, công minh nhất như Mĩ, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Canada, vẫn xảy ra các vụ gian lận, hối lộ, tham nhũng. Nhưng đó chỉ có tính cá biệt chứ hoàn toàn không có tính chất phổ biến và phổ thông như ở Việt Nam. Bởi, dù ở quốc gia nào thì con người vẫn chưa phải là thần thánh, vẫn có lỗi lầm thậm chí tội ác. Nhưng ở các quốc gia dân chủ, văn minh thì nhận “hối lộ” là một tội tày trời, vừa bị ô uế về danh dự cá nhân-gia đình, vừa phải chịu trách nhiệm với pháp luật. Như chúng ta vẫn thi thoảng nghe thấy có ông/bà quan chức nào đó ở Mĩ hay Tây Âu phải từ chức hay ra tòa do có dính líu tới mấy trăm đô-la không có chứng từ.

Nhưng ở nước cộng sản độc tài như Việt Nam chúng ta, quan chức mà lại không nhận hối lộ thì là chuyện ngược đời. Tập quán đồi bại cho cả cá nhân và xã hội này chỉ có thể giải quyết được chừng nào chế độ Hồ-Tàu bị giải thể hoặc bị tiêu trừ.

Hoàng Ân cùng Tiến Văn tạm biệt và xin hẹn quí vị, quí bạn trong chương trình tuần sau.

24/12/2023

 

No comments:

Post a Comment