Saturday, December 16, 2023

Tin Tức: Thứ Bảy 16.12.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1.NHÀ HOẠT ĐỘNG NHÂN QUYỀN NGUYỄN TIẾN TRUNG ĐẾN ĐỨC TỊ NẠN

Thạc sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Tiến Trung cùng vợ và hai con nhỏ hôm 15/12/2013 đã đáp máy bay đến thành phố Frankfurt, Đức để định cư theo diện tị nạn chính trị. Trước đó, ông Trung đã bị an ninh cộng sản vây bắt tại Sài Gòn nhưng may mắn thoát nạn. Sau đó, ông phải lánh nạn sang Thái Lan trước khi đến Đức. Được biết, chính phủ Đức đã cấp visa khẩn cấp cho nhà hoạt động nhân quyền này.

Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983 và bắt đầu nổi tiếng vì những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền khi còn đang du học tại Pháp. Trung cùng với Hoàng Lan và một số bạn bè thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Năm 2006, khi có cơ hội định cư tại Mỹ hoặc ở lại Pháp làm việc nhưng Nguyễn Tiến Trung đã quyết định về nước. Cũng năm này, ông tuyên bố gia nhập đảng Dân Chủ của Giáo sư Hoàng Minh Chính. Năm 2008, Trung bị ép tham gia quân ngũ nhưng từ chối tuyên thệ trung với Đảng mà thề trung thành với Tổ quốc. Năm 2009 Nguyễn Tiến Trung bị bắt cùng với luật sư Lê Công Định, Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức. Trung bị kết án 7 năm tù giam và ra tù sau hơn 5 năm thụ án.

Sau khi ra tù, Nguyễn Tiến Trung ít xuất hiện trên truyền thông nhưng vẫn tích cực vận động nhân quyền cho Việt Nam một cách âm thầm, đặc biệt là giúp đỡ các gia đình TNLT.

Có thể nói, Nguyễn Tiến Trung và Hoàng Lan (tức Nguyễn Thị Hường, người sau này sáng lập tổ chức Project 88) là hai nhà hoạt động nhân quyền gặp giới lãnh đạo quốc tế nhiều nhất để vận động dân chủ cho Việt nam giai đoạn hơn 10 năm trước. Họ đã từng được gặp gỡ Tổng thống Mỹ George Bush, thủ tướng Canada, Tổng thống Pháp, thủ tướng Úc, Chủ tịch Liên minh Châu Âu và nhiều quan chức cao cấp khác.

2.VỤ VẠN THỊNH PHÁT: TRUY TỐ BÀ TRƯƠNG MỸ LAN VÀ 85 ĐỒNG PHẠM

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 85 đồng phạm vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ra quyết định truy tố hôm 15.12. Các tội danh mà những người này bị truy tố gồm “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “tham ô tài sản”.

Theo cáo trạng, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống gần 920 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã thâu tóm từ 85% đến 91,5% cổ phần của SCB, rồi nắm quyền chỉ đạo thao túng toàn bộ ngân hàng này.

Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra cho biết có năm cựu lãnh đạo SCB hiện đang bỏ trốn. Đó là các ông, bà gồm Đinh Văn Thành, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB, đã xuất cảnh ra nước ngoài trước khi vụ án bị khởi tố; Chiêm Minh Dũng- nguyên phó Giám đốc SCB, cũng trốn ra nước ngoài và đang bị truy nã; Trầm Thích Tồn- thành viên HĐQT SCB; Nguyễn Thị Thu Sương- nguyên Chủ tịch HĐQT SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ- từng làm việc cho SCB.

3. TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VN LẠI BÁO LỖ

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết đã lỗ 17.000 tỷ đồng trong năm 2023.

EVN giải thích rằng hai lần tăng giá điện bán lẻ bình quân vào tháng 5 và tháng 11 chỉ có thể giúp tập đoạn này tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, chưa đủ bù đắp chi phí sản xuất- kinh doanh.

Báo cáo của EVN cũng giải trình rằng, nguyên nhân thua lỗ là do phải mua điện giá cao; mặc dù EVN nỗ lực tiết giảm chi phí và tăng giá điện hai lần. Năm 2023, EVN thừa nhận không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh.

Tuy độc quyền về điện lực nhưng hầu như năm nào EVN cũng báo lỗ và liên tục tăng giá điện bán lẻ. Việc báo lỗ trong dịp cuối năm của EVN được nhiều người cho rằng đây là việc dọn đường dư luận cho việc sẽ tiếp tục tăng giá điện vào năm sau.

4.ĐÀI BẮC LÊN ÁN PHÁT BIỂU CỦA VIỆT NAM VỀ VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN

Trong “Tuyên bố chung Việt Nam- Trung Quốc” hôm 13/12, Việt Nam đã “tái khẳng định kiên định thực hiện chính sách ‘một Trung Quốc’, và công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ ‘Đài Loan độc lập’ dưới mọi hình thức, ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không phát triển bất cứ quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan”. Tuyên bố này ngay lập tức gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đài Bắc. Đài Bắc kêu gọi Hà Nội “không chiều theo những lời lẽ ác ý của Trung Quốc nhằm làm giảm chủ quyền của Đài Loan và làm tổn thương tình cảm của người dân Đài Loan”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng tuyên bố chung mà hai ông Tổng bí thư - Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố là “xuyên tạc” và “sai lệch nghiêm trọng so với thực tế”. Đài Bắc đồng thời lên án Bắc Kinh đã truyền bá những luận điệu sai lệch trong cộng đồng quốc tế nhằm tìm cách hạ thấp chủ quyền của Đài Loan.

Đài Loan khuyến nghị Việt Nam có “thái độ thực tế và cởi mở” để tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các trao đổi kinh tế và thương mại lâu dài, cùng có lợi.

No comments:

Post a Comment