Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ 9 NGƯỜI VIỆT TỬ NẠN GIAO THÔNG Ở TRUNG CỘNG
Bộ ngoại giao VN cho biết đã xác định 9 người
Việt tử nạn trong vụ xe cộ rơi xuống gần biên giới Việt – Hoa vào ngày 19/5.
Theo tường thuật của báo chí địa phương, vụ
tai nạn xảy ra vào lúc 6 giờ rưởi sáng ngày 19/5 tại thành phố Tịnh Tây, thuộc
tỉnh Quảng Tây, khiến 11 người chết, trong đó có 9 người Việt, một người Hoa
Lục và một người khác chưa xác định được quốc tịch.
Phía Hoa Lục xác định chiếc xe đã lao khỏi vách đá. Lúc bị
tai nạn chiếc xe này đã chở gấp đôi số người được quy định.
Theo nguồn tin từ tờ Thanh Niên, nhà cầm quyền thành phố Tịnh Tây nghi ngờ vụ tai nạn có liên quan đến hoạt động buôn người ở khu vực biên giới. Một trong những người sống sót là tài xế của chiếc xe đã bị tạm giữ để điều tra.
2/ SÔNG MÃ Ở TỈNH THANH HÓA TRƠ ĐÁY VÌ HẠN HÁN
Tình trạng hạn hán
kéo dài đang gây khốn đốn cho các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, với dòng sông
Mã đang trơ đáy tại nhiều đoạn.
Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương hứng chịu
đợt nắng nóng gay gắt đang diễn ra từ đầu tháng 5 đến nay. Đặc biệt
là khu vực các huyện miền núi phía tây của Thanh Hóa có nhiệt độ cao hơn so với
các khu vực đồng bằng hay ven biển.
Theo dự báo của trung tâm khí tượng Thanh Hóa, trong các ngày qua khu vực tỉnh Thanh Hóa
tiếp tục có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến từ 36 đến 38 độ C, có nơi hơn
40 độ. Thời gian nắng nóng gay gắt kéo dài từ 10 tiếng đến 17 tiếng mỗi ngày.
Tình trạng nắng nóng gay gắt, trời không có mưa kéo dài từ
đầu tháng 5 đến nay khiến mực nước nhiều sông hồ tại tỉnh Thanh Hóa xuống dưới
mực nước chết, gây nguy cơ thiếu nước tưới cho cây trồng. Theo dự báo từ chi
cục thủy lợi, sẽ có khoảng 20 ngàn mẫu hoa màu có nguy cơ hạn hán.
Dọc theo sông Mã, con sông lớn nhất tỉnh Thanh Hóa,
nhiều đoạn lòng sông đã trơ đáy, người dân có thể dễ dàng đi qua sông mà không
cần qua cầu hoặc thuyền bè. Mực nước cạn kiệt cũng đang gây ảnh hưởng đến năng
suất của các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Mã, khi các hồ chứa thủy điện
như Trung Sơn và Bá Thước đều dưới mực nước chết.
Từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình nước đổ về hồ thủy điện Bá Thước chỉ khoảng 70 thước khối một giây. Lượng nước này chưa đủ để hoạt động 1 tổ máy, trong khi nhà máy này có tới 4 tổ máy.
3/ NGA TỐ CÁO
QUYẾT ĐỊNH CỦA KHỐI G7 NHẰM KIỀM CHẾ NGA VÀ TRUNG CỘNG
Trong một thông
cáo về chiến lược chung nhằm đối phó với Trung Cộng, khối G7 vào hôm 20/5 đã ra
lời kêu gọi Trung Cộng gây áp lực với Nga để chấm dứt cuộc xâm lược tại Ukraine
.
Cần biết là Nga và Trung Cộng là hai đề tài chính yếu của
phiên họp của khối G7 mở rộng tại Nhật vào cuối tuần qua. Phản ứng lại quyết
định nói trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố là khối thất cường đang
tim cách phân hóa hai nước Trung Cộng và Nga.
Theo
cáo buộc của Nga, một mặt nhằm đánh bại Nga trên chiến trường Ukraine, mặt khác
là phản đối các phương pháp kinh doanh của Trung Cộng bị các nước nhóm G7 coi
là hung hăng.
Ngoài
ra ông Sergei Lavrov còn nói rằng nhiều chuyên gia phương Tây đã thảo luận công
khai về những kịch bản chia cắt liên bang Nga. Những tuyên bố được ông biện
minh rằng việc một nước Nga độc lập sẽ không phù hợp với mục tiêu thống trị thế
giới bị ông Lavrov gắn mác cho phương Tây.
Đây
là những phát biểu mạnh mẽ vào thời điểm nhóm G7, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ,
sẵn sàng đưa ra những quyết định khiến các biện pháp trừng phạt Nga từ năm 2014
sẽ gia tăng nhiều hơn.
Liên
quan đến Trung Cộng, giới lãnh đạo các nước cũng có ý định chống lại những
phương pháp kinh doanh không lành mạnh của Trung Cộng,
như ép buộc đối tác chuyển giao công nghệ bất hợp pháp hoặc tiết lộ dữ
liệu.
Trong thông cáo đưa
ra, khối G7 đã chỉ trích Trung Cộng về nhiều điểm, trong đó có tình hình Biển
Đông, eo biển Đài Loan, tình hình vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.
Phía Trung Cộng đã bày tỏ “sự không hài lòng sâu sắc”. Trong thông cáo vào tối 20/5, phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng
chỉ trích mạnh mẽ là khối G7 khăng khăng thao túng các vấn đề liên quan đến Trung Cộng, gây mất uy
tín và công kích Trung Cộng.
Bắc Kinh cho biết đã chính thức gửi phản đối đến Nhật Bản, nước chủ nhà tổ chức thượng đỉnh, cũng như đến các nước thành viên khác của G7.
4/ TỔNG THỐNG UKRAINE BÁC BỎ
TUYÊN BỐ NGA LÀM CHỦ BAKHMUT
Vào hôm qua, Chủ nhật 21/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mạnh
mẽ bác bỏ thông tin là thành phố Bakhmut bị Nga hoàn toàn kiểm soát và khẳng
định là quân đội Ukraine vẫn đang chiến đấu ở thành phố này.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đưa ra tuyên bố nói trên trong
cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật vào hôm 21/5. Ông nhấn mạnh là
ông không thể chia xẻ các chiến thuật hiện nay của quân đội Ukraine, nhưng tự
hào là một quốc gia lớn hơn Ukraine vẫn không thể đánh bại được quân Ukraine.
Ông cho biết thêm là quân Ukraine sẽ chiến thắng trong thời gian ngắn sắp tới.
Tổng thống Zelensky khẳng định là tính đến hôm nay, Nga
chưa kiểm soát được Bakhmut. Trước đó khi được hỏi liệu thành phố Bakhmut có
còn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Ukraine hay không, Tổng thống Zelensky
cho biết là “Không. Vào hôm nay, Bakhmut chỉ còn nằm trong trái tim của chúng
tôi". Tuy nhiên sau đó phát ngôn nhân của Tổng thống Ukraine đã lên tiếng
đính chính phát biểu của ông Zelensky.
Phát ngôn nhân Sergiy Nykyforov cho biết là ông Zelensky bác bỏ tuyên bố về
việc Bakhmut đã thất thủ. Theo ông Nykyforov, câu trả lời "Tôi nghĩ là
không" của Tổng thống Zelensky được đưa ra với hàm ý nhóm quân
sự Wagner chưa thể giành được quyền kiểm soát toàn bộ Bakhmut.
Hiện Nga và Ukraine đưa ra những thông tin khác nhau về
việc Bakhmut thất thủ. Bộ quốc phòng Nga hôm 20/5 thông báo lực lượng Nga đã
kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut. Thông báo này được đưa ra sau khi ông
Yevgeny Prigozhin, người cầm đầu tập đoàn đánh thuê Nga Wagner, tuyên bố lực
lượng này đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Bakhmut từ hôm 20/5.
Theo ông Prigozhin, những khu nhà cao tầng cuối cùng mà lực
lượng Ukraine cố thủ suốt thời gian qua hiện đã thuộc sự kiểm soát của Nga. Ông
Prigozhin cho biết thêm, các đơn vị của Wagner sẽ tiếp tục hiện diện ở Bakhmut
cho đến ngày 25/5. Trong thời gian này, Wagner sẽ tăng cường phòng thủ cho
thành phố. Sau đó, Wagner sẽ bàn giao quyền kiểm soát cho bộ quốc phòng Nga,
các đơn vị của Wagner sẽ được nghỉ ngơi và tập hợp lại sau nhiều tháng chiến
đấu căng thẳng.
Điện Kremlin hôm 20/5 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir
Putin đã chúc mừng tập đoàn Wagner khi tấn chiếm được thành phố Bakhmut.
Tuy nhiên Đại tướng Oleksandr Syrskyi, tư lệnh lục quân Ulraine, vào hôm qua khẳng định các đơn vị Ukraine vẫn tiếp tục tiến công ở Bakhmut. Thứ trưởng quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cũng tuyên bố, lực lượng phòng vệ Ukraine đã bao vây một phần thành phố Bakhmut và các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ở mặt trận này.
No comments:
Post a Comment