Saturday, May 6, 2023

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Một người được xem là một nhà thơ, một sĩ phu yêu nước và là một nhà khoa bảng. Ông từ bỏ quan trường, cổ vũ tinh thần yêu nước, kêu gọi nghĩa sĩ đứng lên chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho nước nhà. Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Đồng Nai có bốn rồng vàng,

Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.

Đó là 2 câu ca dao truyền khẩu ở miền Nam, ca ngợi 4 nhân vật nổi tiếng.

Bùi Hữu Nghĩa tên Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807 tại Bình Thủy, Cần Thơ. Thân phụ là Bùi Hữu Vi xuất thân từ nghề chài lưới, tuy nghèo nhưng thấy con thông minh và hiếu học nên ông đưa con lên Biên Hòa, gửi ở nhà ông Nguyễn Văn Lý để theo học văn với ông đồ Hoành.

Năm 1835, ông đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương ở Gia Định. Ít lâu sau, ông được bổ làm Tri huyện Phước Long (Biên Hòa), sau đó làm Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh)

Với tấm lòng yêu nước thương dân, căm ghét bọn quan tham thối nát và bọn giàu có cậy quyền thế ức hiếp dân lành, ông đã không ngần ngại đứng về phía kẻ yếu, bênh vực giới nông dân nên thường va chạm với người Hoa kiều, bị vu oan tội xúi giục giết người và bị bắt giải về Gia Định với án tử hình, chờ triều đình phê chuẩn.

Năm 1849, trước nỗi oan ức của ông, bà Nguyễn Thị Tồn (vợ ông) lặn lội ra tận kinh đô Huế kêu oan cho chồng. Trước Tam Pháp Ty, bà khua 3 hồi trống “kích cổ đăng vân”, thúc giục vua lâm triều, để dâng tờ sớ minh oan cho chồng. Hành động can trường, đáng kính phục của bà đã khiến cho vua Tự Đức tha tội tử hình cho ông, nhưng bắt ông phải lập công chuộc tội bằng cách tham gia quân đội.

Nghe tin có người đàn bà ở đất Đồng Nai lặn lội ra kinh đô Huế minh oan cho chồng, bà Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) cho mời đến gặp. Bà Nguyễn Thị Tồn vào yết kiến và tâu qua mọi việc. Thái hậu Từ Dũ cảm động và tặng một tấm biển đề 4 chữ vàng “Liệt phụ Khả gia”.
Sau đó, ông bị đưa đi trấn
thủ đồn Vĩnh Thông, Châu Đốc, giáp biên giới Miên. Tình hình nơi đây thường xuyên không ổn định, bởi các cuộc nổi dậy chống triều đình. Trong một cuộc chạm trán, đồn Vĩnh Thông thất thủ, nhiều quan quân bị giết và bị bắt, trong đó có Bùi Hữu Nghĩa. Nhưng do biết tiếng ông là người có tấm lòng nhân từ, quan tâm người nghèo khổ, trong đó có cả người Miên, nên vua Cao Miên sai người đưa ông về Tịnh Biên.
Trong khoảng thời gian về quê nhà dạy học, ông chứng kiến cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược. Ngày 18/2/1859, giặc Pháp chiếm Sài Gòn. Sự kiện này là nỗi đau thống thiết của toàn dân,
nhưng đau lòng nhất là những sĩ phu yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị .v.v.
Triều đình nhà Nguyễn nhu nhược, cắt Nam Kỳ
Lục Tỉnh cho Pháp. Trong những ngày đau thương của đất nước, ông đã gần 60 tuổi, không thể trực tiếp tham gia vào nghĩa quân để đánh giặc, nhưng bằng lời thơ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, ông đã cổ vũ cho phong trào chống Pháp.
Năm 1868, thực dân Pháp biết ông nằm trong phong trào Văn Thân
, nên bắt giam ông ở Vĩnh Long đưa về Gia Định. Trong thời gian bị giam, ông tỏ rõ khí tiết bất khuất, không để giặc mua chuộc, nên sau cùng Pháp phải thả ông về làng Long Tuyền.
Sau một cơn bạo bệnh, ông từ trần tại Bình Thủy, Cần Thơ vào ngày 21 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), hưởng thọ 66 tuổi.
*****

Cuộc đời của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa trải qua nhiều thăng trầm, ông yêu nước nhiệt thành với tư tưởng phóng khoáng tiến bộ và ông là một vị quan cương trực, thanh liêm, bất khuất trước cường quyền. Ngoài ra, ông một nhà thơ nổi tiếng, xứng đáng với danh hiệu “Rồng vàng” trên văn đàn Đồng Nai mà dân chúng thường xuyên truyền tụng. Hơn thế nữa, ông còn một người chồng và người cha trọn vẹn nghĩa tình, một người thầy mẫu mực xứng đáng cho hậu duệ noi theo.

Sinh thời của mình, dù ông không có những chiến công hiển hách như các võ tướng triều Nguyễn. Thế nhưng, đối với người dân miền Nam, đặc biệt là vùng Sài Gòn - Gia Định, ông được dân chúng xem là một vị quan trong sạch, yêu nước thương dân cho đến giờ phút cuối đời.

Rất tiếc là hiện nay đất nước Việt Nam nói chung, và miền Nam nói riêng, không có được một vị quan nào tốt như Thủ khoa Nghĩa. Tệ hơn thế nữa, là giới quan lại cộng sản ngày càng  cấu kết với Tàu Cộng để hành hạ người dân tàn bạo gấp trăm lần thời Pháp Thuộc.

Việt Nam bị rơi vào vòng Pháp Thuộc hơn 80 năm là một bất hạnh lớn của đất nước và sau hàng triệu cái chết trong chiến tranh Quốc - Cộng và hơn 48 năm thống trị của Tập đoàn Cộng sản VN, cái bất hạnh nhất của dân tộc Việt là hiện không có bao nhiêu kẻ sĩ có tấm lòng yêu nước thương dân như thế hệ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Một dân tộc mà ngay cả giới sĩ phu cũng "rụt rè" “nhút nhát” thì không thể trách là tại sao đất nước bị suy thoái và lạc hậu như ngày hôm nay.

 

No comments:

Post a Comment