Thursday, May 4, 2023

Tin Tức: Thứ Năm 04.05.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Hải Nguyên trình bày sau đây.

1/  VN BỎ PHIẾU ỦNG HỘ LHQ LÊN ÁN NGA XÂM LƯỢC UKRAINE

Vào hôm 26/4, trong một hành động bất ngờ, VN và Trung Cộng đã bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết LHQ, trong đó có đoạn lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga.

Nghị quyết do 48 quốc gia đề nghị, khuyến khích Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Âu châu tăng cường hợp tác ở mọi cấp để giải quyết hiệu quả nhiều chủ đề khác nhau. Trong phần về Ukraine có đoạn đề cập đến "những thách thức chưa từng có mà Âu châu phải đối mặt, sau hành động gây hấn mang tính xâm lược của Nga đối với Ukraine và Gruzia".

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào 24/2 năm ngoái, VN đã kiên trì với đường lối đối ngoại mà Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh là "không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải".

Nghị quyết nói trên đã được thông qua với 122 phiếu thuận, 18 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống đối. Đây là lần đầu tiên mà các quốc gia thuộc khối ASEAN bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lược Ukraine.

Khối này từng bị chỉ trích về sự chia rẽ về vấn đề Biển Đông, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng, cuộc đảo chính ở Miến Điện và cuộc chiến giữa Ukraine - Nga.

Báo chí lề đảng VN lâu nay vẫn gọi cuộc xâm lược của Nga là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, theo đúng cách truyền thông Nga xử dụng.

Năm lần bỏ phiếu trước đây, VN đều bỏ phiếu chống đối hay phiếu trắng đối với các nghị quyết LHQ về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

2/ VN LẠI XẾP HẠNG CHÓT VỀ QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ

Trong báo cáo mới nhất, tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã xếp VN vào danh sách thứ 178 trong tổng số 180 quốc gia trên thế giới về quyền tự do báo chí, với VN, Trung Cộng và Bắc Hàn đứng cuối bảng này.

Việt Nam ở vị trí thứ 178, mức thấp nhất kể từ khi tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố bảng xếp hạng hàng năm từ năm 2002 đến nay. Theo số liệu của tổ chức ký giả nói trên, vào năm ngoái, VN đã bắt giam 35 nhà báo. Mới đây dư luận quan tâm việc nhà hoạt động Đường Văn Thái sau tin đồn ông này đã bị bắt cóc đưa về Việt Nam.

Tổ chức RSF được thành lập vào năm 1985 và đã công bố chỉ số tự do báo chí hàng năm kể từ năm 2002 và đã trở thành cái gai đối với các chế độ toàn trị trên khắp thế giới. Một trong các vụ xử tù nhà báo được thế giới chú ý nhất trong thời gian qua tại Việt Nam là trường hợp nhà báo Phạm Thị Đoan Trang, chịu án 9 năm tù với cáo buộc "tuyên truyền chống phá nhà nước" vào năm 2021.

Bà Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông vào tháng 2 năm ngoái và từng được nhận giải thưởng Homo Homini 2018 từ nước Tiệp. Trước đó, vào năm 2019, bà nhận giải thưởng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.

3/ GIÁ SẦU RIÊNG VN GIẢM 40% VÌ LÁI BUÔN TRUNG CỘNG NGƯNG MUA

Giá sầu riêng ở miền nam đã giảm từ 30 đến 40% vào đầu tháng 4 vừa qua, chỉ còn có giá 50 ngàn đồng một ký. Tại một số tỉnh thành như Tiền Giang, Bến Tre và Cần Thơ, nơi trái cây này được trồng nhiều nhất, giá sầu riêng bị giảm đến 70%.

Nguyên nhân chính yếu của việc giảm giá này là do lái buôn Trung Cộng ngưng mua hay ép giá sầu riêng. Một số người bán sầu riêng cho biết là năm nay đang trúng mùa nhưng lái buôn Trung Cộng vẫn chưa có hào hứng trong khi trái cây này cũng vào mùa thu hoạch ở Thái Lan và Philippines.

Cần biết là Trung Cộng cũng đang trồng sầu riêng trong nước với hơn 93 mẫu ở đảo Hải Nam.

Trái sầu riêng của Việt Nam là loại trái cây có mức tăng trưởng xuất cảng vào Trung Cộng nhanh nhất trong năm nay. Theo số liệu của bộ công thương VN, trong quý I năm nay, kim ngạch xuất cảng sầu riêng của Việt Nam đã tăng tới hơn 700% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 153 triệu Mỹ kim. Chỉ tính riêng Trung Cộng đã chiếm đến 87% thị trường với hơn 133 triệu Mỹ kim.

Theo số liệu của hải quan Trung Cộng, trong 3 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập cảng hơn 91 ngàn tấn sầu riêng với kim ngạch lên đến 507 triệu Mỹ kim.

Giá sầu riêng VN xuất cảng vào Hoa Lục có giá bán bình quân là 5 ngàn Mỹ kim mỗi tấn trong so với hơn 5 ngàn rưởi Mỹ kim của Thái Lan.

4/ MỘT NHÀ ĐẤU TRANH  CỦA LÀO BỊ BẮN CHẾT TẠI QUÁN CÀ PHÊ

Một nhà đấu tranh nổi tiếng vì sự chỉ trích nhà cầm quyền Lào đã bị bắn chết tại một quán cà phê vào tối thứ Bảy 29/4 vừa qua.

Anh Anousa Luangsuphom 25 tuổi đã bị bắn thẳng vào mặt và ngực khi đang ngồi ở một quán cà phê. Là chủ trang mạng “Driven By Keyboard”, anh Anousa đã mạnh mẽ chỉ trích đảng cộng sản Lào. Các tổ chức nhân quyền thế giới đã chỉ trích quan chức Lào vì chưa công bố cuộc điều tra nhắm vào "cuộc giết chóc đầy máu lạnh" này.

Các máy thu hình an ninh đã ghi lại cảnh vụ tấn công. Hình ảnh cho thấy một người đàn ông mặc áo tay dài màu nâu và nón đen, bước vào quán và bắn hai lần vào Luangsuphom, người đang ngồi trong quán, trước khi bỏ chạy.

Luangsuphom chết trên đường đến bệnh viện. Nhà đấu tranh trẻ tuổi từng là một trong số ít người ở Lào thường xuyên công khai đăng quan điểm chỉ trích nhà nước. Giám đốc Á châu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền, Elaine Pearson, cho biết vụ này đã phát đi một thông điệp gây lạnh sống lưng là không có người nào có thể an toàn ở Lào nếu chỉ trích nhà nước.

Tổ chức này cũng lên án quan chức Lào về thái độ thờ ơ trong việc thực thi công lý liên quan đến vụ bắn giết nhà đấu tranh này, bất chấp vụ anh Anousa bị sát hại được báo chí lề đảng công khai tường thuật trong nước.

5/ XẢ SÚNG TẠI TRƯỜNG HỌC SERBIA, ÍT NHẤT 9 NGƯỜI CHẾT

Ít nhất 8 học sinh và một nhân viên đã thiệt mạng trong vụ nổ súng tại một trường học ở thủ đô Belgrade của Serbia.

Bộ nội vụ Serbia cho biết thêm là 6 học sinh khác và một giáo viên bị thương trong vụ tấn công nói trên và đã được đưa đến bệnh viện để điều trị. Cảnh sát đã bắt giữ một học sinh 14 tuổi tại trường Vladislav Ribnikar vì liên quan đến vụ tấn công vào sáng thứ Tư 3/5.

Giới chức thành phố cho biết nghi phạm đã xử dụng cây súng của người cha, trong khi cuộc điều tra về động cơ vụ này đang được tiến hành.

Cảnh sát đặc biệt đã phong tỏa khu vực xung quanh trường học và bắt giữ một nghi phạm là một học sinh lớp 7. Truyền thông địa phương đăng tải những hình ảnh mà họ nói là nghi phạm bị cảnh sát dẫn đi khỏi hiện trường, với hai tay bị còng và áo khoác che đầu.

Cần biết các vụ xả súng tương đối hiếm hoi ở Serbia, nơi có luật lệ về súng ống rất nghiêm ngặt, nhưng quyền sở hữu súng ở nước này thuộc hàng cao nhất ở châu Âu. Vùng tây Balkan tràn ngập hàng trăm ngàn vũ khí bất hợp pháp sau các cuộc chiến tranh và bất ổn trong những năm 1990. Vào năm 2019, ước tính có 39 khẩu súng trên 100 người ở Serbia.

No comments:

Post a Comment