Mặc cho sự kiên trì dũng cảm đấu tranh của người dân Vườn Rau Lộc Hưng cho chủ quyền chính đáng và hợp pháp trên mảnh đất của chính mình, bạo quyền CSVN đã ngồi xổm trên luật pháp của bọn chúng đưa ra để ngang ngược cướp đất của người dân thấp cổ bé miệng mà không hề chịu bồi thường thỏa đáng.
Để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay, trong tiết mục Đất Nước Đứng Lên kính mời quí thính giả theo dõi bài viết của Kalynh Ngô, trích báo Người Việt với tựa đề “Vườn Rau Lộc Hưng lại bị cướp, tương lai của 400 người dân mờ mịt” được đăng trên trang Người Việt qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
December 7,
2023
Kalynh Ngô/Người Việt
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một vụ cưỡng chế đất mới nhất vừa tái diễn ở Vườn Rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, hôm Thứ Năm, 7 Tháng Mười Hai. Nhiều hình ảnh và video clip lan truyền qua mạng xã cho thấy lực lượng hàng trăm người gồm an ninh, công an, dân phòng, xông vào phong tỏa khu đất Vườn Rau Lộc Hưng để xây tường rào cho một công trình.
Tái diễn
Tuy mới nhưng không cũ, vì đây là lần thứ hai sau vụ cưỡng chế Vườn Rau Lộc Hưng ngày 19 Tháng Giêng năm 2019 làm dậy sóng dư luận cả nước. Lần này, chính quyền phường 6, quận Tân Bình, quyết chiếm đoạt khu đất hiện là nơi an cư lạc nghiệp của khoảng 400 người.
Luật Sư Nguyễn Văn Miếng, người theo dõi sát sao vụ việc kể từ khi xảy ra vụ cưỡng chế lần thứ nhất năm 2019 cho báo Người Việt biết ông nhận được rất nhiều tin tức, hình ảnh do những hộ dân sinh sống trong Vườn Rau Lộc Hưng gửi về từ đêm ngày 6 Tháng Mười Hai. Qua điện thoại, ông cũng đưa ra bình luận về tính chất của vụ càn quét trong thời điểm cuối năm.
“Trong đêm Thứ Tư, bà con Vườn Rau Lộc Hưng đã phát hiện ra chính quyền quận Tân Bình tập kết vật liệu để sáng hôm sau làm hàng rào. Tin loan đi và mọi người cảnh báo nhau về chuyện này. Tại sao bốn năm rồi mà bây giờ mới triển khai việc này? Đó là vì người dân vẫn đi khiếu kiện. Thứ nhất là họ tố giác chuyện phá hoại tài sản. Thứ hai là họ yêu cầu đền bù. Thứ ba nữa là họ yêu cầu quyền sử dụng đất của họ. Họ đã có những chuyến đi ra tới Hà Nội, đến Ban Tiếp Dân Trung Ương. Khi trình bày xong về nguồn gốc khu đất, phía Hà Nội yêu cầu chuyển đến chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành Hồ để giải quyết cho người dân. Nhưng điều đó đã không được giải quyết.”
Cứ như thế trong suốt bốn năm, theo lời Luật Sư Miếng, người dân Vườn Rau Lộc Hưng cần mẫn đi khiếu kiện. Cuối cùng, số tiền đền bù từ 7 triệu đồng tăng lên 11 triệu đồng/mét vuông.
“Rõ ràng đây là sự tùy tiện, hoàn toàn không có thoả thuận nào với người dân,” Luật Sư Miếng nói.
Theo ông, lý ra phải có sự thương lượng giữa kẻ cướp với người bị cướp. Quyền chấp thuận đền bù hoặc đưa ra số tiền đền bù là quyền của người dân vì họ là người bị cướp.
Liên quan đến số tiền “đền bù,” ông Cao Hà Trực, một người dân sinh sống ở Vườn Rau Lộc Hưng, trả lời Đài Á Châu Tự Do (RFA) sáng Thứ Tư, cho biết thông tin 106 hộ dân đã đồng ý nhận đền bù theo dự thảo phương án hỗ trợ (tăng mức hỗ trợ ban đầu từ 7,055,000 đồng/mét vuông lên 11,250,000 đồng/mét vuông cho phần diện tích đất canh tác), đưa ra từ hồi Tháng Mười Một là không chính xác.
Sự thật là có khoảng 90 hộ dân đến nay vẫn không chấp nhận thỏa thuận đền bù cho chính quyền Quận Tân Bình đưa ra.
Luật Sư Miếng cho biết: “Những người không nhận tiền đền bù đang ký đơn để phản đối không đồng ý 11 triệu đồng. Nhà nước đã không đo được nhiệt độ của người dân. Mặc dù họ vẫn yêu cầu đòi lại đất nhưng vẫn có một xu hướng là phải thương lượng để đền bù cho họ. Nhưng nhà nước thì vẫn cứ nói đất này không phải của ông bà, chúng tôi chỉ hỗ trợ thôi. Mà hỗ trợ thì chẳng có căn cứ nào.”
Lịch sử Vườn Rau Lộc Hưng
Sau ngày diễn ra vụ cưỡng chế Vườn Rau Lộc Hưng lần thứ nhất, 19 Tháng Giêng năm 2019, người dân đã đưa ra bằng chứng về các giấy thuế họ đã “nộp” cho chính quyền phường 6, quận Tân Bình trong suốt 20 năm qua. Điều này để làm một trong những bằng chứng họ sở hữu mảnh đất này.
Thêm vào đó, Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn hôm 15 Tháng Giêng năm 2019 đã khẳng định “khu vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, quận Tân Bình, trước ngày 30 Tháng Tư, năm 1975 hoàn toàn không phải đất của nhà nước cũ sở hữu. Và cũng không hề có một cơ sở pháp lý nào cho phép xác định rằng trong thực tế, khu đất trên đã được trung tâm viễn thông 3 tiếp quản.”
Trong cuộc nói chuyện với Nhật báo Người Việt, Luật Sư Nguyễn Văn Miếng giải thích thêm, chi tiết về lịch sử Vườn Rau Lộc Hưng.
“Năm 1954, những đồng bào miền Bắc di cư theo chương trình di cư của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Khoảng một triệu người miền Bắc đã vào miền Nam lập nghiệp. Chính phủ hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người, cung cấp đất đai, nhà cửa và mọi quyền lợi để mọi người sinh sống trong xã hội tự do.
Phần lớn trong số họ là người Công Giáo.
Những đồng bào ở Vườn Rau Lộc Hưng có nguồn gốc ở Sơn Tây, về sinh sống ở khu đất của Hội Thừa Sai Paris. Sau năm 1954, Hội Thừa Sai Paris đã chuyển giao phần đất đó cho Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Tổng Giám Mục Sài Gòn cho người dân định cư và canh tác. Trong thời điểm đó, chính quyền Pháp mượn khu đất để làm cột phát tín. Chính ông trưởng đài đã thông báo cho ông cha xứ năm đó là Đinh Công Trình, nói là việc xây dựng nhà thờ cũng như canh tác thì phải báo cho chủ đất. Chủ đất lúc đó là Tòa Giám Mục Sài Gòn.
Người dân ở đó đã có những khế ước, biên lai trả thuế đất cho Tòa Giám Mục Sài Gòn.
Sau năm 1975, Cộng Sản chiếm miền Nam, người dân vẫn tiếp tục canh tác, gọi là hợp tác xã. Họ có đóng thuế cho nhà nước. Mọi sự diễn ra bình yên, thay vì họ đi kinh tế mới thì họ ở lại Sài Gòn trồng rau.
Đến khi một công ty địa ốc Sài Thành dòm ngó khu đất. Họ đứng ra thương lượng với người dân để đền bù 3 triệu đồng/m2. Ông Nguyễn Văn Đua lúc đó làm bên thành phố đứng ra làm trung gian, sắp xếp đền bù. Người dân không đồng ý giá 3 triệu. Cuối cùng, thương lượng đó bị đình lại.”
Xét theo Luật Đất Đai của chính quyền hiện tại, đất đai, nhà cửa sau năm 1975 mà không do nhà nước quản lý, thì đối với những người đang sử dụng, sau ngày 1 Tháng Bảy năm 1991 sẽ được phép công nhận quyền sử dụng đất đó.
Luật Sư Miếng nói tiếp: “Sau ngày 1 Tháng Bảy đó, các công ty địa ốc vẫn đứng ra thương lượng với người dân vì họ là chủ đất, nhưng không thành công. Tuy nhiên, khi người dân đi xin cấp quyền sử dụng đất thì các cơ quan thụ lý không cấp và không nêu lý do.”
Theo nhận định của Luật Sư Miếng, gần 5 hecta đất ở Vườn Rau Lộc Hưng là “miếng mồi ngon” cho chính quyền quận Tân Bình. Họ cho rằng đó là đất công cộng nên “chỉ hỗ trợ, không đền bù.” Con số “hỗ trợ” là 7 triệu đồng/m2.
“Trong khi thời điểm đó, đất khu vực đó lên tới hàng trăm triệu đồng/m2,” Luật Sư Miếng nói.
Khoảng Tháng Mười năm 2019, tức thời điểm đã cướp xong một phần đất ở Vườn Rau Lộc Hưng, Thành Ủy thành phố Sài Gòn mới ra một nghị quyết sẽ xây ba trường học ở khu vực ấy.
“Xây trường học thì tốt nhưng nó nằm giữa cái rốn của kẹt xe. Tại sao lại đặt trường học vào giữa cái rốn của kẹt xe như thế? Tôi nghĩ rằng sau này họ sẽ thay đổi mục đích sử dụng đất,” Luật Sư Miếng nhận xét.
Nói về điều này, ông Cao Hà Trực có đề cập với Đài Á Châu Tự Do.
Ông Trực nói: “Bà con sẵn sàng cộng tác với chính quyền để làm những dự án, hay những cái công trình để phục vụ cho nhân dân và làm cho bộ mặt thành phố ngày thời càng thêm khang trang thịnh vượng, nhưng phải cần xét đến nguồn gốc của bà con và bà con phải được bồi thường thỏa đáng theo như luật quy định.”
Cướp lần hai, quyết liệt hơn lần một
Khi người dân không chấp nhận số tiền đề bù 11 triệu/mét vuông, chính quyền quận Tân Bình giải quyết bằng cách đổ quân cưỡng chế. Theo nguồn tin từ các trang mạng xã hội quan tâm sự việc, sáng ngày 7 Tháng Mười Hai, an ninh chặn tất cả các ngã đường dẫn vào Vườn Rau Lộc Hưng, đặc biệt là phong tỏa những hộ dân có ý kiến khiếu nại.
Quyết tâm chiếm đoạt khu đất Vườn Rau Lộc Hưng của chính quyền Quận Tân Bình thể hiện rõ rệt ở lần này.
Theo lời Luật Sư Miếng kể lại, sau khi 40 người dân đi lễ nhà thờ sáng 7 Tháng Mười Hai, họ tập trung ở nhà ông Cao Hà Trực để cầu nguyện. Lập tức 40 người đã bị công an chặn cửa, không thể ra khỏi nhà. Lực lượng của chính quyền đổ quân liên tục để xây hàng rào bằng tôn.
“Họ đã cải tạo thành công xã hội chủ nghĩa trên vườn rau của người dân,” Luật Sư Miếng nói một cách chua chát.
Cho đến tối ngày 7 Tháng Mười Hai (giờ địa phương), an ninh vẫn dày đặc ở Vườn Rau Lộc Hưng. Hàng rào tôn đã xây xong và có người bảo vệ. Theo Luật Sư Miếng, nếu lúc này, người dân xâm nhập vào hoặc hàng rào tôn thì họ sẽ bị quy kết vào tội phá hoại tài sản.
Tại Vườn Rau Lộc Hưng có một Đài Đức Mẹ. Tuy không bị vây che, nhưng người dân không được ra để đọc kinh như mỗi đêm. Ngày 8 Tháng Mười Hai là Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Luật Sư Miếng cho biết đó là ngày lễ lớn của người Công Giáo. Do đó, ông yêu cầu lực lượng an ninh phải rút đi, trả lại tự do tôn giáo, tự do cầu nguyện cho người dân.
Trong bối cảnh hiện tại, liệu những lá đơn khiếu kiện của người dân VRLH có hy vọng hay không? Tương lai của 400 người dân rồi sẽ ra sao?
Luật Sư
Nguyễn Văn Miếng cho biết: “Những luật sư nhận giúp cho bà con tin là việc của
mình căn cứ vào pháp luật là đúng. Nếu nhà nước đúng thì đã không dùng bạo
quyền. Hiện nay, bạo lực đang đứng trên đầu bà con và có thể sụp xuống bất cứ
lúc nào. Nhất cứ nhất động của những người lên tiếng ở Vườn Rau Lộc Hưng sẽ bị
biến thành hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ như chống người ‘thi hành công
vụ’.”
No comments:
Post a Comment