Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, nhà cầm quyền csvn đã chính thức kết án ông Bùi Tuấn Lâm trong một phiên tòa tuần này. Xin anh nói thêm vài chi tiết xung quanh phiên xử này
Hướng Dương: Vâng, thưa chị, vào sáng 25/5/2023, tòa án
thành phố Đà Nẵng đã kết án ông Bùi Tuấn Lâm, biệt danh “Thánh rắc hành” 5 năm
6 tháng tù giam và 4 năm quản chế với tội danh ngụy tạo “tuyên truyền chống nhà
nước CHXHCN Việt Nam”. Hàng trăm công an, mật vụ bao vây khu vực trụ sở tòa án.
Không một ai trong gia đình ông Lâm được vào tham dự phiên xét xử. Vợ và hai em
trai ông Bùi Tuấn Lâm là bà Lê Thanh Lâm, các ông Bùi Quang Khiêm, Bùi Quang
Vinh bị công an bắt, giam giữ tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu. Bà Lê
Thanh Lâm bị kéo lê trên đường khiến hai chân bị thương, phần đầu gối bị trầy
xước nặng. Tại trụ sở công an phường Hòa Cường Bắc, cả ba đều bị đánh đập. Điện
thoại của bà Lâm bị thu giữ, sau đó bị nhúng nước trước khi được trả lại cho
bà.
Hai người em trai của
ông Lâm lần lượt được trả tự do vào buổi chiều cùng ngày, Riêng bà Lê Thanh Lâm
bị giam giữ tới khuya mới được thả. “Quá kinh khủng. Không từ ngữ nào để diễn
tả”, bà Lâm đã viết dòng trạng thái ngắn trên trang fb cá nhân sau khi về nhà.
Tại phiên xử, luật sư
Ngô Anh Tuấn đã bị một thẩm phán (không phải chủ tọa Phiên tòa) đuổi ra ngoài
trong khi chưa kết thúc phần tranh luận với bên Viện Kiểm sát. Luật sư Ngô Anh
Tuấn chia sẻ trên trang fecebook cá nhân, xin trích: “Tôi đã tham gia nhiều vụ án mang màu sắc chính trị nhưng chưa một
lần bị mời khỏi phòng xử một cách tức tưởi như hôm nay…Dẫu vậy, dù mai đây, sự
việc này hay bất kỳ một sự việc nào khác xảy ra đối với tôi, tôi cũng sẽ đấu
tranh tới cùng để giữ tấm thẻ ành nghề hợp pháp của mình; sau đó, tôi tự trả
thẻ để “về vườn” chứ không để ai đó có thể sỉ nhục tôi dưới một hình thức không
trong sạch khác”.
Trước khi phiên tòa
diễn ra vài hôm, nhà riêng của nhiều người bất đồng chính kiến tại Hà Nội, Sài
Gòn, Đà Nẵng đã bị công an đặt chốt canh gác. Một số cơ quan nhân quyền đã lên
tiếng yêu cầu nhà cầm quyền phóng thích ông Bùi Tuấn Lâm vô điều kiện.
Bảo Trân: Trong
khi đó luật sư bào chữa cho ông Đặng Đăng Phước khẳng định rằng những cáo buộc
của nhà cầm quyền là vô căn cứ, việc này ra sao thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, Trong tuyên bố vào hôm 23/5, luật sư bào chữa
của giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước cho biết là cáo buộc “tuyên truyền chống
nhà nước” hoàn toàn không đủ căn cứ để buộc tội ông.
Toà án tỉnh Đắc Lắc dự
trù đưa ông Đặng Đăng Phước ra xét xử vào ngày 6/6 với cáo buộc nói
trên. Ông Phước 63 tuổi trước khi bị bắt là giảng viên âm nhạc của trường Cao
đẳng Sư phạm Đắc Lắc.
Công an bắt giam ông
vào ngày 8/9 năm ngoái. Theo cáo trạng, ông bị cho là có nhiều bài viết mang
nội dung xuyên tạc, phỉ báng nhà nước và gây chiến tranh tâm lý. Nếu bị kết
tội, ông Phước có thể lãnh án tù từ 5 năm đến 12 năm.
Luật sư Nguyễn Hà
Luân, một trong 6 luật sư bào chữa cho ông Phước, vào ngày 23/5, nhận định, các
tình tiết trong cáo buộc nói trên, chẳng hạn như “xuyên tạc, phỉ báng nhà nước”
hay “gây hoang mang trong dân chúng”, là chưa có đủ căn cứ vững chắc.
Theo ông Luân, tương
tự như trong các vụ án “tuyên truyền chống nhà nước” khác, cáo buộc dựa trên
giám định của quan chức sở Thông tin và Truyền thông. Đây là cơ quan quản lý
nhà nước về lãnh vực thông tin và truyền thông, chứ không phải bởi một cơ quan
giám định độc lập.
Cũng chính cơ quan này
đóng vai trò tố giác và cung cấp thông tin cho cơ quan công an để giải quyết
các thông tin đăng tải trên trang mạng của người bị cáo buộc, do vậy kết quả
giám định không thể bảo đảm tính độc lập và khách quan, theo Luật sư Luân.
Trong phiên xử tới,
tòa án tỉnh Đắc Lắc đã gửi giấy mời bà Lê Thị Hà, vợ ông Phước, với tư cách
“người có quyền lợi liên quan” và tám Facebooker khác với tư cách “người làm
chứng” vì có chia xẻ bài viết của ông. Ông Phước cũng bị cáo buộc trực tiếp hát
và đánh đàn cho người khác ca nhiều bài với nội dung gây “chiến tranh tâm lý”
nhằm mục đích chống nhà nước và lôi kéo người khác để “ủng hộ diễn biến hoà
bình.”
Các bài hát mà phía
công an nêu tên gồm có “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ”, “Chúng đi buôn” và
“Con đường Việt Nam.”
Bảo Trân: Về
trường hợp của ông Nguyễn Văn Đức Độ hiện đang bị giam ở trại Xuân Lộc. Ông Độ
lên tiếng tố cáo rằng ông bị đầu độc trong tù, việc này ra sao thưa anh?
Hướng Dương: Thưa chị, Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ vừa lên
tiếng cáo buộc đám cai tù trại Xuân Lộc ở tỉnh Đồng Nai đang có âm mưu đầu độc
ông bằng nước uống.
Ông Độ 48 tuổi đang
thọ án đến năm thứ 7 trong bản án 11 năm tù giam với cáo buộc “Hoạt động nhằm
lật đổ chính quyền”. Ông hiện bị giam giữ ở đội 24, phân trại số 2, của trại tù
có tên khác là Z30A. Ông cho gia đình biết là mới gần đây, ông và bạn tù cùng
phòng là Vương Thanh Thuận mua 17 bình nước loại 20 lít mỗi bình để ăn uống.
Tuy nhiên ông gặp vấn đề về sức khỏe khi xử dụng đến bình nước thứ tư.
Ông Nguyễn Đức Hải, em
trai ông Độ, sau chuyến thăm gặp anh ruột trong trại giam ngày 23/5 cho biết là
lúc đầu uống thì không biết mặc dù ngửa thấy mùi thuốc tây. Nhưng uống nước này
thì một vài ngày sau bị đau bụng và bốc mùi thuốc trừ sâu.
Ông Đức Độ là thành
viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết và là phó chủ tịch của Phong trào
Lao động Việt. Ông cho biết đã đề nghị gặp giám thị trại giam để phản ánh vấn
đề về nước uống nhưng đám cai tù không chịu. Ông nghi ngờ có âm mưu ám hại ông vì
chỉ có hai người trong phòng ông gặp vấn đề khi xử dụng nước đóng bình mua từ
căng-tin của trại giam trong khi những người khác cũng mua nước bình như thế
nhưng không bị hề hấn gì.
Ông Nguyễn Văn Đức Độ
bị bắt cùng với 4 thành viên khác của tổ chức nói trên vào tháng 11 năm 2016.
Họ bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” trong phiên tòa vào năm 2018 với
mức án từ 8 năm đến 15 năm tù giam.
No comments:
Post a Comment