Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ GẦN 3 NGÀN VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG TRONG HAI NGÀY Ở VN
Trong hai ngày vừa qua, VN ghi nhận gần 3 ngàn vụ tai nạn giao thông trên
toàn quốc, tính trung bình là mỗi tỉnh thành có hơn 50 vụ mỗi ngày, khiến 19
người chết, 43 người đang nguy kịch và hơn 1 ngàn người phải nhập viện.
Bộ y tế vào hôm Chủ nhật 30/4 loan tin trên và cho biết thêm là vụ nguy
kịch nhất xảy ra tại tỉnh Lào Cai với một xe đò bị tai nạn ở cao tốc Nội Bài,
khiến người tài xế chết tại chỗ và 17 hành khách bị thương, trong đó có 9 người
nước ngoài.
Cũng trong ngày 30/4, bộ y tế cho biết có hơn 1 ngàn người đến
khám bệnh Vũ Hán, trong đó có 559 người phải nhập viện điều trị. Có 3 ca tử
vong vì dịch Vũ Hán trong ngày 29 và 30/4. Hiện số người bệnh nặng đang điều trị
tại các bệnh viện tính đến 7 giờ ngày Chủ nhật là 76 người.
Trước đó, bộ này đã có văn thư đề nghị các cơ sở y tế tăng cường bảo đảm công tác cấp cứu và phòng chống dịch bệnh trong dịp lễ này. Theo đó thì các cơ sở y tế bào đảm thường trực phối hợp và chi viện điều trị các ca cần thiết. Đồng thời phải báo cáo hằng ngày tình hình khám chữa bệnh và cấp cứu giao thông.
2/ MỘT PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BỊ BẮT
VÌ NHẬN TIỀN ĐỂ CHẠY ÁN
Phó tổng biên tập tạp chí Đời sống & Pháp luật, ông Lê
Tuấn Dũng, vào tối ngày 29/4 đã bị bắt giam theo cáo buộc “lừa đảo, chiếm đoạt
tài sản”.
Công an tỉnh Hải Dương cho báo chí lề đảng cho biết là ông Lê Tuấn Dũng bị bắt vì có hành
vi nhận tiền để chạy án trong vụ mua bán hóa đơn xảy ra tại một dự án khu dân
cư ở thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương., với tổng số tiền lên
đến hàng trăm tỷ đồng bị phát giác vào tháng 7 năm ngoái. Tuy nhiên bản tin
không cho biết là ông Dũng nhận tiền của ai để chạy án này.
Tuy nhiên nhóm mua bán hóa đơn được cho biết do ông Bùi Văn Tú 38 tuổi, ngụ tại Gia Lâm - Hà Nội, cầm đầu và cấu kết với 4 người khác gồm Phạm Thị Bình, Phí Thị Mai, Vũ Thị Nga, và Nguyễn Minh Đức. Vào đầu năm 2019, ông Tú chỉ đạo hai bà Bình và Mai làm thủ tục thành lập một loạt công ty ma, không hề hoạt động kinh doanh mà chỉ soạn thảo hợp đồng kinh tế và tiến hành các vụ mua bán hóa đơn, chuyển tiền…
3/ TRUNG CỘNG MỞ NHÀ HÀNG BÁN LẨU Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
Một tờ báo ở Hồng Kông vào hôm Chủ nhật 30/4 cho biết là một nhà hàng
bán lẩu vừa được mở trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa.
Nhà hàng nói trên với sức chứa 120 thực khách cùng lúc, đã
mở cửa kinh doanh vào tuần trước, theo thông báo từ nhà cầm quyền của cái gọi
là thành phố Tam Sa. Cần nói thêm là Trung Cộng tuyên bố thành lập thành phố
này vào năm 2012 để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà họ tấn
chiếm từ tay VNCH vào năm 1974.
Sau gần 5 thập niên chiếm đón, Trung Cộng đã nâng cấp nhiều cơ sở vật chất cho hòn đảo này. Tính đến năm 2020, số dân Trung Cộng ở Hoàng Sa đã tăng lên tới hơn 2 ngàn người, không kể đến số binh lính trú đóng. Trung Cộng đã mở một phi trường trên đảo Phú Lâm vào năm 2014 và đến năm sau mở trường mẫu giáo, tiểu học và dạy nghề.
4/ GIAO TRANH DỮ DỘI
VẪN DIỄN RA Ở THỦ ĐÔ KHARTOUM
Cuộc
đấu đá giành quyền lực ở Sudan vẫn tiếp diễn dữ dội tại thủ đô Khartoum, gây
tan vỡ cho lệnh ngừng bắn mới nhất nhằm di tản người dân đến nơi an toàn.
Vào hôm qua, Chủ nhật 30/4, quân đội Sudan
cho biết họ đang tấn công Khartoum từ mọi hướng, bằng các cuộc không kích và nã
pháo hạng nặng, để tiêu diệt lực lượng bán quân sự.
Thỏa thuận ngừng bắn mới nhất dự trù kết
thúc vào cuối ngày Chủ nhật, với hàng triệu người vẫn bị mắc kẹt ở thủ đô, nơi
lương thực đang cạn kiệt. Các nước đã di tản công dân của mình ra khỏi đây
trong bối cảnh hỗn loạn.
Tin cho hay có hơn 500 người đã thiệt
mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào ngày 15/4 giữa quân đội chính quy và Lực
lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF). Nhưng số người chết và bị thương có thể cao hơn nhiều.
Tư lệnh quân đội, tướng Abdel Fattah
al-Burhan và người đứng đầu Lực lượng Hỗ trợ Nhanh, tướng Mohamed Hamdan
Dagalo, hay còn gọi là Hemedti, đang đấu tranh gay gắt vì kế hoạch đưa lực
lượng bán quân sự gia nhập vào quân đội.
Thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn vào tối
thứ Năm diễn ra sau những nỗ lực ngoại giao ráo riết của các nước láng giềng, Mỹ,
Anh và LHQ. Nhưng thời gian gia hạn 72
giờ đã không được duy trì.
Tính đến tối thứ Bảy 29/4, tình trạng
giao tranh ác liệt lại tiếp diễn ở Khartoum. Các máy bay không người lái của
quân đội đã nhắm mục tiêu vào vị trí của RSF gần một nhà máy lọc dầu lớn.
Vào tối thứ Bảy, chính phủ Anh đã kết
thúc hoạt động di tản công dân của mình. Bộ ngoại giao Anh cho biết chuyến bay
cuối cùng rời Khartoum lúc 10 giờ tối, với tổng cộng gần 2 ngàn người đã được
đưa ra khỏi Sudan.
Một đoàn xe do Hoa Kỳ tổ chức đã đến hải
cảng Sudan để di tản thêm nhiều công dân Mỹ đến thành phố Jeddah ở Saudi Arabia.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok cảnh báo là cuộc xung đột có thể trở nên tồi tệ hơn những cuộc xung đột ở Syria và Libya. Những cuộc chiến đó đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và gây ra sự bất ổn diện rộng ở các khu vực vượt ra ngoài lãnh thổ những nước đó.
5/ MỸ YÊU CẦU TRUNG CỘNG CHẤM DỨT KHIÊU KHÍCH Ở BIỂN ĐÔNG
Trước ngày tổng thống
Mỹ tiếp đón đồng nhiệm Philippines tại tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ đã tố cáo Trung Quốc
về một vụ sách
nhiễu và hù dọa tàu Philippines tại Biển Đông, kêu gọi Trung Cộng
chấm dứt các hành động “khiêu khích và thiếu an toàn”.
Chính phủ Mỹ khẳng định rằng
mọi hành vi tấn công vào tàu thuyền hay máy bay công vụ của Phi tại vùng Thái
Bình Dương sẽ bị đáp trả đúng theo hiệp định phòng thủ hỗ tương đã được ký kết
giữa Washington và Manila.
Trong một thông cáo báo chí với lời lẽ cứng rắn, phát ngôn nhân
bộ ngoại giao Mỹ Matthew Miller xác định rằng Hoa Kỳ sát cánh với Phi trước các
vụ chiến hạm Trung Cộng tiếp tục vi phạm quyền tự do hàng hải ở Biển
Đông.
Thông cáo ghi nhận rằng hình ảnh và video được các phương tiện truyền
thông công bố gần đây là lời nhắc nhở rõ ràng về hành vi sách nhiễu và hù dọa
của Trung Cộng nhắm vào tàu thuyền của Phi khi các chiếc tàu này thực hiện các cuộc tuần
tra định kỳ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trên cơ sở đó,
bộ ngoại giao Mỹ kêu gọi Bắc Kinh phải chấm dứt các hành vi khiêu khích và thiếu an toàn
nói trên.
Thông cáo của bộ ngoại giao Mỹ không ngần ngại nhắc nhở
Trung Cộng là một
cuộc tấn công võ trang ở Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, nhằm vào các chiến
hạm hoặc máy bay của Phi, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ được
ký kết với nước Phi vào năm 1951.
Cần biết là một biến cố đã xảy ra hôm Chủ Nhật 23/4 gần Bãi
Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa khi một tàu hải cảnh Trung Cộng đột ngột
cắt ngang đường di chuyển của một chiếc tàu tuần duyên Phi, buộc phía Phi phải
bẻ lái để tránh va chạm.
Bắc Kinh tố cáo tàu Phi khiêu khích khi xâm phạm lãnh hải của Trung Cộng, ngược lại phía Phi tái khẳng định quyền tuần tra trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
No comments:
Post a Comment