Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ CẢNH SÁT ANH ĐỘT KÍCH VÀO TRẠI CẦN SA VIỆT Ở LONDON
Lực lượng phòng chống tội phạm của Anh vừa
đột kích vào các trại trồng cần sa ở London và phát giác 3 người Việt có thể là
nạn nhân của đường dây buôn người, còn gọi là nô lệ thời hiện đại.
Các vụ đột kích nói trên là một phần của cuộc điều tra về
một nhóm tội phạm bị nghi ngờ xử dụng nạn nhân buôn người để vận hành các trang
trại cần sa. Ba người đàn ông đã bị bắt vào sáng 25/1 vì tình nghi là phạm tội
buôn người và sản xuất cần sa.
Các vụ đột kích diễn ra sau một chiến dịch vào tháng 4/2022
khi lực lượng này phát giác ra một trang trại cần sa khổng lồ bên ngoài một nhà
máy ở Stroud thuộc Gloucestershire.
Cảnh sát tìm thấy 3 người Việt đang bị cưỡng bức làm việc
tại cơ sở trên, với khoảng 500 cây cần sa bị tiêu hủy, có giá trị hơn 400 ngàn
bảng Anh. Một giới chức điều tra cấp cao của lực lượng cho biết là 3 người đã
được bảo vệ an toàn, nhưng có khả năng còn nhiều nạn nhân khác mà “chúng tôi
chưa biết”.
Một báo cáo mới đây cho biết số lượng nô lệ thời hiện đại ở
Anh vào năm 2022 đã tăng gấp 11 lần so với năm 2015. Tính trung bình, các báo
cáo về nô lệ hiện đại đã tăng khoảng 56% mỗi năm kể từ năm 2015. Những người
này thường bị bóc lột và cưỡng bức làm những việc bất hợp pháp, hoặc bị lấy đi
nội tạng.
Ước tính trên toàn cầu vào năm ngoái có gần 50 triệu người đang là nô lệ hiện đại. Con số này đã tăng thêm hơn 9 triệu người kể từ năm 2017.
2/ SỐ CA NHIỄM DỊCH
VŨ HÁN TẠI VN TĂNG GẤP ĐÔI TRONG MỒNG 5 TẾT
Vào hôm qua, mồng 5 Tết, VN ghi nhận 17 ca nhiễm Vũ Hán
mới, tăng gấp đôi so với một ngày trước đó, theo số liệu của bộ y tế.
Số ca nhiễm hiện được điều trị là ba ca, giảm một
ca so với một ngày trước. Tính tổng cộng trong 3 năm dịch Vũ Hán, VN ghi nhận
hơn 11 triệu rưởi ca nhiễm và số ca tử vong là hơn 43 ngàn người.
Trong suốt bảy ngày qua, Việt Nam không ghi nhận
bất cứ ca tử vong nào do dịch Vũ Hán.
Việt Nam cũng thúc đẩy việc tiêm vắc-xin ngừa dịch từ năm 2021. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 223 triệu liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là hơn 23 triệu liều. Trẻ từ 5 đến 11 tuổi có tổng số liều tiêm là hơn 18 triệu liều.
3/ TRUNG CỘNG ĐẶT TRẠM PHI ĐẠN CỐ ĐỊNH Ở QUẦN
ĐẢO HOÀNG SA
Các bức không ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một cơ sở phòng không của
Trung Cộng được đặt tại quần đảo Hoàng Sa, cho thấy quân đội nước này đã cài
đặt phi đạn phòng không ở mức cố định tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cần biết quần đảo Hoàng Sa là do Trung Cộng tấn
chiếm vào đầu năm 1974 từ tay VNCH. Trong
khi đó Trường Sa là quần đảo đang tranh chấp giữa Trung Cộng với các nước gồm
Việt Nam, Philippines, Mã Lai, Brunei và Đài Loan suốt bao năm qua.
Vào tuần này các không ảnh vệ tinh cho thấy là một
giàn phi đạn đã hoàn thành trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các không
ảnh mà công ty Maxar Technologies chụp được vào tháng 4 năm ngoái cho thấy có 4
tòa nhà với mái có thể tháo rời trên đảo này. Một trong số đó cho thấy các giàn
phi đạn đối không ở bên trong.
ImageSat International, một công ty về thông tin
tình báo không gian, đã lần đầu tiên phát giác sự xuất hiện của các giàn phóng
tên lửa HQ-9 SAM trên đảo Phú Lâm vào năm 2016.
Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy quân đội Trung Cộng
đã hoàn tất việc xây dựng một cơ sở phòng không, giống như những cơ sở đã được
nước này xây dựng trên các đảo nhân tạo. Các cấu trúc tương tự với mái được
tháo rời cũng được phát giác ở đảo Đá Subi, Vành Khăn, Chữ Thập thuộc quần đảo
Trường Sa.
Các cơ sở cố định này có thể được dùng để bắn các phi đạn tầm xa giúp Trung Cộng mở rộng tầm tay tới các vùng đang tranh chấp.
4/ NHẬT BẢN
TRUY LÙNG KẺ GỬI FAX ĐE DỌA ĐÁNH BOM CÁC TRƯỜNG HỌC
Cảnh sát Nhật đang mở cuộc truy lùng kẻ đã gửi tin
nhắn đe dọa đánh bom tới hàng trăm trường học khiến các ngôi trường này phải
vội vã đóng cửa.
Lời đe dọa được gửi đến các trường trung
học và đại học vào đầu tuần này từ một số fax ở thủ đô Tokyo. Theo cảnh sát,
cho đến nay không có chất nổ nào được tìm thấy trong các tòa nhà và không có
báo cáo nào về các vụ tấn công học sinh và nhân viên.
Cần biết là việc đe dọa đánh bom là điều
rất hiếm xảy ra ở Nhật, nơi được biết đến là có tỷ lệ tội phạm thấp.
Làn sóng tin nhắn đầu tiên bắt đầu vào
hôm thứ Hai 23/1, được gửi đến các trường học và đại học trên cả nước. Tại tỉnh
Saitama, hơn 170 trường học đã nhận được những lời đe dọa đánh bom. Một tin
nhắn tuyên bố có hơn 330 trái bom đã được đặt, trong khi một tin nhắn khác viết
"Tôi đã đặt một quả bom lớn".
Các tin nhắn yêu cầu nộp tiền chuộc từ
300 ngàn yen đến 3 triệu yen. Vào hôm thứ Ba, các tin nhắn đe dọa giết học sinh
và giáo viên bằng vũ khí tự chế đã được gửi từ số fax nói trên đến các trường
trung học ở nhiều tỉnh khác nhau, bao gồm Osaka, Saitama và Ibaraki gần Tokyo.
Những lời đe dọa đã khiến nhiều trường học ở Nhật Bản phải đóng cửa để đề phòng, mặc dù hầu hết đã mở cửa trở lại vào thứ Năm 26/1.
5/ NGA GIẢI THỂ TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN HELSINKI MOSCOW
Nhóm Helsinki Moscow, tổ chức bảo vệ nhân
quyền lâu đời nhất tại Nga, vừa bị giải thể vào hôm qua, theo phán quyết của
một tòa án ở Moscow. Trên mạng xã hội, tòa án cho biết thêm là nhóm này cũng bị
rút giấy phép đăng bạ.
Cần biết là vào cuối tháng 12 năm ngoái, sở tư pháp Moscow
đã đệ trình yêu cầu giải thế nhóm Helsinki và cấm mọi họat động trên toàn
lãnh thổ Nga, với lý do là tổ chức nhân quyền này bị cáo buộc đã có những hoạt
động bên ngoài vùng Moscow mà họ được phép hoạt động, nhất là cử quan sát viên
đến các phiên tòa, hoặc cử các thành viên đến dự những sự kiện tại một số vùng
khác.
Ngay sau phán quyết của tòa, các luật sư của Nhóm Helsinki
Moscow thông báo sẽ kháng cáo. Ông Valery Borshchev, chủ tịch của tổ
chức này, bày tỏ thái độ phẫn nộ đối với mọi cáo buộc và tố ngược đây là điều
giả tạo mà họ có thể bịa ra. Ông cho biết là trước đây họ giải thể tố chức
Memorial và bây giờ tấn công vào nhóm nhân quyền này.
Ông Josep Borrel, người cầm đầu khối Liên hiệp Âu châu, cũng phản ứng về một cuộc tấn công mới nhắm vào giới bảo vệ nhân quyền tại Nga. Trong thông điệp trên mạng, ông Borrell chỉ trích chính phủ Nga đang mở rộng cuộc xâm lược tại Ukraine thành cuộc trấn áp chính trị trong nước nhằm bịt miệng những người chống đối chế độ độc tài và phản đối chiến tranh.
No comments:
Post a Comment