Thursday, December 7, 2023

Tin Tức: Thứ Năm 07.12.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Thiên An trình bày sau đây.

1) NHÀ CẦM QUYỀN CHUẨN BỊ CHO VIỆC XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TẠI KHU ĐẤT VƯỜN RAU LỘC HƯNG

Sáng ngày 6 tháng 12, lực lượng an ninh chìm nổi đã tràn tới Vườn rau Lộc Hưng tại phường 6, quận Tân Bình, Sài Gòn. Một người dân oan Vườn rau Lộc Hưng cho biết, từ đêm ngày 5/12, các xe chở vật liệu xây dựng đã đổ gạch cát để chuẩn bị cho việc khởi công công trình vào ngày 12 tới như báo chí quốc doanh đã loan tin vào hai hôm trước. Xe cứu thương, xe chữa cháy và xe phá sóng được giấu ở hai trường học gần khu đất Vườn rau Lộc Hưng. Các ngả đường vào khu VRLH đều bị canh gác và công an kiểm soát mọi sự đi lại, di chuyển của người dân tại khu vực này. Nơi ở của những người dân oan bên ngoài khu đất VRLH đều bị canh gác và nhiều người bị cấm ra khỏi nhà.

Khu đất VRLH thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà con nơi đây từ năm 1954 đến nay. Hơn 60 năm qua, người dân vẫn sử dụng khu đất này một cách liên tục, ổn định và không tranh chấp với cá nhân, đoàn thể hay tổ chức nào. Theo quy định của luật pháp, họ đương nhiên được cấp quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã dùng luật rừng để từ chối cấp giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con.

Tháng 1 năm 2019, đúng dịp giáp Tết cổ truyền, nhà cầm quyền huy động một lực lượng hùng hậu mang súng, dùi cui, chó nghiệp vụ và nhiều xe ủi đến phá hủy toàn bộ 503 căn nhà, đẩy hàng trăm con người vào cảnh tang thương không nhà không cửa. Vụ việc đã gây trấn động dư luận trong và ngoài nước.

Tính đến thời điểm này, gần 5 năm trôi qua, nhà cầm quyền địa phương chưa một lần tiếp xúc chính thức và thiện chí với người dân để giải quyết.

Việc xây dựng trường học tại khu Vườn rau Lộc Hưng là hoàn tất quá trình cướp đất của người dân lương thiện mà nhà cầm quyền đã tính toán trong nhiều năm.

2/  VN TIẾP TỤC SIẾT CHẶT KHÔNG GIAN DÂN SỰ TRONG NĂM 2023

Bạo quyền Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục đàn áp mạnh mẽ các tiếng nói đối lập bằng việc kết án tù nhiều nhà hoạt động dân sự, trong khi nhiều nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang gia tăng việc đàn áp xã hội dân sự, nhà báo và blogger.

Một báo cáo của tổ chức nhân quyền ở Nam Phi là CIVICUS Monitor vào hôm 6/12 được công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước có không gian dân sự bị đóng chặt cùng với các nước khác bao gồm Afghanistan, Trung Cộng, Hồng Kông, Bắc Hàn, Miến Điện, Lào và Bangladesh.

Tổ chức CIVICUS trong báo cáo mới về tình hình Việt Nam đã liệt kê một số trường hợp đàn áp nhân quyền điển hình ở Việt Nam trong năm 2023, bao gồm việc kết án từ các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước và Nguyễn Lân Thắng.

Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người vừa bị kết án tù vào tháng 9 năm nay với cáo buộc “trốn thuế”, nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc kết án này nằm trong một loạt các hoạt động đàn áp của bạo quyền Hà Nội nhắm vào các nhà hoạt động môi trường trong thời gian qua.

Theo báo cáo, hiện có hơn 100 người đấu tranh cho nhân quyền đang bị cầm tù với các cáo buộc chủ yếu liên quan đến tuyên truyền chống nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.

Theo báo cáo, trên toàn cầu, khoảng hơn 30% dân số thế giới hiện sống ở các quốc gia có môi trường dân sự bị đóng. Đây là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi môi trường này từ năm 2018 đến nay.

Chỉ có khoảng 2% dân số thế giới hiện sống tại các quốc gia có môi trường dân sự mở, tức tự do và được bảo vệ, theo báo cáo.

3/ VN KHÔNG THỪA NHẬN CÓ NGƯỜI BẢN ĐỊA

Giới quan sát bày tỏ sự bất bình việc bạo quyền Việt Nam không thừa nhận người bản địa, bênh vực cho “Hội Cờ Đỏ”, và cách trả lời “cho có lệ” trước những câu hỏi của chuyên gia LHQ trong phiên đối thoại với Uỷ ban Công ước Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc (CERD).

Thứ trưởng Y Thông, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trưởng phái đoàn của bạo quyền Việt Nam, phát biểu trong phiên đối thoại với ủy ban nói trên vào ngày 30/11 tại Geneva, là VN không xử dụng cụm từ “người bản địa” mà là dùng “người dân tộc thiểu số”…

Ông Thông trả lời như trên khi được bà Chinsung Chung, chuyên gia của CERD, chất vấn về lý do bạo quyền Việt Nam không công nhận bất kỳ nhóm nào trong số 53 dân tộc thiểu số là người bản địa. Bà Chung khẳng định là VN không muốn tham gia vào các cuộc thảo luận cởi mở và toàn diện về việc công nhận người dân bản địa và các quyền cụ thể của họ.

Bà Chung cũng yêu cầu Việt Nam làm rõ việc Uỷ ban của bà nhận được nhiều báo cáo cho rằng các cấp địa phương tịch thu đất đai của người dân bản địa đã sinh sống ở đó qua nhiều thế hệ.

Ông Thông không trả lời chi tiết các câu hỏi của bà Chung và sau đó nhường lời cho các thành viên khác trong phái đoàn Việt Nam, những người được giới quan sát nhận đình rằng họ chỉ “nói chung chung” về các văn bản pháp luật và sự hỗ trợ pháp lý đối với người thiểu số.

Từ Vĩnh Long ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà sư Dương Khải, thuộc chùa Khmer Đại Thọ, bày tỏ quan điểm cá nhân của ông về phát biểu của phái đoàn Việt Nam là bạo quyền Hà Nội thường xuyên chối bỏ sự thật là người Khmer Krom là người bản địa từ mấy ngàn năm qua.

Cần biết là bà Chung đã chất vấn phái đoàn Việt Nam về sự tồn tại của “Hội Cờ Đỏ”, được cho là đã tích cực chống lại những người bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy “sự chia rẽ giữa các dân tộc thiểu số và người Thượng”. Một quan chức từ bộ công an cho biết hội này là “hội yêu nước” và “hoạt động của họ không vi phạm pháp luật”.

Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc là cơ quan gồm các chuyên gia độc lập giám sát việc thực hiện công ước về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc của các nước, trong đó Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

4/ HOA KỲ MUỐN VINH DANH CÁC CỰU CHIẾN BINH NGƯỜI HMONG

Năm nhà lập pháp Hoa Kỳ đang dẫn đầu một nỗ lực lưỡng đảng để vinh danh các cựu chiến binh người Hmong từng giúp Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong chiến tranh Việt Nam bằng cách trao tặng họ giải thưởng dân sự cao nhất của quốc hội Mỹ.

Cần biết là cơ quan CIA trong Chiến tranh Việt Nam đã tuyển mộ người Hmong làm binh lính để giúp ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở Đông Nam Á. Những người Hmong đã chiến đấu để thu thập thông tin tình báo về các cuộc di chuyển của quân Bắc Việt, làm gián đoạn việc tiếp tế trên Đường mòn Hồ Chí Minh và giải cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi trong hậu tuyến của địch. Các hoạt động này khi đó được gọi là “cuộc chiến tranh bí mật”.

Theo thông cáo củaThượng nghị sỹ Mỹ Amy Klobuchar, người Hmong đã “chịu tổn thất nặng nề” và những người lính Hmong “đã chết với tỷ lệ cao gấp 10 lần so với lính Mỹ ở Việt Nam”.

Chính vì thế, ông Klobuchar đã cùng với một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ giới thiệu Đạo luật Huy chương vàng Quốc hội cho người Hmong nhằm ghi nhận sự phục vụ xuất sắc của các cựu chiến binh người Hmong cùng với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Dự thảo luật, được giới thiệu tới lưỡng viện Mỹ, cho biết hơn 30 ngàn người Hmong đã tham gia trong các nhiệm vụ giúp CIA chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Bắc Việt và Pathet Lào. Dự thảo viết rằng, sau chiến tranh VN, nhiều người Hmong bị mất nhà cửa vì bị quân Bắc Việt đốt phá, hơn 150 ngàn người đã chạy trốn khỏi nước Lào.

Theo ghi nhận, hiện có hơn 327 ngàn người Hmong sinh sống ở Mỹ, phần lớn trong số đó ở các tiểu bang California, Minnesota và Wisconsin.

 

No comments:

Post a Comment