Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua
Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, vào ngày 13 tháng Giêng vừa qua, nhà cầm quyền csvn đã bắt giam một trung úy công an quận 11, Sài Gòn với cáo buộc là tên này đã dùng nhục hình dẫn đến cái chết của một thanh niên, xin anh nói thêm về tin này.
Hướng Dương: Chiều 13 tháng Giêng vừa, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao đã bắt tạm giam trung úy Võ Thành Đạt (Công an quận 11, Sài Gòn) để điều tra về tội “Dùng nhục hình”. Thông tin sự việc được truyền thông nhà nước tường thuật rằng bị can T.Q.Bình đang bị công an quận Bình Thạnh điều tra về tội trộm cắp tài sản. Sau đó, do tình hình dịch bệnh covid-19 nên công an quận Bình Thạnh đã chuyển Bình về nhà tạm giữ của Công an quận 11 để gửi. Trong quá trình bị tạm giam tại Công an quận 11, anh Bình có hành vi “gây rối làm mất trật tự” nên bị trung úy Võ Thành Đạt (Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận 11) dùng nhục hình khiến B không qua khỏi. Tuy nhiên, các bài báo không nói rõ “hành vi gây rối mất trật tự” của Bình cụ thể là gì. Các thông tin về hành vi tra tấn của công an Võ Thành Đạt cũng như ngày, giờ xảy ra vụ việc cũng không được nhắc tới.
Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao đã ra quyết định tạm giam 3 tháng đối với viên cai tù này.
Bảo Trân: Vâng, thưa anh giờ đây đã gần ngày Tết âm lịch, hình như cuộc thanh trừng nội bộ trong các phe phái của đảng CSVN trở nên khốc liệt hơn lúc nào hết. Suốt nhiều tuần qua, Cục đăng kiểm trở thành nạn nhân mới nhất với nhiều quan chúc bị điều tra, bị bắt phải không thưa anh.
Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, Sau khi hàng loạt giám đốc Trung tâm Đăng kiểm thuộc nhiều tỉnh/thành/địa phương bị bắt giữ và khởi tố, hôm 11/1, người đứng đứng đầu cơ quan này, ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam chính thức bị bắt giam về tội “nhận hối lộ”. Thông tin được bộ công an thông báo và báo chí đồng loạt đăng bài. Trước đó một ngày, báo Pháp Luật loan tin ông này bị công an Hồ Chí Minh triệu tập từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau đó bị tạm giam và khởi tố vì liên quan các vụ tham nhũng của ngành Đăng kiểm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30 phút sau bài báo bị rút xuống.
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 83 người được cho là dính líu đến các sai phạm ở những trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc. Trong đó có đến 80 người giữ các chức vụ giám đốc, phó giám đốc, nhân viên trung tâm đăng kiểm, và người môi giới; ba người là cán bộ thuộc Phòng Kiểm định Xe cơ giới thuộc Cục Đăng Kiểm.
Những Trung tâm Đăng kiểm thuộc các tỉnh phía Nam bị điều tra gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Thành Hồ, Đồng Nai, Bình Dương… Phía Bắc gồm những trung tâm thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, …
Cũng trong ngày 11/1, Cục Đăng Kiểm Việt Nam ra thông báo hiện có 30 trung tâm đăng kiểm trên cả nước đang bị điều tra nên ngừng hoạt động. Ngoài ra còn có 3 trung tâm khác thuộc 13 tỉnh/ thành phải ngừng hoạt động vì những “lý do khác”.
Bảo Trân: Không chỉ triệt hạ lẫn nhau, nhà cầm quyền csvn vẫn không ngừng đàn áp bắt bớ những người bất đồng chính kiến, hoạt động xã hội v.v… anh có ghi nhận gì thêm về việc này?
Hướng Dương: Vâng, thưa chị, trong công bố phúc trình toàn cầu năm 2023 vào ngày 12 tháng Giêng vừa qua, tổ chức Giám sát Nhân quyền khẳng định là bạo quyền csVN đã gia tăng đàn áp các tổ chức phi chính phủ vào năm qua.
Phúc trình nêu rõ là trong năm 2022, bạo quyền Hà Nội đã đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động của các tổ chức có giấy phép. Cụ thể, đó là trường hợp nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Bạch Hùng Dương, và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á châu của tổ chức nói trên, kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng phản đối những hành xử vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Đó là tình trạng đàn áp một cách có hệ thống vần tiếp diễn các quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.
Phúc trình nêu ra một nghị định mà bạo quyền VN ban hành vào ngày 31/8, trong đó quy định chung chung là cấm các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam làm các công tác bị cho không phù hợp với lợi ích quốc gia, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa, nhưng không nói rõ ràng về những thuật ngữ nói trên.
Theo thống kê của Giám sát Nhân quyền, bạo quyền Hà Nội đang giam giữ hơn 160 người chỉ vì ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị. Trong năm 2022, tòa án đã kết án tù nặng nề đối với ít nhất 35 người chỉ vì lên tiếng phê phán và cổ xúy cho nhân quyền, dân chủ và môi trường trong sạch tại Việt Nam.
Bảo Trân: Và theo tin tức thì Hoa Kỳ đã chính thức phát động chiến dịch đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó bà Phạm Đoan Trang là người tù nhân chính trị hiện đang bị csvn giam giữ cũng được nêu lên phải không anh?
Hướng Dương: Thưa chị, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa phát động chiến dịch kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong số đó có nhà báo Phạm Đoan Trang.
Chiến dịch #WithoutJustCause# (Không có lý do chính đáng) kêu gọi trả tự do cho 14 tù nhân chính trị được đưa ra vào ngày 11 tháng Giêng vừa qua, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang. Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định 14 người này đi tù chỉ vì thực hiện các quyền con người.
Sau khi bản án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang được đưa ra, phát ngôn nhân Ned Price của bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng bà Trang, người được trao giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022, là một nhà hoạt động nhân quyền được quốc tế ghi nhận. Ông Price nhắc lại là nhóm Công tác Các vụ Bắt giữ Tùy tiện LHQ đả khẳng định vụ bắt giữ này là tùy tiện và đi ngược lại các cam kết về nhân quyền của VN.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc tiếp tục cầm tù bà Đoan Trang là hành động mới nhất của chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Bạo quyền csVN cần phóng thích bà Trang và cho phép mọi người ở Việt Nam được thực hành quyền tự do biểu đạt như được quy định trong hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký.
No comments:
Post a Comment