Một mặt dùng bạo quyền bóp méo lịch sử. Sau đó kể lể công lao dỏm trong quá khứ hầu vòi vĩnh quyền lợi trong hiện tại. Mặt khác, hứa hẹn một thiên đường xã hội chủ nghĩa không tưởng trong một tương lai xa vời, hầu biện minh cho độc tài độc đảng của hiện tại. Kết quả, dân tộc phải kinh qua một thảng trạng kinh tế tụt hậu so với các quốc gia trong vùng Đông Á, nhân quyền căn bản của công dân bị một nhà nước thất bại nhưng sâu mọt, chuyên quyền, chà đạp thẳng tay. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình hôm nay, Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Đỗ Ngà với tựa đề: “NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA MỘT QUỐC GIA THẤT BẠI” sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Đỗ Ngà
Tôi là người Công Giáo nhưng lại rất thích triết lý nhà Phật. Trong thực hành chính niệm, Phật dạy rằng “không truy tìm quá khứ, không vọng tưởng vào tương lai mà hãy an trú trong hiện tại”. Quan điểm này có ý nghĩa rất sâu, đặc biệt với những ai đang thực hành nó. Thay vì bắt tâm trí phải bám chấp vào những thứ không thay đổi được thì hãy vứt bỏ nó để ta nhẹ đi một gánh, thay vì bắt tâm trí phải bám vào tương lai không gì chắc chắn thì hãy bớt để tâm tới nó thì ta bớt đi gánh nặng nữa. Khi bớt đi hai thứ gánh nặng đấy thì ta dồn năng lượng cho hiện tại và sống thật tốt ở hiện tại với tâm trí sáng suốt nhất.
Khi trong người có năng lượng mạnh cộng với trí tuệ thì con người mới có thể sáng suốt quan sát nhận diện đâu là thứ vô giá trị và đâu là thứ có giá trị. Khi nhận diện được, ta tiến hành gỡ bỏ tiếp cái vô giá trị và chỉ dồn năng lượng cho những gì có giá trị. Đấy là cách chúng ta làm điều có giá trị với năng lượng sung mãn nhất. Nhiều khoảnh khắc hiện tại liên tiếp chắp nối sẽ cho ta được quá trình và quá trình đấy tự nhiên sẽ đưa chúng ta đến thành công. Rất hay!
Là con người không ai có thể làm hoàn hảo được, cho nên khó ai làm được như lời Phật dạy. Chỉ cần làm sao tiệm cận với chánh niệm đã là thành công. Đó là sự thành công bền vững. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp mà tiệm cận với chánh niệm thì ắt doanh nghiệp bền vững, nếu lãnh đạo quốc gia mà tiệm cận với chánh niệm thì ắt quốc gia sẽ thịnh vượng.
Triết lý Phật Giáo là triết lý Phương Đông, tuy nhiên, theo tôi thấy, dường như các lãnh đạo các quốc gia Phương Tây gần với chánh niệm hơn các quốc gia Phương Đông. Ở các nước giàu, họ thường đưa ra những mục tiêu rất thiết thực, rất hữu ích và khả thi. Trước khi thực hiện chính sách, họ nhận diện sai đúng rất tốt nhờ đó quốc gia hạn chế được sự hao tổn nguồn lực một cách vô ích. Cứ thực hiện những chính sách nhỏ cho thật tốt và hoàn thành mục tiêu ngắn hạn thật đạt thì chiến lược lớn sẽ hoàn thành một cách tự nhiên, nhờ đó mà quốc gia cứ thịnh vượng và phát triển.
Ngược lại, tại Việt Nam, các lãnh đạo Cộng Sản hầu như chỉ bám chấp vào quá khứ và vọng tưởng vào tương lai xa. Đến nay, Đảng Cộng Sản vẫn cố đu bám vào những hào hùng quá khứ để diễu võ giương oai với dân. Mỗi khi tới ngày lễ 2/9, 30/4 vv... họ tổ chức khoe chiến tích rất rầm rộ khoét sâu vào sự chia rẽ dân tộc. Việc làm này được người dân gọi là “ăn mày quá khứ”.
Còn tương lai thì sao? Họ đặt ra các mục tiêu cực kì to lớn. Đầu năm 2023, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết về giấc mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Thế giới. Sáng ngày 6 Tháng Giêng, trong buổi họp tại thành Hồ, ông Nguyễn Xuân Phúc lại chém gió rằng ““Thành phố này cần phát triển chip, robot, chất bán dẫn...”. Những tham vọng tương tự như thế này người dân Việt Nam đã nghe rất nhiều từ bao thập kỷ qua. Mà có hoàn thành được đâu?
Vậy thì hiện tại của Việt Nam là gì? Đó là vụ án Việt Á, đó là vụ Chuyến bay giải cứu, đó là hệ thống đăng kiểm, đó là, đó là vv... Như vậy cái hiện tại của Việt Nam ra sao? Chẳng ra sao cả, toàn là những thứ đáng nguyền rủa.
Một đảng chính trị, một Nhà nước thì nó cũng chẳng khác gì cơ thể sống. Cũng có tâm lý, cũng có trí tuệ cũng có năng lượng bên trong vvv... nó tương đồng rất lớn với một con người. Mà với con người, một khi đã cố bám chấp vào quá khứ, cố vọng tưởng vào tương lai thì hiện tại chẳng ra sao cả. Vì hiện tại thiếu cả năng lượng và trí tuệ để thực hiện. Và đó là con người thất bại, và đương nhiên, Nhà nước nào như thế thì nhà nước đó chỉ mang đến thất bại cho đất nước.
No comments:
Post a Comment