Thiền Sư/ tư tưởng gia Tuệ Sỹ, cũng như các NS Phạm Duy, Trịnh Công Sơn thành tựu tỏa sáng được nhờ nền văn hóa và giáo dục khai phóng của VNCH. Trách nhiệm của các thế hệ VN tương lai là lật đổ độc tài và tiếp nối truyền thống văn hóa và giáo dục khai phóng đó.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân, trích báo Người Việt với tựa đề: “Tuệ Sỹ – ánh tà dương của một thời đại” sẽ được Nguyên Khải trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Hiếu Chân/Người Việt
Ở đây chúng tôi xin mạn phép không bàn về
tài đức của ngài Tuệ Sỹ. Thầy Tuệ Sỹ để lại cho hậu thế một kho tàng lớn sách vở,
trước tác, công trình nghiên cứu dịch thuật về triết học, văn chương. Ngoài ra,
đã có hàng trăm bài viết trên mạng điện toán, của các bậc thức giả, của môn đồ
pháp chúng về trí tuệ siêu việt và hạnh vô úy “Trí, Dũng” của bậc chân tu, bạn
đọc dễ dàng tham khảo. Chúng tôi chỉ xin đề cập đến một khía cạnh ít được nói tới:
thời đại, xã hội đã hun đúc nên một con người xuất chúng như Thầy Tuệ Sỹ, một
nhà Phật học, nhà thơ, một người tù thế kỷ bất khuất trước bản án tử hình (sau
đổi thành án chung thân), mà chế độ gán cho thầy đầu thập niên 1980.
Con người là sinh vật xã hội. Trí tuệ, tâm
tính của một người có phần do thiên phú, do huyết thống, nhưng phần lớn là do ảnh
hưởng của xã hội, của thời đại mà người đó sống, thông qua tác động của giáo dục,
văn hóa và các mối giao tiếp. Tục ngữ đã nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” –
tròn hay dài đâu phải là nghiệp số nhất thành bất biến. Nói theo từ ngữ của nhà
Phật, nếu phần thiên phú là nhân thì môi trường xã hội là duyên để tạo nên quả;
không gặp duyên lành hay môi trường thuận lợi thì nhân tốt cũng khó thành quả
ngọt.
Cũng như nhiều bậc kỳ tài thuộc “thế hệ
vàng” của miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Thầy Tuệ Sỹ (sinh năm 1943 hoặc
1945) lớn lên trong không khí tự do dân chủ mới manh nha. Tuy chưa hoàn thiện,
nhưng những quyền tự do căn bản minh định trong Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa
1967, cùng với nền giáo dục “dân tộc, nhân bản và khai phóng” đã tạo ra môi trường
thuận lợi để phát triển tài năng và phẩm giá con người.
Tự do tư tưởng, tự do học thuật không bị
gò bó vào một học thuyết, một chủ nghĩa cứng nhắc cho phép các bậc thức giả tìm
tòi, nghiên cứu kho tàng trí tuệ của nhân loại, chắt lọc những tinh túy đem về
phục vụ khai dân trí. Từ đó, chúng ta có những bậc trí thức thông kim bác cổ, tự
do đàm luận, trước tác mà không sợ hãi. Chỉ riêng về nghiên cứu Phật học, trong
một thời gian ngắn chừng mười năm, đã xuất hiện những học giả cao sâu như các
hòa thượng Minh Châu, Huyền Quang, Nhất Hạnh, Trí Siêu và nhiều vị cao tăng
khác mà Hòa Thượng Tuệ Sỹ là gương mặt tiêu biểu.
Tự do sáng tác cho phép các văn
nhân, thi sĩ, nhạc sĩ thả trí tưởng tượng bay bổng và tạo ra những tác phẩm thấm
đẫm tình người, tồn tại mãi với thời gian. Không ai giống ai, mỗi nghệ sĩ thực
tài là một gương mặt riêng, một tiếng nói riêng, đem vào cái vườn hoa đầy hương
sắc của văn nghệ miền Nam một giá trị độc đáo. Nhìn vào mọi lĩnh vực sáng tạo,
từ triết học, văn nghệ tới khoa học ở đâu ta cũng thấy những cây đại thụ làm
nên hình hài một nền văn hóa quốc gia.
Nghiên cứu không chỉ để nghiên cứu, sáng
tác không chỉ vị nghệ thuật, đến lượt mình, những thành quả văn hóa ấy phục vụ
công cuộc chấn hưng xã hội, xây dựng đạo lý, làm cho cuộc sống của người dân
tuy chưa thật sự sung túc về vật chất nhưng đúng với phẩm giá con người. Nói
cách khác, tự do dân chủ có ảnh hưởng sâu rộng tới đạo đức của xã hội chứ không
chỉ ươm mầm và phát triển các tài năng.
So sánh với các xã hội độc tài thì thấy
rõ. Không phải chế độ độc tài nào cũng đều làm băng hoại đạo lý, bóp chết các
tài năng nhưng rõ ràng chế độ độc tài sử dụng bạo lực để tồn tại, tôn sùng sự
giả dối và thù hận thì không thể là mảnh đất thích hợp để tài năng và đạo đức
phát triển.
Chế độ toàn trị ở miền Bắc trong thời nội
chiến và trên cả nước Việt Nam từ ngày 30 Tháng Tư, 1975, đến nay lại càng kinh
khủng. Khi dối trá và bạo lực trở thành bản chất của chế độ cầm quyền thì mọi
giá trị đạo đức bị đảo lộn, trắng thành đen, phải thành trái, người tài năng và
đức hạnh bị những kẻ vô học nhưng thừa lòng tham và thủ đoạn đè đầu cưỡi cổ. Cứ xem trường hợp của hai nhạc sĩ cùng thời, Văn Cao và Phạm
Duy, thì thấy – tài năng một chín một mười, nhưng Văn Cao khốn khổ sống lay lắt
như chết dưới chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc trong khi Phạm Duy phát tiết
tinh hoa ở miền Nam, để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ ít ai sánh nổi. Có vô số
những ví dụ như vậy, cho thấy tự do và dân chủ là điều kiện cốt yếu của sự phát
triển tài năng và đạo lý xã hội.
Trở lại với sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ. Hơn
một tuần qua, không chỉ môn đồ pháp quyến của thầy mà rất nhiều đồng bào trong
và ngoài nước, Phật tử và tín đồ các tôn giáo khác, đều cảm thấy một sự mất mát
to lớn. Cảm giác mất mát đó có phần do thực tế Thầy Tuệ Sỹ – trí huệ uyên thâm,
đạo đức sáng rỡ – như là cây đại thụ cuối cùng của một cánh rừng những tài năng
xuất chúng trưởng thành trong không khí tự do dân chủ buổi đầu kiến quốc ở miền
Nam, một trí thức chân chính, một công dân đầy trách nhiệm với xã hội, đất nước
và dân tộc.
Với Phật Giáo, sau các vị trưởng lão Thích
Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thầy Tuệ Sỹ có thể là bậc cao tăng cuối cùng gánh
vác vận mệnh của giáo hội qua những truân chuyên của thời mạt pháp. “Cọng lau gầy
trĩu nặng ánh tà dương,” gợi hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ như ánh tà dương của một thời
thịnh trị đang qua nhanh. Nỗi thương tiếc ngài Tuệ Sỹ có phần cũng là thương tiếc
một thời đại, một chế độ nhân bản đã sớm thất bại và bị hủy diệt dưới bạo lực của
cường quyền và gian trá.
Khi ánh tà dương Tuệ Sỹ vụt tắt, nhiều người
vẫn hy vọng “hàng ngàn, hàng vạn tăng sĩ Phật Giáo đang âm thầm chuyên tâm tu tập
chờ cơ hội đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc,” nối gót chư tổ chấn
hưng Phật Giáo và từ đó chấn hưng đạo lý của cả dân tộc. Nhưng chúng tôi không
cảm thấy lạc quan như vậy. Nửa thế kỷ qua, đất nước chìm trong chế độ toàn trị
nghiệt ngã nhất, chưa từng có trong lịch sử. Không chỉ Phật Giáo mà gần như
toàn bộ hệ thống giá trị đạo lý đều đã bị phá hủy hoặc lũng đoạn trong một xã hội
tôn sùng bạo lực và gian trá. Để vực dậy một nền kinh tế lạc hậu, người ta cần
một thế hệ nếu có đường lối chính sách đúng đắn, nhưng để chấn hưng tinh thần
và đạo đức của một dân tộc thì cần nhiều hơn thế, cần nhiều thế hệ với những nỗ
lực vô cùng lớn trong một xã hội thật sự tự do, dân chủ và nhân bản.
Bao giờ đất nước ta có một thể chế tự do, dân chủ như vậy, chúng tôi không biết nhưng chắc hẳn sẽ không sớm như mong ước.
No comments:
Post a Comment