Tuesday, December 12, 2023

Tin Tức: Thứ Ba 12.12.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Hà & Hải Vân trình bày sau đây.

1/ TÍN ĐỒ PGHH NGUYỄN HOÀNG NAM BỊ KẾT ÁN 8 NĂM TÙ

Bạo quyền tỉnh An Giang vừa kết án 8 năm tù giam đối với tín đồ Phật giáo Hoà Hảo Nguyễn Hoàng Nam trong phiên toà chỉ diễn ra 2 tiếng đồng hồ và không có luật sư bào chữa vào hôm qua 11/12.

Ông Nguyễn Hoàng Nam bị cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN”. Bà Lâm Thị Yến Trinh, vợ ông Nguyễn Hoàng Nam, cho biết là chỉ có hai vợ chồng có mặt trong phòng phiên tòa bỏ túi và rừng rú này. Bà cho biết thêm là các nhân chứng không có mặt vì phải tốn mấy trăm ngàn tiền xe đò.

Gia đình đã ký hợp đồng thuê mướn luật sư ở thành phố Sài Gòn, nhưng luật sư không thể đến gặp thân chủ để chuẩn bị bào chữa cũng như không đến phiên tòa vì luật sư trưởng của văn phòng không cho phép đi. Tuy nhiên bà không biết tên văn phòng luật sư này và cũng từ chối tiết lộ danh tính vị luật sư kia.

Theo cáo trạng, từ tháng 7 năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Nam đã xử dụng 4 trương mục để thực hiện các hành vi tuyên truyền chống phá chế độ. Ông còn bị cáo buộc về nhiều lần livestream để châm biếm và xúc phạm nhà cầm quyền quyền địa phương.

Đây là lần thứ nhì ông Nguyễn Hoàng Nam 41 tuổi bị kết án tù vì các hoạt động đấu tranh đòi tự do tôn giáo và quyền con người. Vào tháng 2 năm 2018, ông bị tuyên án 4 năm tù giam cùng với năm tín đồ Phật giáo Hòa Hảo khác, với cáo buộc "gây rối trật tự" và "chống người thi hành công vụ".

2/ YÊU CẦU VN TRẢ TỰ DO CHO GIỚI HOẠT ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Nhiều tổ chức phi chính phủ vừa lên tiếng yêu cầu bạo quyền Việt Nam phải trả tự do cho các nhà hoạt động vì môi trường bị bỏ tù và bảo đảm cho hoạt động của xã hội dân sự trước khi thỏa thuận tài trợ chuyển đổi năng lượng với các nước Tây phương.

Mạng báo Mongabay chuyên về lãnh vực môi trường loan tin vào ngày 8/12 về cuộc họp báo hai ngày trước đó, bên lề Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu đang diễn ra ở Dubai.

Vấn đề chính được nêu ra tại cuộc họp báo do nhóm có tên 350.org tổ chức là làm thế nào khoản tài trợ 15 tỷ rưởi Mỹ kim có thể thực sự “công bằng” khi mà bạo quyền Hà Nội trong hai năm qua đã bỏ tù 6 nhà hoạt động lên tiếng cho nguồn năng lượng sạch và từ bỏ điện than.

Sáu trường hợp các nhà hoạt động về môi trường khí hậu bị Việt Nam bắt bớ và bỏ tù được nệu ra là các bà Ngô Thị Tố Nhiên, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh cùng các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương.

Trang Mongabay tại một cuộc hội thảo đã nêu câu hỏi với ông Lương Quang Huy, một đại diện của bộ tài nguyên môi trường Việt Nam, về 6 trường hợp nói trên thì ông Huy chối là không hề biết gì về việc bắt bớ, kết án tù và giam cầm các nhà hoạt động này.

3/ TRUNG CỘNG GIẢM LỆ PHÍ, CHƯA MIỄN VISA CHO CÔNG DÂN VIỆT

Tòa đại sứ Trung Cộng ở Hà Nội mới đây ra thông báo cho hay Trung Cộng quyết định giảm 25% lệ phí xin thị thực cho công dân Việt Nam từ ngày 11/12, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các du khách và thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia.

Việc giảm lệ phí visa cho người Việt nằm trong khuôn khổ một chương trình rộng lớn hơn được bộ ngoại giao Trung Cộng công bố vào hôm 8/12, theo đó thì Trung Cộng sẽ giảm 25% lệ phí visa cho một loạt quốc gia, bao gồm cả Thái Lan, Nhật Bản, Mexico và Philippines.

Các cơ quan đại diện ngoại giao chính thức của Trung Cộng trên khắp thế giới sẽ thực hiện chính sách tạm thời này từ ngày 11/12 đến hết năm tới. Lệ phí visa Trung Cộng đối với công dân VN sẽ là 45 Mỹ kim cho loại nhập cảnh 1 lần, giảm từ mức cũ là 60 đô la, và cao nhất là 135 đô la cho loại visa có hạn 1 năm.

Mặc dù Việt Nam cũng là chế độ cộng sản như Trung Cộng và hai nước là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện từ năm 2008, song Trung Cộng chưa miễn thị thực cho công dân Việt Nam và ngược lại.

Ở khu vực Đông Nam Á, ba nước Brunei, Singapore và Mã Lai có công dân được Trung Cộng miễn thị thực, trong đó Mã Lai hiện thuộc diện được miễn thí điểm cho đến ngày 30/11 năm 2024.

Cần biết Việt Nam hiện miễn thị thực cho công dân 13 nước gồm Nhật Bản, Nam Hàn cùng với 11 nước Âu châu.

4/ TỔNG THỐNG UKRAINE ĐẾN MỸ ĐỂ THẢO LUẬN VỀ KHOẢN VIỆN TRỢ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Washington để thảo luận về chiến sự Nga - Ukraine và tầm quan trọng sống còn của việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ quân đội Ukraine.

Trong một tuyên bố vào ngày 10/12, tòa Bạch Ốc cho biết hai nước sẽ thảo luận về "những nhu cầu cấp thiết" mà Ukraine đang phải đối mặt. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bối cảnh tòa Bạch Ốc mong muốn đạt được thỏa thuận với quốc hội Mỹ về việc cung cấp viện trợ quân sự cho cả Ukraine và Do Thái.

Ông Zelensky cũng được mời phát biểu trước các thượng nghị sĩ Mỹ tại Điện Capitol vào sáng 12/12. Một cuộc gặp gỡ giữa ông Zelensky và chủ tịch hạ viện Mỹ cũng sẽ diễn ra cùng ngày.

Theo dinh tổng thống Ukraine, các chủ đề chính trong chuyến đi của ông Zelensky sẽ bao gồm hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Ukraine, đặc biệt thông qua các dự án chung về sản xuất vũ khí và hệ thống phòng không, cũng như nỗ lực phối hợp giữa hai nước trong năm tới.

Trong tuyên bố của mình, chính phủ Biden cho biết chuyến thăm nhấn mạnh sự cam kết không thể lay chuyển của Mỹ trong việc hỗ trợ người dân Ukraine giữa lúc họ tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công từ Nga.

Ông Biden đã yêu cầu quốc hội Mỹ hãy thông qua gói ngân sách trị giá 110 tỷ Mỹ kim, trong đó có hơn 61 tỷ Mỹ kim viện trợ cho Ukraine. Song yêu cầu này vẫn chưa được chấp nhận giữa những tranh cãi về chính sách nhập cư và an ninh biên giới của Mỹ.

Quốc hội Mỹ đã phân bổ 111 tỷ Mỹ kim cho Ukraine từ khi chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Giám đốc ngân sách của tòa Bạch Ốc đã cảnh báo là Washington sẽ hết tiền để viện trợ vũ khí và cung cấp các hỗ trợ khác cho Ukraine vào cuối năm nay, nếu các khoản chi mới không được thông qua.

5/ LIÊN HIỆP QUỐC “ĐÁNH DẤU” 75 NĂM TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN

Vào hôm qua 11/12, người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước hợp tác để đánh bại các mối đe dọa như chiến tranh và ô nhiễm tại một sự kiện kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, điều mà có nguy cơ bị lu mờ bởi cuộc xung đột Do Thái và Hamas.

Các bộ trưởng, nhà ngoại giao và giới hoạt động tham dự sự kiện này ở Geneva, nơi ông Volker Turk khơi dậy tinh thần mà khi LHQ mới thành lập đã thông qua tuyên bố vào tháng 12/1948, để đáp lại điều mà tài liệu gọi là “những hành động man rợ đã xúc phạm lương tâm nhân loại”.

Ông Turk, một công dân người Áo, tuyên bố là sự kiện này như một lời kêu gọi hy vọng và một lời kêu gọi hành động. Ông cho biết tuyên bố này đã truyền cảm hứng cho những thành công như chấm dứt sự phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ và chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Ông cho biết là vào thời điểm đó có rất ít sự đoàn kết, có quá nhiều chia rẽ và tầm nhìn thiển cận. Nhưng ông cũng than trách về những thất bại trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền, chẳng hạn như chiến tranh, đề cập đến “hàng triệu người phải chịu đựng đau khổ không thể chịu đựng được ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đặc biệt là ở Gaza, và Do Thái” cũng như nạn đói, sự phân biệt đối xử, đàn áp và ô nhiễm.

LHQ cho biết, chưa có bao giờ sau Thế chiến II, thế giới lại chứng kiến nhiều xung đột đến nhiều như vậy, với 55 cuộc đang diễn ra, bao gồm cuộc chiến giữa các phe phái quân sự đối địch ở Sudan và việc Nga xâm chiếm Ukraine.

Trong các thông tin liên lạc về sự kiện kéo dài hai ngày, văn phòng của ông Turk tránh dùng từ “ăn mừng” khi đề cập đến ngày kỷ niệm này, thay vào đó là thuật ngữ “đánh dấu”.

No comments:

Post a Comment