Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:"Ngư dân đã phê bình thủ tướng chưa?" của Tuấn Khanh qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Tuấn Khanh.
Hôm 18 Tháng Tư, báo
chí đăng Thủ tướng Phạm Minh Chính phê bình 4 tỉnh đã để cho ngư dân của mình
vượt lằn ranh trên biển, đi đánh bắt cá ở các vùng biển các nước lân bang, bị gọi
tên “đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp”.
Bốn vùng biển đó, là
Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kiên Giang, bị coi là liên tục để xảy ra tình
trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác hải sản
từ đầu năm 2023 đến nay. Lý do của chuyện này, là ngành xuất khẩu hải sản của Việt
Nam có thể bị Liên Âu (EU) phạt nặng, thậm chí dẫn đến chuyện phải ngừng xuất
khẩu qua các quốc gia này. Việt Nam hiện bị Ủy ban Liên Âu (EC) áp dụng hình thức
cảnh báo “thẻ vàng” trong hơn 5 năm qua vì tình trạng khai thác thủy sản bất hợp
pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và có nguy cơ tiếp tục bị phạt
“thẻ đỏ” nếu không cải thiện tình hình. Và nếu bị phạt thẻ đỏ, Việt Nam phải đối
mặt với khoản thiệt hại lên tới 480 triệu USD mỗi năm trong xuất khẩu thủy sản
sang thị trường EU.
Nhưng tại sao 4 tỉnh đó
đứng đầu trong các vụ vượt lằn ranh biển quốc gia để liều lĩnh sang nước khác
đánh bắt, bất chấp tàu bị bắt, người bị giam, tài sản bị hủy và thậm chí phải
trả tiền chuộc mới về lại được quê nhà?
Nếu theo dõi các câu
chuyện tàu của ngư dân Việt Nam bị Trung cộng đâm, người ta sẽ nhận ra ngay các
mã hiệu của tàu gặp nạn đều hầu hết nằm trong 4 tỉnh nói trên. Nhiều năm nay, chuyện
sống chết của người dân dường không mấy được sự quan tâm của công chúng nữa. Nhất
là sau khi các vụ tức giận phản ứng, biểu tình vì Trung cộng xâm hại người, xâm
phạm biển Việt Nam lại bị trấn áp bằng những đòn bao vây, bắt giữ và bị coi như
“phản động”.
Việc đâm tàu, bắn người…
trở thành cơm bữa, nhưng không thấy tàu của Việt Nam yểm trợ ngư dân, phản ứng
trực diện với tàu Trung cộng. Thậm chí,
tố cáo đích danh Trung cộng là kẻ hành hung ngư dân Việt ngay trên hải phận Việt
Nam cũng là chuyện hiếm. “Mệt nhất là nghề ngư dân lúc này”, một người dân ở
Bình Định nói, khi bồng con nhìn ra biển buổi chiều tà. Sóng và mùa dữ ở Bình Định
không làm người dân hành nghề cá ở đây sợ, mà họ chỉ sợ khi vừa ra khơi thấy
tàu Trung cộng dày đặc rượt đuổi. “Có lúc, tụi tôi phải giấu theo cờ Campuchia,
khi thấy tàu Trung Quốc xa xa, là lật đật thay cờ Campuchia để đi ngang nó mà
không bị rượt đuổi”, một người đi biển đã bỏ nghề, kể lại. Hầu hết những câu
chuyện ngư dân Việt khi bị tàu Trung cộng ập tới, đều bị bắt, đâm chìm tàu, tịch
thu ngư cụ, hải sản. Chỉ vài lần như vậy, là người đi biển kiệt quệ và chán ra
biển.
Nhiều làng ở Bình Định
chọn đi lao động hợp tác ở Phi Luật Tân để kiếm tiền an toàn hơn, thậm chí nhàn
nhã hơn việc sống với nhiệm vụ kép “Vừa đi biển, vừa bảo vệ chủ quyền”.
Việt Nam luôn khẳng định
bằng ngôn luận của Bộ Ngoại Giao về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân ra
biển được phát thêm cờ để “thể hiện chủ quyền”, nhưng khi bị bắn, thì chỉ có tiếng
súng, tiếng loa và âm thanh xịt nước hung hãn vào tàu gỗ Việt. Đỉnh cao của sự
việc này, là ngày 26 Tháng Ba năm 2013, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hồng Lỗi thản nhiên tuyên bố việc tàu nước này ngang nhiên bắn một tàu cá Việt
Nam vài ngày trước, tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “cần
thiết” và “hợp lý”. Nếu bạn là người đi biển, bạn có tìm cách dạt sang vùng biển
xa hơn, ít bọn côn đồ cờ đỏ để mưu sinh không?
Nói Trung cộng tràn ngập
biển Việt Nam, vẫn là cách nói ước lệ. Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2010,
Trung Quốc tuyên bố rằng họ có 8 triệu dân quân trên toàn quốc, bao gồm cả dân
quân biển. Ngay vào lúc này, Bắc Kinh tuyên bố cấm đánh bắt cá trên biển Đông,
để dần tạo thành tập tính của “chủ quyền gián tiếp”, kiểm soát thực hiện cho lệnh
cấm này, là có lực lượng dân quân biển, hải cảnh… của Trung Quốc như vừa nêu.
Việt Nam không có Bộ
Ngoại giao lên tiếng, chỉ có Hội nghề cá phản đối như hát trên đài phát thanh
xã. Không chính thức phản đối, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc
Việt chỉ “nhắc lại” Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng
định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Việt vào vai Phó
phát ngôn và vẫn nhuần nhuyễn “nhắc lại” kể từ năm 2019 đến nay.
Năm 2020, nói với đài
BBC, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc
phòng, nhìn nhận ngư dân Việt Nam rất dũng cảm, yêu đất nước và biển đảo nên
không quản hy sinh ra biển đánh cá và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ông có kêu gọi
là các lực lượng biển cần “nghĩ” đến sự an toàn của ngư dân. Thế nhưng trong vụ
khởi tố các quan chức hải quân vào năm 2022, bao gồm cả hai tư lệnh biển, dường
như các lực lượng được coi là bảo vệ ngư dân, chỉ “nghĩ” buôn xăng lậu là chính
sự.
Khi ra các điều luật khắt
khe, phạt tiền, công bố danh tính… không biết Thủ tướng Phạm Minh Chính hay tổ
tư vấn của ông có nhìn lại biển Việt Nam vật vờ xác thuyền chìm, đẫm máu ngư
dân phải mang vác nhiệm vụ kép vừa mưu sinh vừa giới thiệu chủ quyền? Thủ tướng
phê bình 4 tỉnh có ngư dân phải trôi dạt sang biển lạ để đánh bắt kiếm sống -
và cách nào đó cũng đóng góp cho ngành xuất khẩu thủy hải sản bao nhiêu năm qua
– nhưng có biện pháp nào để ngư dân Việt có thể ra biển trong mùa cấm đánh bắt
của Trung Quốc, mà an toàn trở về, mang theo sản vật trong chính hải phận nước
mình, mà không nơm nớp lo âu không?
Ngư dân, những người đã
chết, những người đã bỏ nghề ông cha truyền lại để tìm sống ở đất khách quê người,
đã có ai phê bình các đời thủ tướng Việt Nam chưa?
No comments:
Post a Comment