Thursday, December 7, 2023

Bóng ma chiến tranh chập chờn ở Châu Á

Bình Luận
Nơi đâu có độc tài thì ở đó có nguy cơ chiến tranh. Nga Sô tại Âu Châu. CSTQ và CS Bắc Hàn tại Đông Á là những ví dụ điển hình.

Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân, trích báo Người Việt với tựa đề: “Bóng ma chiến tranh chập chờn ở Châu Á sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân/Người Việt

Hôm Thứ Ba, 21 tháng Mười Một, Bắc Hàn thông báo thành công trong nỗ lực đưa một vệ tinh do thám lên quỹ đạo Trái Đất. Đây là vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của Bình Nhưỡng. Truyền thông quốc tế cho biết, vệ tinh của Bắc Hàn, có tên Malligyong-1, còn khá thô sơ và chưa biết có hoạt động suôn sẻ như dự tính hay không, được phóng lên từ trạm vũ trụ Tongchang-ri bằng hỏa tiễn “đời mới” Chollima-1, sử dụng công nghệ phóng hỏa tiễn đạn đạo đã bị Liên Hiệp Quốc cấm.

Ngay sau khi thị sát vụ phóng vệ tinh, ông Kim Jong Un, lãnh đạo Bắc Hàn, dẫn con gái đến thăm Cục Công Nghệ Không Gian Quốc Gia ở Bình Nhưỡng. Tại đây, ông yêu cầu Bắc Hàn phóng thêm nhiều vệ tinh do thám nữa để quân đội nước này có “đôi mắt nhìn xa ngàn dặm” cũng như có “nắm đấm mạnh vươn xa ngàn dặm,” theo hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA. Cũng theo KCNA, trong chuyến thăm, ông Kim được xem những tấm ảnh căn cứ không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương mà vệ tinh do thám Malligyong-1 mới chụp được, dù Bắc Hàn nói phải đến ngày 1 Tháng Mười Hai vệ tinh này mới chính thức hoạt động.

Việc Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn không phải là chuyện lạ, nhưng nguy cơ nằm ở những diễn biến sau đó. Phản ứng với hành động của Bắc Hàn, hôm Thứ Tư, Nam Hàn quyết định hủy bỏ quy định vùng cấm bay (no-fly zone) trên biên giới liên Triều, chuẩn bị mở lại những chuyến bay do thám ở đó. Rồi để trả đũa quyết định của Seoul, hôm Thứ Năm, Bình Nhưỡng tuyên bố hủy bỏ vùng cấm bay, chấm dứt toàn bộ thỏa thuận giảm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Thỏa thuận này – ký kết giữa Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và cựu Tổng Thống Moon Jae In của Nam Hàn năm 2018 ở làng biên giới Bàn Môn Điếm với thiện chí “sẽ không còn nữa chiến tranh ở Triều Tiên và như vậy một kỷ nguyên hòa bình mới đã bắt đầu” – đã đặt ra vùng cấm bay và cấm tổ chức tập trận bắn đạn thật ở khu vực biên giới để tránh xung đột không cố ý. Thiện chí đó đã trở thành ảo vọng.

Đáng chú ý là bước leo thang căng thẳng của Bắc Hàn lần này có sự hỗ trợ ngầm của Tổng Thống Vladimir Putin của Nga trong cái gọi là “đổi đạn lấy công nghệ,” theo đó Bình Nhưỡng cung cấp cho Moscow đạn pháo và súng cá nhân để Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine, đổi lại ông Putin sẽ hỗ trợ ông Kim cải tiến công nghệ vệ tinh do thám và hỏa tiễn đạn đạo, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc. Sau hai lần phóng vệ tinh do thám thất bại hồi Tháng Năm và Tháng Tám năm nay, ông Kim của Bắc Hàn đã đi đến miền Viễn Đông Nga hồi Tháng Chín. Ở đó ông được ông Putin đích thân đưa đi thăm sân bay vũ trụ Phương Đông (Vostochny) và các cơ sở chế tạo vệ tinh, hỏa tiễn của Nga.

Được sự giúp đỡ về công nghệ của Nga, được cả Nga và Trung Quốc bao che trước Liên Hiệp Quốc, có khả năng ông Kim của Bắc Hàn sẽ lấn tới và có những hành động leo thang nguy hiểm hơn nữa. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang loay hoay với cuộc chiến tranh ở Ukraine và ở Trung Đông, một cuộc xung đột nữa ở bán đảo Triều Tiên sẽ là một thảm họa chính trị vô cùng lớn.

Bắt đầu từ cuộc xâm lược của ông Putin ở Ukraine, thế giới đã phân cực thành ba nhóm rõ rệt: Một liên minh dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo đương đầu với một liên minh chuyên chế do Trung Quốc cầm đầu và ở giữa là một nhóm nhỏ các nước đang phát triển đu dây giữa hai khối kia để hưởng lợi. Nhóm chuyên chế, gồm Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn, có điểm chung là chế độ độc tài – hoặc độc tài cá nhân như Nga, đảng trị như Trung Quốc, gia đình trị như Bắc Hàn hoặc thần quyền như Iran. Các chế độ độc tài này đều nuôi tham vọng bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng. Họ liên kết với nhau kích hoạt các điểm nóng xung đột để thay đổi trật tự thế giới đã ổn định và mang lại thịnh vượng cho thế giới hơn 70 năm qua.

 

Nga đã phát động cuộc chiến tranh lớn nhất Châu Âu kể từ sau Thế Chiến 2 và đang nhắm tới các nước ở sườn phía Đông của NATO. Iran ngầm kích động các vụ tấn công của Hamas và Hezbollah vào Israel, bắn hỏa tiễn vào cả các căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria, mưu toan hủy diệt mầm mống hòa bình ổn định vừa manh nha ở Trung Đông. Giữa Nga và Iran có một mối hợp tác sâu rộng. Quân đội Nga sử dụng rất nhiều UAV Shahed của Iran để tấn công mạng lưới năng lượng và các đô thị ở Ukraine. Trong khi đó, ở Đông Á, Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép quân sự lên hòn đảo dân chủ Đài Loan và gây hấn với Philippines. Nếu một cuộc xung đột nóng giữa Nam và Bắc Hàn nổ ra, trong đó Nga và Trung Quốc chống lưng cho Bắc Hàn, lôi kéo cả Nhật và Hoa Kỳ vào việc bảo vệ đồng minh Nam Hàn thì đó sẽ là cơ hội bằng vàng để Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thực hiện cuộc xâm lược và thâu tóm Đài Loan – giấc mơ nóng bỏng nhất của họ Tập. Bắc Kinh cũng cần một cuộc đụng độ quân sự để kiểm chứng năng lực của quân đội sau mấy thập kỷ đầu tư cải cách và để chuyển hướng sự quan tâm của dân chúng khỏi những vấn đề rối rắm của nền kinh tế trong nước. Biển Đông cũng có thể là một chiến trường mới cho cuộc đọ sức Mỹ-Trung nếu xảy ra một vụ va chạm chết người nào đó giữa lực lượng Trung Quốc và Philippines dẫn tới việc kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines.

Hơn 30 tháng trước, Tổng Thống Joe Biden nói rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine là cuộc đối đầu giữa tự do dân chủ với độc tài chuyên chế sẽ định hình tương lai của thế giới và chúng ta không được phép thất bại. Khi đó ít ai nhìn thấy trước chiến tranh sẽ từng bước lan rộng khắp toàn cầu và cũng không ai ngờ các thế lực chuyên chế trong cơn khủng hoảng trước làn sóng dân chủ hóa, lại hung hăng và liều lĩnh như hiện nay. Thế giới đang đi vào một thời kỳ hết sức bất ổn và gánh nặng trên vai người Mỹ lại nặng hơn bao giờ.

No comments:

Post a Comment