Chỉ có chính cái quyền vô minh của nhà nước CSVN mới có thể sản sinh và dung dưỡng cho những tay lãnh đạo bát nháo, luôn huyên hoang đưa ra những giáo huấn vô tri vớ vẩn cho các cấp thuộc hạ. Một đất nước Việt Nam dân chủ hiến định pháp trị và đa nguyên chân chính trong tương lai là điều kiện thiết yếu để đất nước sản sinh và dung nạp những nhà lãnh đạo trí tuệ tầm vóc, hầu đưa toàn dân thoát khỏi cuộc sống bần cùng dưới chế độ CS hiện nay.
Để tiếp nối chương trình phát thanh tối hôm nay, trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình kính mời quí thính giả theo dõi bài viết của Trân Văn với tựa đề “Thật đáng ngại với những quy định ‘vừa ban hành đã sửa’” được đăng trên Blog Trân Văn qua sự trình bày của Lê Khanh.
Trân Văn
8/12/2023
Blog Trân Văn
Năm 2013, giới hữu trách từng công bố một ước tính, theo đó, chi phí cho một phút trong các kỳ họp quốc hội là hai triệu, chi phí cho một ngày khoảng một tỉ đồng.
Hôm 6/12/2023, trong phiên họp theo định kỳ của chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng vừa khuyến khích các viên chức hữu trách: Không ngại, không sợ quy định vừa ban hành đã sửa, điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cầu thị lắng nghe để hành động (1).
Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà tư duy và chỉ đạo của người đứng đầu hệ thống công quyền... “thoáng” như thế! Tuy nhiên ngẫm kỹ sẽ có rất nhiều chuyện đáng bàn. Nếu thật sự “nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cầu thị lắng nghe để hành động” thì tại sao lại có “quy định vừa ban hành đã sửa”?
Tại sao một Ủy viên Bộ Chính trị, vừa nắm giữ vai trò Thủ tướng – quản trị và điều hành chính phủ, vừa là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân tại quốc hội lại không hề băn khoăn chút nào khi “quy định vừa ban hành đã sửa” trở thành chuyện bình thường, đã vậy lại còn khuyến khích cả hệ thống... “không ngại” và... “không sợ”?
Nhìn chung, Ủy viên Bô Chính trị kiêm Thủ tướng, kiêm Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Minh Chính vừa giúp lý giải tại sao hoạt động lập pháp và lập quy tại Việt Nam lại... khác với phần còn lại của nhân loại như vậy. Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất mà... sửa luật trở thành công việc chính của Quốc hội. Hãy tham khảo ví dụ gần nhất...
Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội khóa này diễn ra từ 23/10/2023 đến 29/11/2023. Trong kỳ họp vừa kết thúc cách nay một tuần, Quốc hội khóa 15 dành phần lớn thời gian, công sức để ngắm nghía, ngẫm nghĩ và bày tỏ ý kiến về 17 dự luật (2). Trong đó, chỉ có hai là mới (Dự luật Quản lý - bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Dự luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh và động viên công nghiệp), ba đã bị các ĐBQH khóa trước loại bỏ nhưng được chính phủ moi ra trình lại (Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh - trật tự ở cơ sở và Dự luật Đường bộ, Dự luật Trật tự - ATGT đường bộ).
Cần lưu ý Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh - trật tự ở cơ sở bị các ĐBQH khóa trước loại bỏ bởi họ thấy rằng nhiệm vụ của lực lượng này không rõ ràng và chấp nhận sẽ tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (3) nhưng mới đây, các ĐBQH khóa này đã tán thành để dự luật trở thành... luật. Còn thực chất của Dự luật Đường bộ và Dự luật Trật tự - ATGT đường bộ là lợi dụng việc sửa Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) để “chẻ” luật này làm đôi, giúp Bộ Công an giành chuyện quản lý đào tạo - sát hạch - cấp GPLX từ tay Bộ GTVT nên năm 2020, từng có ĐBQH đề nghị xem xét trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật vì đã “tham mưu” nhằm “chẻ” Luật GTĐB khi sửa luật này (4).
12 dự luật còn lại đều là luật cũ cần sửa: Luật Căn cước công dân, Luật Viễn thông, Luật Tài nguyên nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Thủ đô, Luật Lưu trữ, Luật Đấu giá tài sản,.
Khi tuyên bố: Không ngại, không sợ quy định vừa ban hành đã sửa – ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng, kiêm ĐBQH không biết hoặc biết nhưng không bận tâm đến “chi phí tuân thủ pháp luật” – điều mà ông Nguyễn Sĩ Dũng (cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) khi Quốc hội vừa kết thúc Kỳ họp thứ sáu:
Chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội bao gồm chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật của người dân và chi phí tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước. Chi phí này thông thường rất lớn. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển. Nước ta chưa có số liệu chính thức về chi phí tuân thủ pháp luật của mình. Tuy nhiên, nếu mức chi phí này chiếm 15% GDP như các nước đang phát triển khác thì đó là 435 tỉ USD (GDP ước tính cho năm 2023) x 15% bằng 65,25 tỉ USD hay 1,566 triệu tỉ đồng. Một con số khổng lồ! Vấn đề là với chất lượng chưa cao và với sự chồng chéo, trùng lặp của các văn bản pháp luật như hiện nay, chi phí tuân thủ pháp luật của nước ta có thật sự là 15% GDP không hay là cao hơn (5)?
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Thủ tướng, kiêm ĐBQH không biết hoặc biết nhưng không bận tâm đến những chi phí khác để vận hành hoạt động quốc hội và vận hành chính phủ. Năm 2013, giới hữu trách từng công bố một ước tính, theo đó, chi phí cho một phút trong các kỳ họp quốc hội là hai triệu, chi phí cho một ngày khoảng một tỉ đồng (6). Xin nhớ đó là ước tính cách nay mười năm, giờ nếu tính trượt giá, chi phí cho một phút và một ngày hội họp của quốc hội cao hơn nhiều.
Khuyến khích “nhìn thẳng vào sự thật, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và cầu thị lắng nghe để hành động” nhưng ông Chính có thật sự như thế không? Nếu có, tại sao ông lại tuyên bố: Không ngại, không sợ quy định vừa ban hành đã sửa? Sao không hỏi dân xem chính quyền chủ trương như thế, hành động như thế thì dân có ngại và có sợ không?
No comments:
Post a Comment