TBT Nguyễn Phú Trọng quá biết rằng nhân quyền và đa đảng sẽ tiêu diệt tham nhũng, nhưng ông cũng biết rằng đảng CSVN cũng sẽ mất luôn độc quyền và đặc lợi nên không bao giờ chấp nhận nhân quyền và đa đảng mà thôi.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của TS Phạm Đình Bá với tựa đề: “Ông Trọng ơi, nhân quyền và đa đảng sẽ giải quyết tham nhũng” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngày 30/12/2022 tại Hội nghị Trung ương phiên bất thường, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã báo tin hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam sẽ bị cho về vườn. Ông Vũ Đức Đam phải đứng ra chịu trận cho vụ Việt Á, cùng với hàng loạt quan chức của các Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh từ Bắc chí Nam, kéo theo cả nhiều quan chức đảng cấp cao khác, trong đó có cựu Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long và Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Ông Phạm Bình Minh phải đứng ra chịu trận cho vụ những chuyến bay giải cứu, được cho là kiếm lời mỗi chuyến được vài tỷ đồng trong vài tháng khi VN chống dịch cực đoan. Hơn 2.000 chuyến bay được truyền thông nhà nước tung hô bằng những mỹ từ, cuối cùng lại là những chuyến bay với giá cắt cổ, ăn trên xương máu đồng bào. Cùng với ông Minh, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, những người đứng đầu cục lãnh sự, và người của 37 bộ ngành bị khởi tố.
Tháng 11/2020, trao đổi với báo Tuổi Trẻ về các quy định mới liên quan tới quản lý tài sản quan chức, ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, nhận định cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết cho công cuộc phòng chống tham nhũng.
Tháng 11/2022, ông Hoàng Thái Dương cục trưởng Cục
Phòng chống tham nhũng trao đổi với báo Tuổi trẻ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu
quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tháng 05/2018, mạng xã hội có những tranh cãi về lá thư kêu gọi Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản. Luật sư Lê Công Định viết: “Kê khai tài sản là điều tưởng dễ làm, nhưng thật ra vô cùng khó. Khó vì so với mức lương và bổng lộc hàng tháng, giá trị của khối tài sản mà cán bộ đảng viên thủ đắc được có thể biến họ thành những người sống lâu nhất hành tinh với hàng nghìn tuổi.”
Tháng 06/2018, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.
Theo tạp chí Xây dựng Đảng tháng 05/2022, Nguyễn Phú Trọng nhận định: công tác đánh giá cán bộ thời gian qua đã từng bước được cải thiện tốt hơn, tuy nhiên, đây vẫn là một khâu khó, vẫn còn nhiều việc để làm, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, trí tuệ.
Tạp chí nầy có đăng bài – Giải “bài toán khó” trong đánh giá cán bộ – của tác giả trẻ Đỗ Anh, người đoạt giải báo chí toàn quốc về xây dựng đảng. Theo cô Đỗ Anh, rất khó để có thể tìm được một “liều thuốc” đặc trị hay một chiếc “chìa khóa” vạn năng để hóa giải toàn bộ các bước trong đánh giá cán bộ, nhưng vẫn phải tìm cho được một chiếc “chìa khóa” để tra vào đúng ổ, tìm được đúng “đáp số” cho “bài toán khó” trong đánh giá cán bộ.
Thế thì tham nhũng có phải luôn luôn là một vấn đề thường xuyên và tiêu tốn cho xã hội? Chúng ta có thể giải quyết vấn đề khó khăn này không?
Tự do ngôn luận và tự do báo chí thường được coi là những nhân quyền quan trọng và góp phần kiểm soát mạnh mẽ chống lại hành vi sai trái của chính phủ. Một nền báo chí độc lập là một trong những tổ chức hiệu quả nhất để phát hiện ra sự lạm dụng của cán bộ lấy vai trò làm việc công để thủ lợi cho cá nhân. Lý do là bất kỳ nhà báo độc lập nào cũng có động lực và khuyến khích điều tra và khám phá những câu chuyện về những hành vi sai trái của cán bộ. Bằng chứng thực nghiệm cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ tự do báo chí và mức độ tham nhũng giữa các quốc gia. Kết quả cho thấy rằng một nền báo chí độc lập có thể đại diện cho một kiểm tra quan trọng trong việc chống tham nhũng.
Sự hiện diện của tự do báo chí mang lại các bài viết về những vụ án tham nhũng công khai cho cử tri. Trong một nền dân chủ, các cử tri thường trừng phạt các chính trị gia tham nhũng bằng cách loại bỏ họ khỏi các cơ quan công quyền. Do đó, các chính trị gia được bầu vào chính phủ phản ứng với cử tri bằng cách giảm tham nhũng. Một cuộc điều tra thực nghiệm cho thấy rằng dân chủ và tự do báo chí có thể có tác động đáng kể đến tham nhũng.
Các cơ chế chính trị làm tăng trách nhiệm giải trình chính trị, hoặc bằng cách khuyến khích trừng phạt những cá nhân tham nhũng, có xu hướng giảm tỷ lệ tham nhũng. Tương tự như vậy, các tổ chức tạo ra một môi trường cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ công có xu hướng giảm việc bòn rút tiền phân bổ cho dịch vụ công, do đó làm giảm tham nhũng. Kết quả từ một nghiên cứu cho thấy một số thể chế chính trị cụ thể tương quan với sự hạn chế tham nhũng. Cụ thể là các nền dân chủ, hệ thống nghị viện phân quyền, ổn định chính trị và tự do báo chí đều liên quan với mức độ tham nhũng thấp hơn.
Một bài điều tra thực nghiệm cho thấy bằng chứng về mối quan hệ có ý nghĩa giữa mức độ tự do báo chí cao hơn và mức độ tham nhũng thấp hơn. Bài này cung cấp bằng chứng rằng trong khi nền dân chủ chỉ ngăn chặn tham nhũng ở các quốc gia được hưởng tự do báo chí, thì pháp quyền sẽ giảm tham nhũng cho dù báo chí có tự do hay không. Tự do báo chí và dân chủ là những yếu tố bổ sung chứ không phải thay thế trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Để thay lời kết, tôi xin nhắn với ông Trọng là khi nhân quyền và đa đảng lên ngôi thì tham nhũng sẽ xuống hố. Thay vì chăm chú vào chống tham nhũng, nhân quyền và đa đảng là những nguồn năng lực và sức mạnh để làm sạch chính phủ.
Cũng may mắn cho đảng của ông Trọng, trong một thể chế đa đảng, đảng của ông ấy sẽ phải tận dụng năng lực thay vì bạo lực để thuyết phục dân tín nhiệm đảng của họ. Như thế thì đảng của họ cũng tự làm sạch nội bộ nữa, như mong ước của cô Đỗ Anh. Như thế có phải là bất chiến mà tự nhiên thành chăng?
No comments:
Post a Comment