Thursday, May 25, 2023

Tù Nhân Chính Trị: Huỳnh Anh Trí

Chân dung tù nhân

 Liên tục chương trình, mời quý thính  giả theo dõi chuyên mục  Chân Dung Người Tù Lương Tâm Huỳnh Anh Trí do Thúc Lân biên soạn qua giọng đọc của Bảo Trân

Thưa quý thính giả, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cuộc đời ông Huỳnh Anh Trí, một cựu tù nhân chính trị từng chiu án 14 năm và đã qua đời 6 tháng sau kể từ khi mãn án.

Ông Huỳnh Anh Trí sinh năm 1972 tại Sài Gòn trong một gia đình có cha và ông ngoại đều là những sĩ quan cảnh sát dưới chế độ VNCH. Sau năm 1975, cả cha và ông ngoại của Huỳnh Anh Trí đều bị đi tù, cái mà bên thắng cuộc gọi là cải tạo. Huỳnh Anh Trí là con trai thứ 4 trong một gia đình có 6 anh chị em. Theo lời kể của cựu TNCT Huỳnh Anh Tú, anh trai ông Trí, thì khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cả gia đình lần lượt vượt biên sang Thái Lan với hy vọng sẽ đến được nước thứ 3 nhưng mong ước bất thành. Tại Thái Lan, ba anh em họ Huỳnh là Huỳnh Anh Tuấn, Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí đã tham gia tổ chức Việt Nam Tự Do – tổ chức chính trị do ông Nguyễn Hữu Chánh, một người Mỹ gốc Việt thành lập. Năm 1999, hai anh em Huỳnh Anh Tú và Huỳnh Anh Trí nhận nhiệm vụ về nước rải truyền đơn, kêu gọi người dân đứng lên chống lại chế độ độc tài cộng sản. Cả hai anh em ông đều bị bắt và sau vài tháng bị giam giữ, họ ra tòa cùng với 36 người khác. Tất cả 38 người đều bị cáo buộc nhiều tội danh như “lật đổ chế độ, tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “khủng bố chống chính quyền nhân dân” v.v… Có 4 người nhận mức án cao nhất là 20 năm. Hai anh em ông Huỳnh Anh Tú, Huỳnh Anh Trí cùng bị kết án 14 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố” (bất thành).

Hầu hết những người cùng hoạt động hoặc từng tiếp xúc với Huỳnh Anh Trí đều nhận xét ông là người thông minh, lanh lợi, nhiệt thành, gan dạ, hết lòng vì bạn bè, là “người ưa hành động và không biết sợ là gì”. Có lẽ tinh thần “ưa hành động và không biết sợ là gì” vừa là đặc điểm nổi bật của con người Huỳnh Anh Trí, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến số phận đau thương của người tù chính trị này. Một số bạn tù, trong đó có anh trai ông Trí là ông Huỳnh Anh Tú kể về những tháng năm trong tù của ông với những câu chuyện đầy cảm động và thật hào hùng.

Nói về Huỳnh Anh Trí, không thể không nhắc đến cuộc nổi dậy trong nhà tù Xuân Lộc (Z30A) Đồng Nai sáng ngày 30/6/2013 mà người tù can trường này khởi xướng. Đây là cuộc “nổi dậy” trong tù đầu tiên sau năm 1975 có sự tham gia của cả TNCT lẫn tù thường phạm được công luận trong và ngoài nước chú ý. Cuộc “nổi dậy” được chính các TNCT tường thuật trực tiếp với truyền thông tại hải ngoại. Những TNCT giữ vai trò lãnh đạo cuộc nổi dậy (mà truyền thông lề đảng gọi là “cầm đầu”) gồm các ông Huỳnh Anh Trí, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường và một vài người khác. Những tù nhân nổi dậy đã bắt trói một trong các Giám thị trại giam là Đại tá Hồ Phi Thắng để đưa ra những yêu sách chính đáng mà người tù được hưởng theo luật định. Báo chí của đảng cộng sản Việt Nam đã mô tả đây là cuộc “nổi loạn”, “gây rối trật tự” nhưng không nhắc đến nguyên nhân của cuộc nổi dậy. Trong lúc tường thuật diễn biến cuộc nổi dậy trong tù với truyền thông hải ngoại, ông Huỳnh Anh Trí đều khẳng định các tù nhân bị ngược đãi, bị bớt xén khẩu phần ăn và bị cưỡng bức lao động. Cuộc nổi dậy là đỉnh điểm của sự phẫn nộ và là hành động ngoài ý muốn xảy ra sau nhiều nỗ lực khiếu nại, đòi hỏi nhưng bị phía nhà tù lờ đi không giải quyết. Tình trạng ngược đãi tù nhân, nhất là tù nhân chính trị là một trong những chính sách và đặc tính của nhà tù cộng sản. Nhiều người sau khi trở về đã tố cáo chế độ nhà tù cộng sản ngược đãi, tra tấn họ cả về thể xác lẫn tinh thần. Không ít người đã viết hồi ký, bút ký, tự truyện để kể về những năm tháng họ phải chịu đựng trong tù như là những bằng chứng không thể chối cãi về sự tàn bạo của nhà tù Việt Nam thời cộng sản.

Buổi chiều cùng ngày, cuộc “nổi dậy” bị dập tắt. Giám thị Hồ Phi Thắng thừa nhận với báo chí nhà nước là ông ta “không bị đe dọa hay xâm phạm thân thể”. Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục 8, được dẫn lời nói rằng "các phạm nhân cầm đầu vụ gây rối trên đều là lưu manh chuyên nghiệp, không có quyết tâm cải tạo, thường xuyên vi phạm nội quy, kỷ luật của trại giam". Tướng Oánh cũng phủ nhận thông tin nói rằng các tù nhân “nổi dậy” nhằm mục đích phản đối việc bị đánh đập, cắt xén thức ăn và bị cưỡng bức lao động.

Các TNCT là Huỳnh Anh Trí, Phan Ngọc Tuấn, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng … ngay lập tức bị chuyển trại trong đêm 30/6. Một số bạn tù và chính Huỳnh Anh Trí sau này đã kể lại rằng Trí đã bị cai tù trả thù bằng một trận đòn “thừa sống thiếu chết”. Một cựu tù chính trị kể lại “Trí bị bọn cai tù đánh ngay tại cổng trại, máu mồm máu mũi ộc ra và cậu ta nằm ngay dưới đất, không thể đứng lên nổi. Sau đó bị quăng lên xe và chở đến nhà tù khác ngay đêm hôm xảy ra cuộc “nổi dậy”.

Huỳnh Anh Trí bị chuyển đến nhà tù Xuyên Mộc (Vũng Tàu), là nhà tù thứ 5 và nhà tù cuối cùng trước khi mãn án 18 tháng sau đó.

Sau cuộc nổi dậy ở nhà tù khét tiếng tàn bạo Z30A, ông Trí và một số người tù chính trị khác bị chuyển trại ngay trong đêm 30/6/2013. Khi bị đưa ra cổng trại, ông Huỳnh Anh Trí đã bị cai tù đánh đập tàn nhẫn đến mức “không thể đứng lên nổi” như lời một bạn tù của ông kể lại. Ông bị chuyển đến Trại giam Xuyên Mộc thuộc tỉnh Bà Rịa- một nhà tù tàn bạo không kém và từng giam giữ nhiều công dân yêu nước.

Vừa tới Xuyên Mộc, Huỳnh Anh Trí lập tức bị tống vào buồng kỷ luật, người tù quen gọi là khu “kiên giam”, nơi dành cho những tù nhân vi phạm “nội quy”. Xin lưu ý, từ “nội quy” được đặt trong dấu ngoặc kép, có nghĩa đây chỉ là cái cớ để cai tù trừng trị, đày đọa những tù nhân mà chúng căm ghét vì một lý do nào đó. Huỳnh Anh Trí bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần, bị cùm chân trong tình trạng mang thương tích khi bị tra tấn ở nhà tù cũ. Để độc giả hình dung tình trạng của ông Huỳnh Anh Trí cũng như của những người tù chính trị từng bị biệt giam kỷ luật, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin về hình thức trừng phạt vô nhân tính này. Tù nhân sẽ bị giam trong buồng kín rộng khoảng 6 mét vuông không có cửa sổ hoặc lỗ thoáng. Cánh cửa sắt duy nhất chỉ được mở để cai tù đưa cơm cho người bị kỷ luật. Tù nhân sẽ bị cùm chân cố định vào một bệ xi măng cả ngày lẫn đêm cho đến hết thời hạn biệt giam. Tức là sẽ kéo dài ít nhất một tuần cho đến nhiều tuần, nhiều tháng, tùy thuộc vào “lệnh kỷ luật” do ban Giám thị ký. Xuất cơm bình thường của người tù là một ngày hai bữa, mỗi bữa được một bo cơm và một chén canh, không có đồ ăn mặn. Đối với tù bị đi cùm, khẩu phần ăn bị giảm đi một nửa hoặc chỉ là vài miếng cầm hơi, tùy thuộc chính sách của trại giam đối với từng người tù cụ thể.

Một điều đáng nói, đây không phải lần cùm đầu tiên của Trí. Trong suốt 14 năm tù, ông nhiều lần bị cùm chân trong buồng biệt giam và lần nào cũng cùng một lý do “vi phạm nội quy”. Cái gọi là “vi phạm nội” của ông Huỳnh Anh Trí thực chất là hành động chống lại sự ngược đãi của cai tù , đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng mà người tù được hưởng theo quy định của pháp luật, của chính trại giam nơi ông bị giam giữ. Ông Trí bị ngược đãi, bị tra tấn vì ông đã dám đứng lên bảo vệ những tù nhân khác khỏi sự ngược đãi.

Ngày 29/12/2013, ông Huỳnh Anh Trí và anh trai là Huỳnh Anh Tú mãn án sau 14 năm tù giam. Đối với mỗi người tù- nhất là chịu án dài, ngày trở về, ngày được trả tự do chính là ngày vui lớn nhất cuộc đời họ. Nhưng anh em ông Huỳnh Anh Trí không được hưởng cái niềm vui, niềm hạnh phúc hiển nhiên ấy như bao tù nhân khác. Họ không có nhà để về, không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc, không gia đình và tiếp tục bị khủng bố, bị săn đuổi và bách hại bởi vô số những tên “cai tù” trong cái nhà tù khổng lồ mang tên nước CHXHCN Việt Nam.

Những ngày đầu ra tù, anh em ông Tú- Trí phải ở nhờ hết người này đến người kia và ở đâu công an cũng khủng bố, ép chủ nhà đuổi hai ông đi. Công an thậm chí đã dùng xe ủi sập một phần cánh cổng nhà bà Bùi Thị Minh Hằng vào đúng đêm Giao thừa năm Giáp Ngọ để ép bà “giao nộp” hai người cựu tù này mặc dù họ không hề vi phạm pháp luật. Nhưng bà Hằng đã dũng cảm bảo vệ hai anh em và họ đón Tết trong sự rình rập, khủng bố của côn an. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một số Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và người quen, họ vào cư trú tại Vườn rau Lộc Hưng (quận Tân Bình, Sài Gòn).

Ông Huỳnh Anh Trí qua đời ngày 5/7/2014 sau khi ra tù được hơn 6 tháng do bị nhiễm bệnh Aids. Khi chưa bị bắt, ông Trí là người hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc lâm bệnh nặng, ông Trí đã tố cáo nhà tù cộng sản có chủ trương hủy hoại sức khỏe và tính mạng các tù nhân chính trị. Ông khẳng định mình bị nhiễm HIV/AIDS là do ác ý của cai tù. Huỳnh Anh Trí từng bị cùm chân bằng “cùm bẩn”, dính máu hoặc da thịt của người tù nhiễm AIDS bị cùm trước đó. Thường thì mỗi lần sử dụng, cai tù phải cho làm vệ sinh chiếc cùm trước khi nó được dùng để cùm người tù sau, mục đích là tránh lây lan bệnh tật. Nhưng Huỳnh Anh Trí đã không có cái “quyền bình đẳng” như đa số những người tù biệt giam kỷ luật khác là “được” cùm bằng chiếc cùm sạch. Khi phát hiện Huỳnh Anh Trí mắc bệnh AIDS, bệnh viện đã không thông báo cho ông và người nhà biết mà cố tình giấu bệnh của ông để ngăn cản việc điều trị, rút ngắn thời gian sống của ông. Hành động tội ác này còn được nhằm đến ông Huỳnh Anh Tú vì hai anh em ông sống cùng nhà trọ, rất dễ lây bệnh nếu xảy ra rủi ro. Khi Huỳnh Anh Trí qua đời, công an và các bác sĩ bệnh viện đều gây khó khăn cho ông Tú trong việc nhận xác em trai về an táng. Nếu sau khi ra tù, cả hai ông chấp nhận im lặng, làm ngơ trước mọi bất công xã hội thì chắc ông Trí không chết oan ức và nhanh chóng như thế. Ông Tú cũng không bị đánh đập, câu lưu nhiều lần và bị bách hại đến nhà tan cửa nát như thế.

Đã có bao nhiêu người yêu nước chết lặng câm, oan khuất trong các nhà tù, dưới bàn tay tội ác của cộng sản. Những sự hy sinh thầm lặng của họ hôm qua có thể chưa đơm hoa kết trái trong ngày hôm nay. Nhưng nếu không có sự đóng góp, hy sinh cao quý của những con người yêu nước quả cảm này, sẽ không có sự hồi sinh cho Việt Nam vào ngày mai.

Thúc Lân

 

 

No comments:

Post a Comment