Sau đây, mời quý thính giả theo dõi câu chuyện “Điên Nặng” tại Việt Nam, của tác giả Ông Tư Sài Gòn, qua sự diễn đọc của Minh Nguyệt để tiếp nối chương trình tối hôm nay
Ông Tư Sài Gòn
Ngày 4 Tháng Năm, Tập đoàn Điện lực
Việt Nam (EVN) tăng giá bán lẻ thêm khoảng 3%, từ 1,864.40 đồng/kWh lên 1,920.30
đồng/kWh. Thế mà giá ấy vẫn chưa làm lãnh đạo EVN hài lòng.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám
đốc EVN, cho biết khi tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với mức giá hiện
hành sẽ giúp tổng doanh thu của tập đoàn trong năm nay tăng thêm khoảng 8,000
tỷ đồng. Điều này dù cũng góp phần giảm lỗ cho EVN khi năm 2022 đã lỗ 26,462 tỷ
đồng.
Đấy! ông Nam không hài lòng vì dù
giá điện có tăng, tiền thu vào có nhiều hơn, những cũng “chẳng thấm vào đâu” so
với cái lỗ quá lớn của mấy ổng!
Tuy vậy, mấy ổng cũng sợ dư luận đàm
tiếu, nói lời không hay, nên ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN nói “men
mén” rằng, “mức tăng này không tác động nhiều đến khách hàng đang mua điện trực
tiếp từ EVN đâu, bà con cứ sử dụng điện bình thường”, cùng với “lý luận” như
thế này:
EVN hiện có 528,000 khách hàng kinh
doanh dịch vụ, 1.8 triệu gia đình sản xuất, 662,000 khách hành chính, sự
nghiệp; với mức tăng 3% mỗi tháng nhóm khách hàng hàng này phải trả thêm hơn
653 tỷ đồng.
Đấy! (lại đấy). Người ta trả hơn 653
tỷ, có ai than phiền gì đâu, mà gia đình công nhân viên chức, chỉ tiêu thụ
khoảng 50 kWh điện/tháng đến 400 kWh điện/tháng, thì số tiền trả thêm mỗi
tháng có bõ bèn gì, khoảng 11,750 đồng/gia đình thôi, sao kêu ca dữ thế!
Do đó ông Lâm nói bóng nói gió, xin
tăng giá điện lên 17% thì tập đoàn của ông mới cân đối được tài chính, mà người
dân vẫn không ảnh hưởng gì nhiều đến cái túi… rách của họ.
“Lý luận” kiểu ông Lâm khiến nhiều người ôm
mặt khóc, rồi ngửa mặt lên trời cười như lũ điên.
Ông Lâm quên rằng khi EVN “bóp cổ” khách
hàng kinh doanh, sản xuất, và kể cả khách hàng hoạt động hành chánh, thì họ
cũng biết quay sang người sử dụng sản phẩm, dịch vụ của họ “bóp” lại. Có thể
qua hai ba lớp trung gian, nhưng “bóp qua bóp lại” cuối cùng thì lớp “dân ngu
khu đen” vẫn lãnh đủ.
Có người đề nghị thẳng với EVN, việc
làm đầu tiên là bớt lương lãnh đạo đi, thì sẽ “cải thiện được tình hình lỗ”, vì
chẳng có nơi nào càng làm càng lỗ, mà lương lãnh đạo cứ mỗi năm một tăng, như
EVN cả.
Lãnh đạo EVN “ngậm
tăm” không trả lời.
Có một cách làm tăng thêm nguồn điện
giá rẻ, nhưng hình như mấy ông lãnh đạo EVN không “mặn mà” cho lắm. Đó là dự án
điện gió, điện mặt trời. Người ta nói nếu hệ thống điện gió, điện mặt trời hoạt
động hiệu quả, vai trò độc quyền của “ông điện lực” sẽ mất đi, các ông ấy sẽ
không thể “làm giá” với người tiêu dùng được nữa. Đó là lý do EVN “cù nhây” với
dự án này.
Chẳng biết lời nhận định đó đúng cỡ
nào, nhưng hiện tại hàng ngàn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ
phải tiếp tục “đắp chiếu” và chờ cơ chế hướng dẫn, mà nguyên nhân chính nằm ở
EVN.
Ông Trần Minh Tiến, chủ bốn dự án
điện gió tại Gia Lai và Quảng Trị, cho biết cả bốn nhà máy đều rơi vào diện dự
án chuyển tiếp, chưa thể bán điện suốt một năm rưỡi nay. Theo ông Tiến, không
phải chủ đầu tư không muốn đàm phán, mà do EVN có những quy định “bắt bí” chủ
đầu tư.
Một giám đốc doanh nghiệp có dự án
điện mặt trời dấu tên còn cho biết chẳng hiểu lý do gì, EVN thay đổi chính
sách, vừa hạ giá mua điện mặt trời tới 30%, vừa không chịu trách nhiệm mua hết
công suất đối với các nhà máy điện, càng đẩy các chủ đầu tư vào thế khó.
Cách “chơi cha” của EVN làm cho một
vài chủ đầu tư đêm đêm “đập đầu vào gối than trời” khi lỡ nghe lời “đường mật”,
thế chấp tài sản, vay mượn ngân hàng với lãi suất trên dưới 10% đầu tư vào hệ
thống điện gió, điện mặt trời. Giờ họ đang bị “gió lái”, thậm chí có nguy cơ
phá sản.
Trong ván bài “điên nặng” này, EVN
mang bộ mặt của tên “cáo già” lùa gà vào chuồng “đánh chén”.
Tuy nhiên, EVN không chỉ có duy nhất
bộ mặt “gian manh” đó. Mới đây, EVN mang bộ mặt đau khổ như người bị táo bón,
năn nỉ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là
hai đơn vị chính trong cấp than cho sản xuất điện, để đề nghị cho thiếu tiền
than một thời gian, với lời giải thích, vì đang “đối mặt với khó khăn chưa từng
có về cả tài chính và bảo đảm nguyên liệu để cung ứng đủ điện trước nguy cơ
thiếu điện”.
Chưa hết, EVN cũng đề nghị Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Sông Hậu 1 cho
vay… 52 ngàn tấn than để đổ vào mấy cái “họng” máy phát điện đang… đói than.
Chúng không chạy mà lãnh đạo vẫn lãnh lương thì cũng… xấu mặt.
Lý giải chuyện xin thiếu nợ tiền
than, mượn than xài trước, EVN than rằng do từ đầu năm đến nay, ông Trời chẳng
cho cơn mưa nào ra hồn, nên nhiều hồ thủy điện cạn queo, không sản xuất ra điện
được. Thêm nữa, do thiếu tiền mua nhiên liệu vận hành nên có máy chạy, máy
nghỉ, rồi một số tổ máy nhiệt điện bị hư hỏng gây thiếu hụt lượng lớn công suất
nguồn điện.
Nói chung, toàn là lý do ngoài ý
muốn, không liên quan đến khả năng lãnh đạo tập đoàn, muối mặt lắm EVN mới đi
vay than, và “xin thề” sẽ trả lại than cho Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí
Sông Hậu 1 vào cuối Tháng Năm, 2023.
Chỉ còn hai tuần nữa hết tháng Năm,
chẳng biết lãnh đạo EVN đào đâu ra tiền trả nợ. Lúc có
chỉ có hai giải pháp: Đưa bộ mặt “trơ tráo” ra đổ thừa vì hoàn cảnh nên “quảnh
càng”, có gì từ từ trả. Cũng có thể họ dùng lại bộ mặt “táo bón” đi mượn than
đầu kia, trả đầu này, rồi mượn đầu khác chạy máy tiếp.
Trong khi đó, hệ thống điện gió,
điện mặt trời của các nhà đầu tư tư nhân vẫn “đắp chiếu” chờ ngày khai phá sản.
Điên nặng thật rồi!
No comments:
Post a Comment