Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Bảo Trân & Thiên An trình bày sau đây.
1/ THÊM MỘT CÔ GIÁO BỊ BẮT VÌ “LỢI DỤNG QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ”
Công an tỉnh Thanh Hóa vào ngày 13/12 đã bắt giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Thị Xuyến 49 tuổi, ngụ tại xã Lộc Minh, huyện Hậu Lộc, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống phá nhà nước”.
Theo cáo trạng của công an, trong thời gian gần đây bà Nguyễn Thị Xuyến thường xuyên dùng mạng xã hội để đăng tải các thông tin bị cho là “sai sự thật, chưa kiểm chứng” xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên công an Thanh Hóa không nêu cụ thể đó là những tin gì và xúc phạm đến ai.
Cần biết bà Xuyến từng là giáo viên cấp 2 ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc. Vào đầu năm nay trường trung học Ngư Lộc đã chấm dứt hợp đồng làm việc với bà Xuyến dựa trên kết quả đánh giá quá trình giảng dạy của bà.
Bà Nguyễn Thị Xuyến trước đây từng đứng ra tố cáo ông Nguyễn Thái Sơn, hiệu trưởng của trường trung học Ngư Lộc. Ông Sơn sau đó đã bị kỷ luật với hình thức khiển trách với lý do đã có những sai phạm và bị truy thu số tiền gần 54 triệu đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa vào hôm qua cũng tiến hành khám xét nhà của bà Nguyễn Thị Xuyến, tịch thu 3 điện thoại di động, một laptop, một bộ thiết bị dùng để livestream và một số tài liệu khác.
2/ CẢNH SÁT THÁI LAN BẮT GIAM MỘT NHÀ ĐẤU TRANH NGƯỜI H’MONG
Một nhà đấu tranh thuộc sắc tộc H’mong đã bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ ở nhà trọ gần thủ đô Bangkok, hơn một tuần sau khi lên tiếng tố cáo sự đàn áp của bạo quyền Việt Nam đối với cộng đồng H’mong.
Ông Lù A Da, trưởng nhóm Liên minh Nhân quyền Người H'mong, cùng vợ con trốn sang Thái Lan để xin tỵ nạn từ năm 2020, tuy nhiên đến hôm nay vẫn chưa được Cao uỷ Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc cấp quy chế.
Ông bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vào chiều ngày 7/12 và hiện bị giam giữ ở một đồn cảnh sát.
Trong ngày 29/11 vừa qua, trước phiên rà soát bạo quyền Việt Nam về việc thực thi Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc, ông Lù A Da đã xuất hiện và phát biểu về sự đàn áp một cách có hệ thống đối với cộng đồng người H’mong ở Việt Nam.
Ông Lù A Da cho biết hàng chục ngàn người H’mông ở Việt Nam không được cấp giấy tờ tùy thân, giấy khai sinh, và giấy chứng nhận kết hôn. Hệ quả là trẻ em không được đi học, người lớn không thể đi làm, riêng người già không được hưởng các chính sách hỗ trợ về sức khỏe.
Theo bà Giàng Thị A, vợ ông Lù A Da, gia đình bà đến Thái từ năm 2020 và đã nộp hồ sơ xin quy chế tỵ nạn lên Cao uỷ Tỵ nạn nhưng bị từ chối một lần. Vào tháng 3 vừa qua, gia đình đã kháng cáo và được phỏng vấn lần hai vào tháng 9 vừa qua nhưng chưa nhận được kết quả.
Nếu không được trợ giúp kịp thời, ông Lù A Da và gia đình có thể bị trục xuất về Việt Nam vì họ chưa được LHQ công nhận là người tỵ nạn. Con gái đầu của ông mới 9 tuổi và con thứ hai mới bốn tháng tuổi.
Ông Lù A Da là người truyền đạo thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc sống ở xã Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, ông bị ngăn cản trong việc thực hành quyền tự do tôn giáo nên đưa cả gia đình trốn sang Thái Lan.
3/ KHỐI ÂU CHÂU QUYẾT ĐỊNH CHƯA RÚT THẺ VÀNG VỀ HẢI SẢN VN
Thẻ vàng đánh cá bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU) mà Liên minh Âu châu cảnh báo đối với Việt Nam vẫn chưa được gỡ.
Thông báo đưa ra vào ngày 13/12 nói trên đến từ ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng bộ nông nghiệp VN, trong cuộc họp quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định lần thứ tám dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang.
Đoàn thanh tra của Ủy ban Âu châu qua đợt kiểm tra lần thứ tư vào tháng 10 vừa qua chưa đồng ý tháo gỡ thẻ vàng cho Việt Nam là vì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, đặc biệt là công tác tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại địa phương.
Tin trên cho thấy là nếu tình trạng hiện nay vẫn kéo dài, nguy cơ thẻ đỏ đối với hải sản Việt Nam sẽ rất cao. Đoàn thanh tra của Âu châu dự trù vào tháng 4 năm tới sẽ sang Việt Nam trở lại để tiến hành lần kiểm tra thứ 5.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang để nghị các bộ ngành và địa phương có tàu đánh cá trong cả nước từ nay đến ngày 30/4 năm tới phải đạt được mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng của Âu châu.
4/ CHIẾN TRANH UKRAINE KHIẾN NGA THIỆT HẠI HƠN 300 NGÀN NGƯỜI
Một phúc trình tình báo được giải mật của Hoa Kỳ đánh giá là cuộc chiến Ukraine đã khiến 315 ngàn binh sĩ Nga chết và bị thương, tức gần 90% nhân lực mà nước này có khi cuộc xung đột bắt đầu, theo tiết lộ vào ngày 12/12 vừa qua.
Phúc trình cũng đánh giá là việc quân Nga tổn thất về nhân sự và xe bọc thép do Ukraine gây ra đã khiến quá trình hiện đại hóa quân đội của Nga bị chậm lại 18 năm. Tuy nhiên bộ quốc phòng Nga đã không đưa bình luận nào về phúc trình nói trên.
Cần biết là giới chức Nga luôn tuyên bố những ước tính của Tây phương về số người Nga thiệt mạng trong cuộc chiến đã bị phóng đại quá mức, và hầu như luôn đánh giá thấp những tổn thất của Ukraine mà các quan chức Nga cho rằng là rất lớn.
Phúc trình tình báo Mỹ mới được giải mật đánh giá là Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái với 360 ngàn binh sĩ. Kề từ đó, 315 ngàn binh sĩ bị tử trận hoặc bị thương, tương đương với 87% quân số.
Những tổn thất nói trên là lý do khiến Nga buộc phải nới lỏng các tiêu chuẩn tuyển dụng, phải tuyển mộ tù nhân và thường dân lớn tuổi để triển khai ở Ukraine.
Phúc trình cho biết thêm là quân đội Nga chỉ còn lại 1300 xe bọc thép trên chiến trường và đang phải tăng cường cho lực lượng này bằng xe tăng T62 được sản xuất từ những năm 1970.
Ngược lại, ước tính số thiệt mạng của phía Ukraine là gần 70 ngàn người. Tuy nhiên con số thực tế này có thể cao hơn nhiều.
No comments:
Post a Comment