Trong các chế độ độc tài thì độc tài CS là khó giải trừ nhất. Nhân dân Thái Lan may mắn hơn dân Việt vì tiến trình dân chủ hóa của họ đang trên đà giải trừ độc tài quân phiệt trên quê hương của họ.
Mời quý
thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Thái
Lan hồi phục chế độ Dân Chủ?” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc
chương trình phát thanh tối hôm nay.
Dân Thái Lan sẽ trở về với một chế độ Dân Chủ. Kết quả bất ngờ của cuộc bỏ phiếu ngày 15 tháng 5 vừa qua cho thấy khi được quyền chọn lựa, dân Thái Lan chọn sống tự do.
2 đảng đối lập chiếm đa số gần 300 trong số 500 ghế ở Quốc Hội chứng tỏ dân chúng muốn thoát khỏi “chế độ Prayuth”. Tướng Prayuth Chan-ocha đang làm Thủ Tướng, với 8 năm cai trị độc tài từ sau cuộc đảo chính năm 2014.
Các cuộc nghiên cứu dư luận trước đây đều tiên đoán đảng “Pheu Thai” của cựu Thủ Tướng lưu vong Thaksin Shinawatra sẽ thắng lớn. Nhiều người Thái vẫn còn nhớ các chính sách bảo hiểm y tế toàn diện và cung cấp tín dụng cho nông dân của ông. Ông Thaksin và người em gái từng đắc cử làm Thủ Tướng đều bị các tướng lãnh lật đổ. Nhưng đảng “Pheu Thai”, do cô con út Paetongtarn Shinawatra đứng đầu, chỉ chiếm được 141 trong số 500 ghế dân biểu.
Hiện tượng bất ngờ là đảng “Tiên Tiến” (Move Forward), do Pita Limjaroenrat, mới 42 tuổi, lãnh đạo, đã dẫn đầu với 151 ghế. Đảng này chủ trương cải tổ toàn diện guồng máy hành chánh và cơ cấu nền kinh tế; với 3 khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ: “Giảm ảnh hưởng quân đội”; “Giảm độc quyền kinh tế” và “Giảm tập trung hành chánh”. Chính sách kinh tế sẽ phát triển các công nghiệp ngoài ngành du lịch và bên ngoài các thành phố lớn như Bangkok.
Nhưng đảng “Tiên Tiến” còn dám đụng tới 2 định chế thường được coi là “thiêng liêng” trong xã hội Thái Lan, là thể chế quân chủ và chế độ quân phiệt. Họ đề nghị giảm bớt các “Tội Khi Quân” xưa nay vẫn cấm dân Thái không được phê bình hoàng gia. Ngoài ra, họ còn muốn bãi bỏ nghĩa vụ quân sự cho các thanh niên, giảm bớt quyền của các tướng lãnh.
2 đảng đối lập chiếm hơn 60% số ghế trong Quốc Hội mới. Họ có thể liên minh lập chính phủ; Pita Limjaroenrat sẵn sàng đảm nhiệm chức Thủ Tướng. 2 đảng của các tướng lãnh chỉ chiếm 75 ghế; Đảng “Đoàn Kết Dân Tộc” của Tướng Prayuth Chan-ocha được 36 ghế. Ông tuyên bố “sẽ tôn trọng quá trình dân chủ và kết quả cuộc bầu cử”, nhưng không biết ông có giữ đúng lời hứa được hay không. Các tướng lãnh chung quanh ông không dễ dàng chịu rút lui, nhượng quyền cho những nhà chính trị chỉ có phiếu mà không có súng!
“Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia” sẽ công bố kết quả chính thức sau 60 ngày kiểm phiếu. Trong thời gian đó, các tướng lãnh có nhiều cách để tiếp tục nắm giữ quyền hành. Họ có thể xin tòa án vô hiệu hóa quyền hoạt động của đảng “Tiên Tiến”, tức là xóa bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua.
Luật lệ ở Thái-Lan cấm các đại biểu Quốc Hội làm chủ cổ phần của các tờ báo hay đài phát thanh, v.v… Tuần trước, một ứng cử viên thân chính quyền đã tố giác và yêu cầu Ủy Ban Bầu Cử điều tra Pita Limjaroenrat, vì ông làm chủ các cổ phần của một công ty truyền thông do bố ông để lại, sau khi qua đời. Ông Pita cho biết ông đã khai báo về số cổ phần đó với Quốc Hội, trước khi công ty truyền thông này tự đóng cửa.
Nếu chính quyền Prayuth dùng lời tố cáo trên để tấn công ông Pita thì dân Thái có thể biểu tình, gây hỗn loạn. Năm 2020, Tòa Án Hiến Pháp Thái-Lan đã giải tán Đảng “Tương Lai Tiến” (Future Forward) là tiền thân của đảng “Tiên Tiến”, nêu các lý do họ vi phạm những luật lệ rất nhỏ. Sau lệnh đó, hàng chục ngàn dân Thái đã đi biểu tình phản đối. Lúc đầu người dân chỉ đòi cải tổ chính trị, đòi thêm các quyền tự do, dân chủ; sau đó tiến xa hơn nữa, họ nêu ý kiến phải giới hạn quyền hành của hoàng gia, một điều xưa nay chưa ai dám nói tới.
2 đảng “Tiên Tiến” và “Pheu Thai” cho biết sẽ liên hiệp để lập chính phủ. Liên kết với 4 đảng nhỏ, họ hội được hơn 300 ghế trong Quốc Hội. Nhưng một vị Thủ Tướng cần cả những lá phiếu của 250 nghị sĩ trên Thượng Viện. Pita Limjaroenrat cần được ít nhất 75 nghị sĩ ủng hộ mới đủ 375 phiếu. Hiện nay, 250 nghị sĩ Thượng Viện đều do Tướng Prayuth bổ nhiệm; họ sẽ quyết định có chấp thuận Pita làm Thủ Tướng hay không. Ngoài ra, Quốc Vương Thái Lan vẫn là người nắm quyền chuẩn y và phong nhậm chức Thủ Tướng chính phủ.
Sau khi đắc cử, Pita Limjaroenrat tuyên bố vẫn giữ nguyên chủ trương giảm bớt các hình phạt trong Điều khoản 112, về các tội “Khi Quân”, (Lèse – majesté). Đó là một luật lệ thường bị giới quân phiệt lạm dụng để kết án những người đi biểu tình đòi tự do dân chủ. Họ thường bị án 3 năm đến 15 năm tù vì bị cáo buộc đã “xúc phạm quốc vương và hoàng gia”.
Các chính trị gia bảo thủ cùng các tướng lãnh không chấp nhận sửa đổi Điều Khoản 112. Họ còn phản đối nhiều đề nghị cải tổ khác của đảng “Tiên Tiến”. Nếu ông Pita không thể hội đủ số phiếu ủng hộ, bà Paetongtarn Shinawatra có thể sẽ được đề cử làm Thủ Tướng. Bà tuyên bố không đồng ý xóa bỏ Điều Khoản 112 nhưng sẵn sàng bàn cách giảm án cho các thanh niên đã vi phạm điều luật đó – điều này cũng không khác gì ý kiến của ông Pita.
Trong 2 tháng tới, dân Thái Lan sẽ phải chờ, chưa biết ai sẽ làm Thủ Tướng. Nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu cuối tuần trước là một cuộc động đất chính trị, chứng tỏ người dân quyết tâm đòi thay đổi.
Trong một cuộc họp báo, ông Pita tỏ ra không lo ngại về những ý kiến phản đối trong Thượng Viện. Ông nói rằng: “Với kết quả bầu cử cho thấy dân đồng thanh đòi thay đổi, những người muốn xóa bỏ kết quả đó sẽ phải trả một giá rất đắt… Tôi không nghĩ nhân dân Thái Lan sẽ cho phép họ làm như vậy”.
Pita
Limjaroenrat nói với đài BBC: “Dân chúng đã chán ngấy suốt cả thời gian qua.
Đây là lúc bắt đầu một Ngày Mới”. Chưa biết chắc Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha có
đồng ý mặt trời đã mọc cho một “Ngày Mới” hay không./.
No comments:
Post a Comment