Wednesday, December 6, 2023

Tin Tức, Thứ Tư 06.12.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Phụng Hoàng và Trường An trình bày sau đây.

1/ THÚ Y QUỐC TẾ CẢNH BÁO VỀ VẮC-XIN DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU CỦA VN

Tổ chức Thú y Thế giới vừa lên tiếng cảnh báo về vắc-xin ngừa dịch tả heo Phi châu của Việt Nam, với yêu cầu cần phải có thêm thử nghiệm và công ty sản xuất cần cung cấp thêm đủ dữ liệu về loại vắc-xin này cho các cơ quan nghiên cứu của thế giới.

Lời cảnh báo được đưa ra vào khi Việt Nam đang xúc tiến việc xuất cảng các vắc-xin này ra thế giới. Vào hôm 5/12, ông Gregorio Torres, người cầm đầu phòng nghiên cứu của tổ chức thú y thế giới, đã thúc giục các nước phải quan tâm đến loại vắc xin này trước khi phê duyệt.

Tổ chức thú y cũng cho biết công ty AVAC Việt Nam, tức công ty sản xuất loại vắc-xin này, chưa cung cấp đủ dữ liệu cho các cơ quan nghiên cứu của quốc tế.

Cần biết là bạo quyền Việt Nam vào tháng 7 vừa qua công bố việc tung ra thị trường hai loại vắc-xin dịch tả heo Phi châu đầu tiên trên thế giới. Đây là các loại vắc-xin được hai công ty Việt Nam sản xuất với sự giúp đỡ từ Mỹ.

Theo thông tin từ VN, đến tháng 7 đã có hơn 650 ngàn liều vắc-xin được kiểm soát phẩm chất  đạt được 100%. Vắc-xin AVAC Việt Nam đã được xử dụng để tiêm cho các đàn heo và đánh giá thận trọng tại Philippines. Cơ quan có thẩm quyền của Philippines đã công bố kết quả đánh giá vắc-xin đạt an toàn đến 100%.

Philippines đã thử nghiệm 300 ngàn liều vắc-xin này. Tuy nhiên cơ quan Thực phẩm và Thuốc men của Philippines chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mới này.

Công ty AVAC cho biết vắc-xin này không nguy hiểm và việc xử dụng rộng khắp sẽ chứng minh điều này. Tuy nhiên công ty không trả lời câu hỏi về việc công ty có chia xẻ dữ liệu cho các nhà nghiên cứu thế giới hay không. Người đại diện công ty này cho biết vắc-xin đã được xử dụng an toàn ở 17 tỉnh của Việt Nam.

Trong khi đó, bộ nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết các nhà khoa học Mỹ đã phát giác ra loại vắc-xin này và sau đó vắc-xin được sản xuất ở Việt Nam vì loại vi-rút này không có ở Mỹ. Phía Mỹ không tiếp cận các dữ liệu thử nghiệm vắc-xin của phía Việt Nam.

2/ CÁC CÔNG TY ĐỨC CHUYỂN SẢN XUẤT TỪ TRUNG CỘNG SANG VN

Một nghiên cứu mới đây của phòng Thương mại Đức ở Trung Cộng cho thấy có gần nửa số công ty Đức đang hoạt động ở Hoa Lục đang có kế hoạch giảm rủi ro kinh doanh do căng thẳng địa chính trị, với nhiều công ty đang chuyển hoạt động sang các nước khác bao gồm Việt Nam.

Theo nghiên cứu được tiến hành và công bố vào ngày hôm qua, có khoảng 566 công ty Đức dịch chuyển sản xuất từ ngày 5/9 đến ngày 6/10. 83% các công ty được hỏi cho biết họ lo ngại về những căng thẳng địa chính trị và phải thực hiện các bước nhằm giảm thiểu những nguy cơ làm ăn ở Trung Cộng.

Hơn 57% các công ty được hỏi cho biết họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào Ấn Độ, 38% cho biết sẽ đầu tư thêm vào Việt Nam, hơn 30% các công ty nói sẽ đầu tư thêm vào Thái Lan.

Chính phủ Đức trước đó cũng cho biết một chiến lược nhằm làm giảm nguy cơ kinh tế của Đức trong quan hệ với Trung Cộng. Một số nước khác ở Tây phương cũng đang tìm cách giảm thiểu các rủi ro này vi lo ngại những hành động lấn lướt của Trung Cộng đối với Đài Loan và ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy 54% số công ty được hỏi nói rằng họ muốn đầu tư thêm nữa vào Trung Cộng, cao hơn con số 51% vào năm ngoái.

3/ TỔNG THỐNG UKRAINE KÊU GỌI HOA KỲ TIẾP TỤC CHI VIỆN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào hôm qua 5/12 đã phát biểu trực tuyến trước các thượng nghị sĩ Mỹ để kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục chi viện thêm cho Ukraine.

Trong lúc đó, chính quyền Joe Biden hối thúc quốc hội Hoa Kỳ hãy thông qua một ngân quỹ lên đến 106 tỷ Mỹ kim để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống Nga. 

Vào hôm thứ Hai 4/12, chính quyền Biden đã đưa ra lời cảnh báo khẩn cấp là việc thông qua gói hỗ trợ quân sự và kinh tế này cho Ukraine là cần thiết. Tòa Bạch Ốc nêu rõ nỗ lực chiến đấu của Kiev nhằm chống lại cuộc chiến xâm lược của Nga có nguy cơ bị dừng lại, nếu không có khoản chi viện này. 

Vì vậy, theo lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số ở thượng viện, ông Chuck Shumer đã mời Tổng thống Zelensky phát biểu trước các thượng nghị sĩ để họ có thể nghe “trực tiếp từ chính ông ấy về những gì đang bị đe dọa Ukraine”. Trong cuộc họp này, thượng viện cũng sẽ nghe các trình bày của các vị bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng Mỹ và nhiều quan chức an ninh cao cấp khác. 

Trong thư gởi đến các lãnh đạo quốc hội được công bố, giám đốc phụ trách ngân sách của tòa Bạch Ốc, bà Shalanda Young, cảnh báo là từ nay đến cuối năm “Chúng ta không còn tiền, và gần như không còn thời gian nữa” và điều này sẽ đánh gục Ukraine ngay trên chiến trường”. 

Riêng ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, báo động là việc chấm dứt viện trợ của Mỹ cho Ukraine “sẽ giúp Putin giành được chiến thắng”

4/ MỸ - NHẬT – ÚC LẦN ĐẦU TIÊN TẬP TRẬN BẢO VỆ NƯỚC NHẬT

Quân đội ba nước Mỹ, Nhật và Úc bắt đầu “cuộc tập trận chỉ huy chung” (Command Post Training Exercise) nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên Úc tham gia vào cuộc tập trận thường niên Yama Sakura, kéo dài từ ngày 4 đến ngày 13/12.

Lễ khai mạc diễn ra tại căn cứ Asaka của quân đội Nhật Bản trên đảo Hokkaido, ở phía bắc nước Nhật. Hơn 6 ngàn binh sĩ Mỹ và Nhật tham gia cuộc tập trận này. Về phía Úc, tổng cộng  khoảng 200 người tham gia cuộc diễn tập nói chung, trong đó có 30 binh sĩ.

Tướng Scott Winter, tư lệnh sư đoàn số 1 Úc, cho biết việc Úc lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận Yama Sakura 85 là một bước tiến đáng kể trong hợp tác ba bên, nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng.

Theo quân đoàn I lục quân Mỹ, trọng tâm của cuộc tập trận này là phối hợp và liên lạc giữa các bộ chỉ huy quân đội 3 quốc gia và các đơn vị chiến đấu. Cuộc tập trận liên quan đến việc điều động các lực lượng từ Mỹ và Úc để đối phó với việc quần đảo Nhật bị tấn công. Quân đội Úc được đặt dưới sự chỉ huy của lực lượng Mỹ.

Tư lệnh quân đoàn I lục quân Mỹ, tướng Xavier Brunson, cho biết trong buổi khai mạc vào hôm 4/12, đây là một trong những cuộc tập trận chỉ huy chung “lớn nhất và phức tạp nhất ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

 Cuộc tập trận Yama Sakura lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

5/ TẬP ĐOÀN QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN KÊU GỌI ĐÀM PHÁN

Vào hôm qua 5/12, người cầm đầu tập đoàn quân phiệt Miến Điện lên tiếng kêu gọi các lực lượng kháng chiến hãy mở cuộc đàm phán để tìm giải pháp chính trị. Tuy nhiên phe kháng chiến đã thẳng thừng bác bỏ kêu gọi này.

Theo cơ quan ngôn luận chính thức của tập đoàn quân phiệt Global New Light of Myanmar, người cầm đầu tập đoàn quân phiệt, đại tướng Min Aung Hlaing, cảnh báo là nếu các tổ chức vũ trang tiếp tục hành xử bất cẩn, dân cư các khu vực liên quan sẽ phải gánh chịu hậu quả”.

Tuy nhiên ông Kyaw Zaw, phát ngôn nhân Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, lực lượng kháng chiến chống đảo chính ngay lập tức đã bác bỏ lời kêu gọi nói trên. Ông Zaw khẳng định là tập đoàn quân phiệt đang thất bại nặng nề trên thực địa vì vậy họ phải cố gắng tìm lối thoát. Theo ông Zaw, sẽ có đối thoại thực sự nếu quân đội bảo đảm không còn đóng vai trò gì trong chính trị nữa và chấp nhận sống dưới quyền một chính phủ dân cử.

Theo giới quan sát, tướng Min Aung Hlaing đưa ra lời kêu gọi vào lúc giới tướng lĩnh Miến Điện đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021. Liên minh ba lực lượng vũ trang của một số sắc tộc thiểu số đã mở nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn từ cuối tháng 10, chủ yếu là ở một số khu vực biên giới với Trung Cộng.

Nhân bối cảnh này, quân kháng chiến cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào quân đội tại miền bắc và miền đông. Vào tuần trước, quân kháng chiến cho biết đã kiểm soát được một phần thủ phủ bang miền đông Kayah, giáp biên giới với Thái Lan. 

Thông tấn xã Reuters, trích dẫn một số nguồn tin từ Liên Hiệp Quốc, cho hay tổng cộng hơn 500 ngàn người dân đã phải di tản lánh nạn trên toàn quốc. Hơn 250 thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, đã thiệt mạng kể từ đầu chiến dịch quân sự nói trên. 

 

No comments:

Post a Comment