Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh & Thiên An trình bày sau đây.
1/ GẦN 800 NGƯỜI CHẾT TRONG NGÀY 30/4 Ở VN
Gần 800 người chết và hơn 45 ngàn ca nhập viện trong hai ngày 30/4 và 1/5
vừa qua, theo loan báo của bộ y tế VN.
Theo số liệu cập nhật từ 63 tỉnh thành, hơn 110 ngàn người đã được đến chữa
trị tại các bệnh viện trên toàn quốc trong hai ngày qua. Trong số các ca tử
vong, có 34 nạn nhân tử nạn giao thông và 7 ca liên quan đến dịch Vũ Hán.
Cần biết Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn
giao thông hàng đầu thế giới. Trong năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 11 ngàn vụ
tai nạn giao thông, với hơn 6 ngàn người thiệt mạng và hơn 7 ngàn người khác bị
thương, theo thống kê của bộ công an Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tai nạn
giao thông quá cao tại Việt Nam là tình trạng uống rượu bia. Việt Nam xếp thứ
hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á, về mức tiêu thụ bình
quân rượu bia trên đầu người.
Báo cáo toàn cầu năm 2018 cho thấy mức tiêu thụ rượu bia
bình quân nguyên chất của người VN là hơn 8 lít mỗi năm, cao hơn mức trung bình
của thế giới là 6 lít. Ước tính chi phí trực tiếp cho tiêu thụ rượu bia ở Việt
Nam năm 2017 là 4 tỷ Mỹ kim, gần bằng 7% tổng thu ngân sách của nhà nước.
Thông tin của bộ y tế Việt Nam cũng cho biết về số ca khám chữa bệnh liên quan đến dịch Vũ Hán trong hai ngày nghỉ lễ là hơn 2 ngàn ca tới khám, hơn 1 ngàn ca nhập viện, với số ca tử vong là 7 người.
2/ TIỂU BANG CALIFORNIA ẤN ĐỊNH
NGÀY 11/5 LÀ NGÀY NHÂN QUYỀN VN
Quốc hội tiểu bang California – Hoa Kỳ vừa thông qua một
nghị quyết lấy ngày 11/5 là ngày Nhân Quyền Việt Nam nhằm ủng hộ cho các nỗ lực
nhằm đạt được tự do và nhân quyền cho người dân VN.
Trong thông báo, Dân biểu Trí Tạ cho biết là người dân VN đang
đau khổ dưới một chế độ áp bức. Việc thông qua nghị quyết này gửi đi một thông
điệp quan trọng rằng người dân California đoàn kết và sẵn sàng giúp đấu tranh
cho tự do của người dân VN.
Nghị quyết này khuyến khích người dân California đánh dấu
ngày 11/5 bằng các hoạt động như tổ chức các nghi thức, các buổi thảo luận hoặc
biểu tình. Nghị quyết cũng ghi nhận sự cần thiết của “một chính phủ dân chủ”.
Nghị quyết nói trên được đưa ra trước ngày 30/4, thường
được gọi là “Tháng Tư Đen”, đánh dấu sự sụp đổ của Sài Gòn và miền Nam Việt
Nam. Hàng triệu người Việt đã bỏ quê hương để thoát khỏi chế độ cộng sản, với nhiều
người đã đến định cư và xây dựng thành một cộng đồng người Việt rất mạnh tại
“Little Saigon” của Quận Cam, tiểu bang California.
Westminster, nơi ông Trí Tạ từng là thị trưởng, là thành phố đầu tiên công nhận Tuần lễ Tưởng niệm tháng Tư Đen. Ông Trí Tạ cũng là thị trưởng người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử tại Hoa Kỳ.
3/ PHILIPPINES VÀ TRUNG CỘNG SẼ
THẢO LUẬN VỀ QUYỀN ĐÁNH CÁ Ở BIỂN ĐÔNG
Trên chuyến bay đến Mỹ vào hôm 1/5, Tổng thống Philippines Ferdinand
Marcos Jr cho biết là hai nước Phi và Trung Cộng đã đồng ý thảo luận về quyền
đánh cá ở Biển Đông.
Tổng thống Phi cho biết thêm là đã yêu cầu lực lượng tuần duyên
Phi và bộ ngoại giao thiết lập một bản đồ về các khu vực đánh cá để trình bày
với Trung Cộng.
Khi được hỏi về vụ đối đầu trên biển gần đây giữa hải cảnh
Trung Cộng và tuần duyên Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa, ông
Marcos khẳng định ưu tiên tối cao của Phi là bảo vệ vùng biển của mình, vì thế phải
thiết lập một đường dây liên lạc trực tiếp giữa Phi và Trung Cộng.
Cần biết là vào thứ Sáu 28/4 vừa qua, chính phủ Phi đã tố
cáo hải cảnh Trung Cộng có những hành động hung hăng nhắm vào tàu tuần tra của
lực lượng tuần duyên Phi gần Bãi Cỏ Mây do Phi kiểm soát. Hoa Kỳ vào ngày 29/4
đã kêu gọi Trung Cộng ngừng sách nhiễu tàu Phi ở Biển Đông.
Phản ứng trước lời kêu gọi của Mỹ, Trung Cộng vào ngày hôm
sau khẳng định sẵn sàng giải quyết các bất đồng với các quốc gia có liên quan
thông qua tham vấn, đồng thời cho rằng các quốc gia ngoài khu vực không có
quyền can thiệp vào Biển Đông.
Cũng trên chuyến bay tới Washington, Tổng thống Marcos còn
khẳng định lại rằng nước Phi sẽ không trở thành căn cứ cho các hành động quân
sự của nước ngoài. Ông nhấn mạnh là sẽ không để cho quốc gia nào lôi kéo nước
Phi vào một cuộc phiêu lưu quân sự nào.
Cần nói thêm vào đầu tháng 4, chính phủ Phi đã bật đèn xanh cho Mỹ xử dụng 4 căn cứ quân sự mới, trong đó có một căn cứ hải quân không xa Đài Loan, điều này đã làm dấy lên lo ngại từ phía Trung Cộng.
4/ LHQ CÁO BUỘC NGA
VI PHẠM NHÂN QUYỀN NGHIÊM TRỌNG Ở UKRAINE
Một phái đoàn hùng hậu của Nga gồm 36 chuyên gia pháp lý và
nhân quyền đã không thể thuyết phục một ủy ban giám sát của LHQ là chính phủ
của họ đã tuân thủ Công ước Quốc tế về Phân biệt Chủng tộc.
Nga là một trong sáu quốc gia thành viên của công ước này
vốn đang được Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Chủng tộc, gồm 18 thành viên, đánh giá
kết quả trong phiên họp mới nhất kéo dài ba tuần vốn kết thúc vào ngày 28/4 vừa
qua.
Ủy ban này, vốn giám sát việc thực hiện công ước của các
quốc gia thành viên, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những vi phạm nhân quyền nghiêm
trọng trong cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga. Ông Mehrdad Payandeh, một thành
viên ủy ban, cho biết kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày
24/2 năm ngoái, ủy ban đã nhận được báo cáo về các vi phạm nhân quyền nghiêm
trọng, bao gồm các trường hợp xử dụng vũ lực quá mức, sát hại, hành quyết tập
thể, mất tích một cách cưỡng ép, tra tấn, hãm hiếp và các hình thức bạo lực
tình dục khác, có thể quy tội cho chính sách nhà nước.
Ủy ban cũng đã nhận được trình báo về việc cưỡng ép chuyển
giao và trục xuất cư dân sang Nga, nhất là trẻ em từ các vùng lãnh thổ ở
Ukraine trên thực tế bị Nga chiếm đóng.
Chính phủ Ukraine vào giữa tháng 4 cho biết có gần 20 ngàn trẻ
em đã bị trục xuất sang Nga và số phận của hàng ngàn trẻ em khác vẫn chưa biết
rõ. LHQ và các tổ chức nhân quyền cho biết nhiều trẻ em đã được trao làm con
nuôi cho các gia đình Nga.
Ủy ban cũng cáo buộc Nga phá hủy và làm tổn hại di sản văn
hóa của người Tatar ở bán đảo Crimea, áp đặt các hạn chế đối với các quyền
chính trị và dân sự của người Tatar, cũng như quấy rối, đe dọa và xúi giục các
vụ ám sát các nhà bảo vệ nhân quyền, luật sư và nhà báo.
Ủy ban kêu gọi nước Nga tiến hành các cuộc điều tra về tất cả các vi phạm nhân quyền được báo cáo trong kết luận cuối cùng. Họ cũng đang tìm cách chấm dứt việc động viên và cưỡng ép người Tatar gia nhập cuộc chiến xâm lược ở Ukraine.
5/ DÂN PHÁP TIẾP TỤC
BIỂU TÌNH CHỐNG CẢI TỔ HƯU TRÍ
Vào hôm qua, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5,
các nghiệp đoàn tại Pháp đã huy động hàng triệu người xuống đường để phản đối luật
cải tổ hưu trí do chính phủ đề ra.
Các nghiệp đoàn khẳng định ngày 1/5 sẽ là một ngày lịch sử
và mang tính lễ lạc. Nhưng giới chức Pháp cho biết tổng số người xuống đường
chỉ vào khoảng từ 500 đến 650 ngàn người, trong đó có khoảng 100 ngàn người ở
Paris.
Tại thủ đô Paris, đoàn biểu tình xuất phát lúc 2 giờ sáng từ
quảng trường Cộng hòa để tuần hành đến quảng trường Quốc gia, với sự tham gia
của các đại diện nghiệp đoàn nhiều nước trên thế giới.
Tại
quảng trường Cộng Hòa, nhiều quán ăn được mở ra, bố trí cả ghế ngồi, ngay cạnh
những sạp hàng bán hoa. Xung quanh khu vực quảng trường và đại lộ Voltaire, cờ
và biểu ngữ của các nghiệp đoàn đã được treo lên từ sớm.
Cũng
như các cuộc biểu tình khác, lực lượng an ninh được tăng cường và kiểm tra đột
xuất túi xách của một số người biểu tình, nhưng đây là lần đầu tiên máy bay
không người lái được triển khai để giám sát cuộc tuần hành.
Theo nguồn tin cảnh sát, tham gia cuộc biểu tình còn có khoảng
3 ngàn người Áo Vàng và từ khoảng 2 ngàn phần tử nguy hiểm. Giới chức trách
Pháp đã huy động đến 12 ngàn cảnh sát để bảo đảm an ninh.
Đây là cuộc biểu tình thứ 13 theo lời kêu gọi của giới nghiệp đoàn để đòi Tổng thống Emmanuel Macron rút lại luật cải tổ hưu trí. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra mặc dù Hội đồng Bảo hiến đã thông qua nội dung chủ yếu của luật này và văn bản này đã được tổng thống ký ban hành.
No comments:
Post a Comment