Mở đầu chương trình, Vân Hà & Nguyên Khải mời quý thính giả theo dõi chi tiết các tin hôm nay.
1/ VN HỨNG ĐỢT NẮNG NÓNG KỶ LỤC, LÊN ĐẾN HƠN 44 ĐỘ
Vào hôm thứ Bảy 6/5, nhiệt độ tại VN đã tăng lên đến 44 độ C, được ghi
nhận tại trạm đo Hồi Xuân thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nhiệt độ này đã phá vỡ kỷ lục
trước đây là 43 độ C, cách đây hai năm ở
Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về khoa học khí hậu ở Hà
Nội, nhận định đây là một kỷ lục đáng lo ngại. Giới chuyên gia khí tượng cảnh
bảo người dân trên toàn quốc nên ở trong nhà vào nhũng giờ nóng nhất trong
ngày. Vào trưa thứ Bảy, trung tâm Hà Nội gần như vắng tanh, hầu hết mọi người
đều ở nhà để tránh nắng nóng.
Cần biết vào thứ Bảy 6/5 là đỉnh điểm của đợt nắng nóng,
nhiều nơi nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C, thậm chí hơn 43 độ, như tại Lạc Sơn và Tương
Dương của tỉnh Nghệ An.
Vùng Đông Nam Á đã hứng chịu một đợt nắng nóng suốt phần lớn tháng Tư vừa qua. Nhiều nước láng giềng của Việt Nam cũng ghi nhận nhiệt độ lên đến mức kỷ lục. Ví dụ như nhiệt độ lên đến 44.6 độ C ở tỉnh Tak, thuộc miền đông Thái Lan. Còn tại Miến Điện, nhiệt độ lên gần 44 độ ở một thành phố ở miền đông đất nước.
2/ CÁ CHẾT HÀNG LOẠT Ở HỒ LỚN NHẤT THÀNH PHỐ HÀ TĨNH
Trong những ngày qua, hiện tượng cá chết hàng
loạt đã diễn ra ở hồ Bồng Sơn thuộc thành phố Hà Tĩnh.
Vào hôm qua 7/5, theo ghi nhận của giới phóng viên,
một lượng lớn cá chết đã nổi trắng hồ và trôi dạt vào bờ của hồ Bồng Sơn thuộc
phường Nam Hà ở thành phố Hà Tĩnh. Theo nhiều người dân sống quanh hồ, những
ngày qua cá có biểu hiện ngộp thở, lờ đờ rồi chết nổi lên mặt nước. Đến chiều hôm
qua, lượng cá chết lên đến cả chục tấn cá.
Số cá chết trôi dạt vào nhiều vị trí của hồ Bồng Sơn với
nhiều loại như rô phi, trắm, chép, trôi, cá gáy và các loại cá nhỏ. Có cả loạt
cá to cũng chết nổi trên mặt hồ, con to nhất nặng từ 3 đến 5 ký.
Một người dân cho hay là thường đi tập thể dục quanh hồ,
với mấy năm trước mùa nắng nóng cũng có ghi nhận cá chết. Nhưng lần này là lớn
nhất, chưa bao giờ thấy hiện tượng cá chết nhiều như vậy.
Lượng cá chết lần này khiến người dân lo lắng. Nhiều gia
đình sống quanh hồ bị ảnh hưởng khi có mùi hôi tanh bốc lên. Ông Trần Xuân Sơn, chủ tịch phường Nam Hà cho
biết, phường đã biết được về việc cá chết hàng loạt ở hồ Bồng Sơn và đã báo cáo
lên trên.
Hồ Bồng Sơn là hồ điều tiết lớn nhất tại thành phố Hà Tĩnh với diện tích hơn 11 mẫu, tổng kinh phí xây dựng là hơn 27 tỷ đồng.
3/ UKRAINE GIA TĂNG
ĐÁNH PHÁ BÁN ĐẢO CRIMEA BẰNG DRONE
Giới chức Nga tại bán đảo Crimea vào sáng hôm qua 7/5 cho
hay là quân Ukaine đã tấn công hơn 10 đợt máy bay không người lái (drone) vào
bán đảo này chỉ trong vòng một đêm. Trong số đó có 3 vụ nhắm váo hải cảng
Sebastopol, tức căn cứ chính yếu của hạm đội Hắc Hải.
Phát biểu trên mạng, ông Mikhail Razvojayev, người được Nga
cử làm lãnh đạo thành phố Sebastopol, xác định rằng các hệ thống phòng không đã
phá vỡ mọi cuộc tấn công, và không một cơ sở nào bị hư hại. Ngoài Sebastopol,
nhiều vụ nổ khác cũng xảy ra ở Saki, nơi có căn cứ không quân Nga, và một số
khu vực khác.
Thiệt hại từ các cuộc tấn công chưa được biết về số thương
vong. Các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu do Nga chiếm đóng đã tăng lên gấp
bội trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở Crimea, một bán đảo bị Nga sát nhập
vào năm 2014.
Chính quyền Ukraine không chính thức tự nhận là chủ mưu các
cuộc tấn công, chỉ cho biết là việc phá hủy cơ sở hạ tầng là một phần của quá
trình chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ mà họ đang lên kế hoạch.
Cũng liên quan đến Crimea, quan chức cấp cao của Nga vào hôm
qua tiết lộ rằng một hỏa tiễn tấm xa của Ukraine đã bị bắn hạ trên không phận
vùng này. Quan chức này cho biết là Ukraine đã dùng phi đạn Grom-2 để tiến hành
vụ tấn công, nhưng không gây ra được bất kỳ thiệt hại nào.
Chính quyền Ukraine cũng cho biết là lần đầu tiên họ đã bắn
hạ một phi đạn siêu thanh loại Kinjal của Nga tham gia các cuộc không kích
trongđêm thứ Tư rạng sáng thứ Năm tuần qua.
Cần biết là Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khoe rằng phi đạn Kinjal là một vũ khí lý tưởng vì rất khó bị đối phương đánh chặn. Theo giới chức không quân Ukraine, phi đạn này đã bị hệ thống phòng không Patriot bảo vệ thủ đô Kiev bắn hạ vào khoảng 2 giờ rưởi sáng thứ Năm 4/5.
4/ LỰC LƯỢNG NGA DI TẢN CÔNG DÂN GẦN NHÀ MÁY HẠT NHÂN
Lực lượng Nga đang di tản khẩn cấp cư dân khỏi thị trấn
phục vụ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị Nga chiếm đóng ở miền nam
Ukraine, theo tiết lộ của quân đội Ukraine cho biết vào hôm qua 7/5.
Ukraine dự trù sẽ sớm bắt đầu một cuộc phản công rất được
mong đợi để chiếm lại lãnh thổ bị Moscow nắm giữ, bao gồm cả khu vực
Zaporizhzhia.
Trong bản tin cập nhật vào buổi sáng, bộ quốc phòng Ukraine
cho biết các lực lượng Nga đang di tản những người mang sổ thông hành Nga tại
địa phương đến hải cảng Berdyansk và thị trấn Prymorsk, cả hai đều nằm trên bờ
biển Azov.
Người đứng đầu cơ quan giám sát năng lượng hạt nhân của LHQ
vào hôm thứ Bảy nói rằng tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu
châu đã trở nên vô cùng nguy hiểm.
Cả hai bên đã cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy và nỗ lực bảo đảm một khu vực an toàn xung quanh nó đã hoàn toàn thất bại.
5/ THỦ TƯỚNG NHẬT SANG THĂM NAM HÀN
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida vừa đặt chân đến
Nam Hàn vào hôm qua 7/5, trong lúc hai nước đang cùng trực diện với mối đe dọa
gia tăng từ Bắc Hàn.
Thủ tướng Fumio Kishida đã tới thủ đô Seoul và bắt đầu chuyến
thăm chính thức tới Nam Hàn vào hôm 7/5.
Đây là chuyến thăm Nam Hàn đầu tiên của một thủ tướng Nhật sau 12 năm và được xem là màn đáp lễ chuyến
đi tới Nhật vào tháng 3 của Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk-yeol.
Tại Nam Hàn, Thủ tướng Kishida sẽ có cuộc hội đàm song
phương với Tổng thống Yoon. Trong cuộc gặp gỡ lần này, hai nhà lãnh đạo dự trù
sẽ có cuộc thảo luận cởi mở hơn. Giới quan sát kỳ vọng cuộc gặp giữa ông
Kishida và ông Yoon sẽ thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia ở Đông Bắc Á phát
triển lên một tầm cao mới.
Bên cạnh đó, kế hoạch đối phó với chương trình vũ khí hạt
nhân của Bắc Hàn cũng sẽ là một chủ đề trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa hai
nhà lãnh đạo.
Một quan chức ngoại giao Nhật Bản cũng khẳng định hai nước có rất nhiều cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong việc kiềm chế mối đe dọa từ Triều Tiên.
No comments:
Post a Comment