Lỗi lầm của người lớn đã là nguyên nhân gây nên cái chết của bao đứa trẻ trên đất nước Việt Nam hôm nay.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Có hàng ngàn bé Hạo Nam trên xứ sở chúng ta” của Lê Đức Dục sẽ được Ngọc Sương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Lê Đức Dục.
Mấy hôm nay trên FB mình không dám nhắc một dòng nào về Hạo Nam, dù khoảng15-20 phút mình lại vào các trang báo điện tử để cập nhật tình hình giải cứu.
Khi bạn đã có con, có cháu, bạn sẽ thấy những đứa trẻ thực sự là những thiên thần.
Và vì thế hình ảnh đứa bé 10 tuổi rơi lọt vào ống cống có đường kính 25cm nghĩa là đứa bé đó suy dinh dưỡng lắm rồi, nhà cơ cực lắm rồi, và 35 mét sâu nghĩa là em kẹt cứng trong đó.
Thiện lương trong mỗi người đều nguyện cầu phép màu cho em, nhưng thiện lương không thay đổi được thực tế. Không có phép màu nào cả.
Giờ hy vọng cuối cùng của ba mẹ em là đưa thi thể em lên từ lòng sâu 35 mét ấy để cho em một nấm mồ!
Cái chết của Hạo Nam làm cộng đồng thắt nghẹn lồng ngực, làm cả triệu người run rẩy buồng tim vì tất cả:
– Cái chết tức tưởi,
– Gia cảnh khó nghèo,
– Công trường tắc trách…
Nhưng đứa trẻ nào ra đi mà chẳng đớn đau?
Hôm 3 tháng 1, trong khi cộng đồng hướng về cuộc giải cứu bé Hạo Nam thì cũng có một đứa trẻ 4 tuổi, cũng sống ở miền Tây, cũng chết tức tưởi như thế nhưng ít ai để ý: Khi người mẹ chở đứa con trai 4 tuổi qua cây cầu ở xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm – Bến Tre), xe gắn máy va quẹt với xe vận tải làm bé Q.H ngồi sau xe lọt qua lan can cầu rơi xuống sông, tài xế xe tải nhảy theo cứu bé nhưng rồi cả tài xế và em bé 4 tuổi đều bị nước cuốn, không ai còn sống.
Cùng với bản tin là hình ảnh lan can cây cầu quá đơn sơ, nếu cây cầu được xây tử tế, chắc chắn bé trai 4 tuổi kia đã không lọt xuống sông, và em sẽ sống.
Hạo Nam cũng thế, em sẽ sống với rất nhiều chữ nếu: Nếu gia cảnh không quá nghèo khó; nếu công trường không tắc trách; nếu cứu cấp thật chuyên nghiệp…
Nhưng đâu chỉ có bé Hạo Nam hay Q.H, mỗi năm đất nước chúng ta có hàng ngàn đứa trẻ lẽ ra sẽ không chết nếu chúng ta không quá tắc trách và chăm sóc các em chu đáo hơn.
Mấy tháng trước, đọc bản tin trên báo Tuổi Trẻ tôi thực sự sốc khi biết mỗi năm cả nước có gần 2 ngàn trẻ chết đuối! Con số đó trước đây là 3 ngàn 300 trẻ một năm!
Và chỉ trong một tháng hè năm 2022 vừa qua, cả nước có 140 em chết đuối.
Hai ngàn đứa trẻ chết đuối mỗi năm đó đều là những Hạo Nam, bởi những đứa trẻ đều giống nhau, nó không như người lớn, khi chết đi được phân biệt bởi chức tước, bởi huân huy chương để có nghi thức to hay nhỏ. Tất cả chúng đều là những thiên thần.
Và với Hạo Nam chúng ta sẽ xúc động theo em bao nhiêu lâu thì nguôi quên để lao theo những dòng cảm xúc khác?
Chúng ta rồi sẽ quên Hạo Nam như từng quên bao nhiêu sinh mạng trẻ em khác đã ra đi vì sự tắc trách của người lớn.
Chúng ta có lỗi với Hạo Nam nhưng chúng ta đã làm gì để cuộc đời bớt đi những đứa trẻ khốn khó, còn gì đau hơn khi trẻ con phải chết tức tưởi vì mưu sinh?
Người lớn đã làm gì?
Hay chúng ta tiếp tục xây những tượng đài trăm ngàn tỷ đồng, hàng ngàn cổng chào nhấp nháy điện xanh đỏ tím vàng nguy nga mà quên đi việc xây những bể bơi để con số 2 ngàn trẻ chết đuối mỗi năm sẽ thấp xuống.
Hạo Nam, cái chết của em đã làm cả xã hội thấy đau đớn và có lỗi.
Sự chạy đua của cộng đồng nhằm cứu em khiến chúng ta hiểu sinh mạng con người là quý giá.
Nhưng rồi những đứa trẻ vẫn cứ chết tức tưởi, và mỗi năm vẫn có hàng ngàn Hạo Nam như thế trên xứ sở chúng ta!
No comments:
Post a Comment