Saturday, May 6, 2023

Tin Tức: Thứ Bảy 06.05.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Mỹ Linh & Đồng Tâm trình bày sau đây.

1. Phi công Vietnam Airlines dương tính với ma túy 

Vietnam Airlines đã tạm đình chỉ bay phi công Phạm Hà D. thuộc Đoàn bay 919 (đội bay Airbus A321) để xác minh vì sao đương sự có kết quả dương tính với ma túy. 

Ngày 5 Tháng Năm, truyền thông trong nước dẫn lời ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hãng hàng không Vietnam Airlines đã báo cáo việc phi công Phạm Hà D. của Đoàn bay 919 ngày 27 Tháng Tư 2023 dương tính với ketamine (một loại ma túy tổng hợp) và hiện tạm đình chỉ bay đối với phi công này. 

Cũng theo ông Thắng, Cục Hàng không tổ chức cho xét nghiệm tại bệnh viện trước khi có kết luận cuối cùng cũng như hình thức xử lý (nếu có), bởi vì trong quá trình kiểm tra sức khỏe, có một số phi công sử dụng thuốc chữa bệnh, thuốc giảm đau cũng cho kết quả dương tính với chất gây nghiện. Nếu kết quả cho thấy phi công Phạm Hà D. có sử dụng chất cấm thì Cục Hàng không sẽ thu hồi giấy phép lái phi cơ vĩnh viễn, theo thông tư số 46/2013 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về kỷ luật lao động đối với nhân viên hàng không. 

Trước đó, Facebook lan truyền một văn bản của trạm y tế Đoàn bay 919 (thuộc Vietnam Airlines) gửi lãnh đạo Đoàn bay 919 cho biết phi công Phạm Hà D. có kết quả dương tính với ma túy tổng hợp. Nội dung văn bản nêu ngày 25 Tháng Tư, trạm y tế thực hiện kiểm tra sức khỏe phi công Phạm Hà D. trước chuyến bay VN578 nhưng phi công này từ chối kiểm tra chất gây nghiện. Cùng ngày, trạm y tế phối hợp với đội bay A321 đưa phi công Phạm Hà D. đến văn phòng Medlatec 141 Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) để xét nghiệm chất gây nghiện. Tại đây, trạm y tế thực hiện test nhanh chất gây nghiện qua nước tiểu, kết quả mẫu nước tiểu của đương sự dương tính với chất ketamine. 

Trạm y tế Đoàn bay 919 cho biết phi công Phạm Hà D. có đưa đến hai loại thuốc giảm đau đang uống (không có đơn bác sĩ) là Ultracet (Tramadol hydrocloride, Paracetamol) và Efferalgan Codeine (Paracetamol, Codeine), tuy nhiên hoạt chất trong hai loại thuốc trên không có thành phần giống ketamine, quá trình chuyển hóa trong cơ thể cũng không tạo thành ketamine. 

Ketamin nằm trong nhóm thuốc thuộc loại III và được cấp phép dùng trong ngành y tế như một chất gây mê. Ngoài ra, chất này còn được xem là một dạng ma túy tổng hợp, vì có công dụng an thần và tạo ảo giác nên thường bị lạm dụng. 

Chiều 5 Tháng Năm, đại diện Vietnam Airlines cho biết các cơ quan chuyên môn chưa có kết luận cuối cùng vì đang tiếp tục xét nghiệm, phân tích bằng các phương pháp khác nhau. Vietnam Airlines cũng nói thêm “Mọi sai phạm đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định”. 

Việc tài xế xe đò, xe tải ở Việt Nam dương tính với ma túy không phải hiếm nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, một phi công hàng không quốc gia có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy. 

2. Việt Nam lộ diện dấu hiệu khủng hoảng kinh tế hàng loạt cơ sở đóng cửa và người thất nghiệp tràn lan 

Bị mất việc làm, nhiều người lao động ở Sài Gòn đang thu dọn hành lý để trở về quê. 

Kết quả khảo sát hơn 1,000 công nhân ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương của Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), cho biết 15.5% người lựa chọn sẽ về quê trong thời gian tới, 44.6% người lưỡng lự và 39.9% người chưa có dự định. 

Lý do lớn nhất để người lao động nhập cư trở về quê là gần gia đình, khi thu nhập ở đô thị không đủ sống. Trong đó nhóm lao động trên dưới 40 đang có con gửi ông bà dưới quê có ý định hồi hương nhiều nhất. 

Một lý do khác là cơ hội việc làm ở quê cũng đã tốt hơn khi chi phí mặt bằng, nhân công ở Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương tăng cao, các công ty có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để có chi phí rẻ hơn, kéo theo số lao động hồi hương. 

Xu hướng lao động về quê có hai nhóm, với người trẻ khi hồi hương sẽ tiếp tục làm việc trong các nhà máy gần nhà, còn lao động trung niên sẽ trở về với nông nghiệp. 

Khảo sát của Sở Lao động Sài Gòn về nhu cầu sử dụng lao động của gần 4,000 công ty trong quý I/2023 cũng cho thấy, so với cuối năm ngoái, gần 31% công ty giảm lao động, trên 50% công ty không tuyển mới và khoảng 19% công ty có tuyển thêm lao động. Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu thuộc ngành giày da, dệt may, xây dựng, chế biến thực phẩm… 

VOVLive ngày 12 Tháng Ba 2023 khảo sát các khu phòng trọ gần công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, Sài Gòn) sau khi công ty này cho nghỉ 2,300 công nhân, cho biết, nhiều phòng trọ cửa đóng then cài, công nhân trả phòng, ngậm ngùi về quê ngay khi hoàn tất các thủ tục tại công ty. Một số ít ở lại với hy vọng tìm được việc làm mới, tuy nhiên, chi phí hiện tại quá cao khiến họ cũng nản lòng. 

Thế nhưng, trong một góc nhìn khác, báo Lao Động ngày 29 Tháng Ba 2023 dẫn nguồn tin của Sở Lao động Cà Mau cho hay có hơn 80% lao động mất việc về quê ở tỉnh Cà Mau nay đã quay lại các đô thị tìm việc. Tính từ Tháng Mười Một 2022 đến 20 Tháng Hai 2023, tổng số lao động mất việc trở về địa phương là 3,172 người, nhưng Tháng Ba 2023 đã có 2,618 lao động quay lại các đô thị để tìm việc, chiếm hơn 82.5%! 

Khi các đô thị phát triển không đồng đều, người lao động rơi vào vòng luẩn quẩn: hết việc ở Sài Gòn, về quê; sau đó không tìm ra việc ở quê, lại tiếp tục lên Sài Gòn, Đồng Nai hay Bình Dương sống kiếp tha hương. 

3. Dụ dỗ và lừa đảo qua mạng lưới Internet và điện thoại đang bùng nổ ở Việt Nam 

Các chiêu lừa qua mạng và điện thoại ở Việt Nam ngày càng có nhiều mánh khóe mới, khiến số nạn nhân không ngừng tăng lên. Trong các chuyến nghỉ hè của người Việt khắp nơi về quê hương, đối tượng là các Việt kiều cũng đang bị nhắm tới. 

Theo Tuổi Trẻ ngày 4 Tháng Năm, dịp nghỉ lễ vừa qua, có không ít người bị lừa tiền trên mạng và qua điện thoại. Như trường hợp của bà K. (Sài Gòn) lên mạng tìm dịch vụ xe đưa cả nhà ra Nha Trang trong bốn ngày. So sánh giá cả, bà K. chọn thuê dịch vụ của một công ty tư nhân do người đại diện có tài khoản Facebook là TH đứng tên. Khi liên lạc, “họ tỏ vẻ rất chuyên nghiệp khi cung cấp hình chụp rất chi tiết lịch đưa rước chúng tôi từ sân bay đến các nơi du lịch theo yêu cầu. Họ cũng cung cấp hình ảnh xe 16 chỗ sẽ dùng để phục vụ riêng cho nhà tôi khiến tôi rất yên tâm”, bà K. kể. 

Thế là khi TH yêu cầu bà K. đóng trước 10 triệu đồng ($426) để giữ xe, bà K. chuyển ngay. Vài ngày sau, bà liên lạc lại vì có chút thay đổi trong lịch trình thì… gọi messenger lẫn điện thoại đều không được, tìm trên website công ty cũng không thấy, bà K. mới biết mình bị lừa. 

Tuổi Trẻ cảnh báo chiêu trò làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng đang phổ biến, vì chỉ cần chỉnh sửa qua photoshop, nạn nhân sẽ nhận ngay biên lai, hóa đơn hay các giấy tờ giao dịch với các thông tin (họ tên, tài khoản ngân hàng, địa chỉ…) chính xác như vừa cung cấp. Người nhận tưởng là ảnh chụp thật của việc chuyển khoản hoặc in hóa đơn, biên lai… nên tin và làm theo yêu cầu. 

Những kẻ lừa đảo cũng làm giả cả website 

fanpage của công ty du lịch uy tín, ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch; hay mạo danh các đại lý bán vé bay hoặc công ty du lịch để gửi mã đặt chỗ và yêu cầu khách hàng thanh toán, chỉ khi đến phi trường thì khách mới biết bị lừa. 

Thậm chí, các app cơ quan nhà nước cũng được làm giả để giăng bẫy người dùng, mới nhất là ứng dụng mạo danh Cục Thuế Sài Gòn được thiết kế với giao diện giống hệt ứng dụng thật nhưng được cài đặt theo đường link do kẻ lừa đảo cung cấp. Nếu chẳng may làm theo, người dùng sẽ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại, lấy cắp thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng. 

Một trong các chiêu lừa phổ biến là đối tượng lừa đảo đăng tải bài viết bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng xã hội với nhiều tiện ích, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) rồi chiếm đoạt. Một chiêu trò khác là quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa… Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, kẻ lừa đảo sẽ lặn biệt tăm. 

Còn nạn lừa đảo qua điện thoại, đừng mơ truy vết được bọn lừa đảo, vì quy định của luật pháp vẫn cho một cá nhân có thể đứng tên trên nhiều số thuê bao. Lãnh đạo một nhà mạng cho Tuổi Trẻ biết một đại lý bán sim điện thoại có thể đứng tên “chính chủ” cho hàng ngàn thuê bao để bán ra thị trường. Nhiều người mua sim mới nhưng không sang tên mà dùng để làm ăn, quảng cáo, spam, lừa đảo. 

Khi đó, sim đứng tên một người nhưng kẻ lừa đảo lại là một người khác. Vị này còn cho biết việc xác định nghi phạm và điều tra hành vi vi phạm pháp luật (lừa đảo qua điện thoại) là chức năng của cơ quan công an, các nhà mạng di động chỉ là nơi cung cấp dịch vụ liên lạc giữa các khách hàng và không có quyền nghe nội dung trao đổi giữa họ. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ công ty an ninh mạng NCS, cho rằng người dùng cần áp dụng nguyên tắc “zero trust” (không tin bất kỳ ai) khi lên mạng. Khi có một giao dịch phát sinh qua mạng, không nên vội chuyển tiền ngay mà cần xác minh chủ tài khoản qua một kênh độc lập, tin cậy khác. Đồng thời, người dùng cũng cần cập nhật thông tin cảnh báo trên các phương tiện truyền thông.

No comments:

Post a Comment