Tuesday, January 24, 2023

Tin Tức, Thứ Ba 24.01.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt và Thiên An trình bày sau đây.

 1/ TNLT LÊ ANH HÙNG BỊ CHUYỂN SANG TRẠI GIAM BA SAO TỈNH HÀ NAM

Nhà báo độc lập Lê Anh Hùng, người bị kết án 5 năm tù với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong phiên tòa không  luật sư bào chữa vào tháng 8 năm ngoái, đã bị chuyển sang trại giam Ba Sao ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Bà Trần Thị Niêm, mẹ của ông Lê Anh Hùng, cho biết tin ông bị chuyển từ trại tạm giam số 1 ở Hà Nội sang trại giam nói trên vào ngày 20/1. Bà Niêm cho biết thêm là con trai mình vẫn khỏe nhưng gầy đi mặc dù tinh thần rất minh mẫn.

Ông Lê Anh Hùng là blogger của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, với chủ tịch là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Là tác giả của nhiều bài viết về chính trị VN, ông Lê Anh Hùng bị bắt vào đầu tháng 7 năm 2018. Sau hơn 4 năm bị tạm giam và ép buộc chữa trị trong bệnh viện tâm thần trung ương Hà Nội, ông bị đưa ra xét xử vào ngày 30/8 năm ngoái, trong một phiên toà không có luật sư và người thân hiện diện.

Ông Lê Anh Hùng đã kháng cáo bản án này, nhưng gia đình không có tin tức gì về phiên toà phúc thẩm. Bà Niêm cho biết là ông Hùng sắp mãn hạn tù vào ngày 5/7 tới đây.

Nhiều tổ chức quốc tế về tự do báo chí quan tâm đến trường hợp của ông Lê Anh Hùng. Ngay sau khi ông bị kết án, Ủy ban Bảo vệ Ký giả ra thông cáo kêu gọi bạo quyền VN nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, đồng thời chấm dứt việc sách nhiễu các nhà báo với những cáo buộc ngụy tạo chống nhà nước.

Ông nằm trong số 21 nhà báo đang bị giam giữ vì các hoạt động báo chí ở Việt Nam, theo báo cáo gần đây của ủy ban bảo vệ ký giả nói trên.

2/ BẮT QUẢ TANG TÀU TRUNG CỘNG XUA ĐUỔI TÀU CÁ PHI Ở BÃI CỎ MÂY

Bất chấp những cam kết giữa hai nhà lãnh đạo Trung Cộng và Phi vào đầu tháng này, một chiếc tàu hải cảnh Trung Cộng đã bị bắt quả tang đang rượt đuổi tàu cá Phi ra khỏi Bãi Cỏ Mây ở quần đảo Trường Sa.

Truyền thông Phi cho biết nội vụ xảy ra vào ngày 9/1 vừa qua và chỉ mới được báo cáo lại cho giới chức vào ngày 20/1 mới đây. Thuyền trưởng tàu cá Phi cung cấp một đoạn video cho thấy tàu hải cảnh Trung Cộng mang ký hiệu CCG 5204 đã đuổi tàu cá Ken Ken khi tàu này hoạt động gần Bãi Cỏ Mây.

Cuốn phim cho thấy tàu Trung Cộng đã bám sát tàu cá Phi ở khoảng cách khoảng 800 thước và ra ký hiệu yêu cầu tàu cá phải đi khỏi khu vực này. Sau khi nhận được báo cáo, tuần duyên Phi đã phái các tàu tuần tra đến khu vực để điều tra, và sẽ nộp báo cáo lên bộ ngoại giao để chính thức đưa phản đối đến tòa đại sứ Trung Cộng.

Trước đó, vào ngày 4/1, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ferdinand Marcos và Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, hai bên đã ra thông báo về việc Trung Cộng đồng ý tìm giải pháp cho phép ngư dân Phi tiếp cận các ngư trường truyền thống của mình.

Cần biết là Bãi Cỏ Mây hiện đang bị tranh chấp chủ quyền giữa Philippines, Trung Cộng, Đài Loan và Việt Nam. Philippines là quốc gia đang kiểm soát bãi này.

3/ ÚC TĂNG TỐC MUA THỦY LÔI ĐỂ GIA TĂNG PHÒNG THỦ TRÊN BIỂN

Chính quyền Úc vào hôm qua 23/1 cho biết sẽ đẩy nhanh kế hoạch mua các loại thủy lôi tối tân nhằm bảo vệ các tuyến hàng hải và hải cảng của mình.

Quyết định tăng cường phòng thủ trên biển được đưa ra trong bối cảnh Trung Cộng có kế hoạch gia tăng ảnh hưởng ở khu vực nam Thái Bình Dương. Theo lời một phát ngôn nhân, bộ quốc phòng Úc đang đẩy nhanh tiến trình mua các loại thủy lôi thông minh để góp phần bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải của mình. Việc bố trí các bãi thủy lôi hiện đại để phòng thủ sẽ là một răn đe đáng kể đối với những ai muốn uy hiếp nước Úc.

Mặc dù bộ quốc phòng Úc không nêu rõ chi tiết nhưng kế hoạch này dự trù lên đến 700 triệu Mỹ kim để mua số thủy lôi thông minh nói trên từ một công ty sản xuất vũ khí ở Âu châu.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Anthony Albanese xác định là nước Úc cần phải có được những vũ khí tự vệ thuộc loại tốt nhất, và chính quyền đang quan tâm đến các vấn đề từ phòng thủ phi đạn, an ninh trên mạng, cho đến tất cả những vấn đề khác.

Cần biết là Trung Cộng hiện có kế hoạch tăng cường sự hiện diện ở vùng Thái Bình Dương và đã ký kết một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon vào năm ngoái. Các hành động này đã gây lo ngại ở Mỹ và Úc, những nước trong nhiều thập niên qua đã coi khu vực này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Trong những năm gần đây, Úc đã tìm cách gia tăng ngân sách quốc phòng, trong đó có việc ký kết một thỏa thuận vào năm 2021 để mua tàu ngầm nguyên tử từ Hoa Kỳ và Anh Quốc.

4/ NƯỚC ANH ÁP ĐẶT LỆNH TRỪNG PHẠT MỚI ĐỐI VỚI IRAN

Chính phủ Anh vừa áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với nhiều cá nhân và tổ chức của Iran vào hôm qua vì nước Hồi giáo này đã “đàn áp dã man” người dân của họ qua vụ hành quyết ông Alizera Akbari, một công dân mang song tịch Anh – Iran.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản đối với phó công tố viên Iran Ahmad Fazelian, người mà bộ ngoại giao Anh cho là phải chịu trách nhiệm về một hệ thống tư pháp chuyên xử dụng án tử hình cho các mục đích chính trị.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly tuyên bố là những người bị trừng phạt hôm nay, từ các nhân vật tư pháp xử dụng án tử hình vì mục đích chính trị, cho đến những kẻ côn đồ đánh đập người biểu tình trên đường phố, là trung tâm của sự đàn áp tàn bạo của chế độ đối với người dân Iran.

Liên minh Âu châu cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran vào hôm qua vì bạo quyền nước này đã “xử dụng vũ lực tàn bạo và không phù hợp” đối với làn sóng biểu tình nổ ra vào tháng 9 sau cái chết của cô Mahsa Amini trong tay cảnh sát đạo đức.

Những người khác đã bị Anh trừng phạt bao gồm Kiyumars Heidari, tổng tư lệnh lục quân Iran; cùng với Hossein Nejat, phó tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Con số quan chức Iran bị trừng phạt lên đến hơn 50 người sau cái chết của cô Amini.

No comments:

Post a Comment