Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1) CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN XUÂN PHÚC BỊ PHẾ TRUẤT
Đúng như tin đồn loan đi từ vài hôm trước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã được Ban chấp hành trung ương Đảng quyết định cho thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước tại hội nghị bất thường chiều 17.1. Tin trên được các báo đồng loạt đăng tải với diễn ngôn rằng ông Phúc có “nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu”, thực chất là một thất bại của ông này trong cuộc chiến quyền lực với phe phái của Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm và Phạm Minh Chính.
Thông cáo của Văn phòng trung ương đảng có đoạn đánh giá về ông Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 “đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng”. Tuy nhiên, cũng nói ông Phúc phải chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự.
Sau khi vụ Việt Á bị phanh phui, công luận đã nhắc nhiều đến vai trò của bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc như là người giữ vai trò trùm sỏ trong đường dây tham nhũng này.
Không rõ sau khi bị tước các chức vụ, ông Phúc có bị đồng chí trong đảng đuổi cùng giết tận như tống giam hoặc chung số phận với người đồng cấp Trần Đại Quang hay được hạ cánh an toàn như cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Ông Phúc được bầu làm chủ tịch nước ngay sau Đại hội 13 của ĐCS ngày 5.4.2021 sau khi được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Ông này trở thành Thủ tướng đầu tiên được bầu làm Chủ tịch nước kể từ năm 1945.
2) BÀ ĐẶNG THỊ HUỆ RA TÙ
Bà Đặng Thị Huệ, tức facebooker Huệ Như vừa mãn án tù hôm 16/1/2023 sau 39 tháng bị giam cầm. Bà Đặng Thị Huệ sinh năm 1981, quê tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, bị bắt ngày 16/10/2019 với cáo buộc hai tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”. Gia đình bà Huệ cũng như giới hoạt động nhân quyền đều khẳng định hai tội danh trên là bịa đặt và bà bị kêu án chỉ vì phản đối các trạm thu phí bất hợp lý mà người dân vẫn gọi là “BOT bẩn”.
Đặng Thị Huệ là nhân viên hành chính một trường tiểu học ở Thái Bình, và là mẹ đơn thân có hai con nhỏ. Cùng với ông Hà Văn Nam, bà Huệ Như được coi là hai trong những người tiên phong, “truyền cảm hứng” cho phong trào đấu tranh chống BOT “bẩn”. Xin nhắc lại, trước đó công an Hà Nội đã bắt ông Hà Văn Nam và tòa tuyên án ông 30 tháng tù giam với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" hồi tháng 6/2019.
3/ DÂN SỐ TRUNG QUỐC SỤT GIẢM LẦN ĐẦU TIÊN SAU 60 NĂM
Dân số Trung Quốc vào năm ngoái đã sụt giảm lần đầu tiên sau 60 năm qua, được cho là bước khởi đầu của những hệ lụy sâu sắc đối với nền kinh tế Hoa Lục và thế giới.
Theo số liệu của cục Thống kê Trung Cộng cho thấy mức giảm khoảng 850 ngàn người trong tổng dân số 1.4 tỷ người vào năm 2022, đánh dấu mức sụt giảm đầu tiên kể từ năm 1961, năm cuối cùng của đại nạn đói ở Hoa Lục.
Điều này khiến cho Ấn Độ trở thành quốc gia có đông dân nhất thế giới. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái dự đoán Ấn Độ sẽ có dân số hơn 1.4 tỷ người. Tuy nhiên Ấn Độ chỉ thu thập số liệu dân số 10 năm một lần và cuộc điều tra dân số mới nhất của nước này đã bị trì hoãn do đại dịch Vũ Hán.
Về lâu dài, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc dự báo dân số Trung Quốc sẽ giảm 109 triệu người vào năm 2050, nhiều hơn gấp ba lần mức giảm so với dự báo trước đó vào năm 2019.
Cần biết tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc vào năm ngoái chỉ là 6.77 trên một ngàn người, giảm so với tỷ lệ 7.52 ca sinh vào năm 2021 và là tỷ lệ sinh sản thấp nhất được ghi nhận. Phần lớn suy thoái dân số là kết quả của chính sách một con mà Trung Cộng áp đặt từ năm 1980 đến năm 2015, cũng như chi phí giáo dục cao ngất ngưỡng khiến nhiều người Trung Quốc không thể có nhiều hơn một con.
Chính sách một con và truyền thống ưa thích con trai cũng đã tạo ra sự mất cân bằng giới tính sâu sắc. Dữ liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc có khoảng 722 triệu nam giới so với 690 triệu nữ giới.
4/ NGA SẮP TẤN CÔNG TOÀN DIỆN, UKRAINE KÊU GỌI CẤP THÊM VŨ KHÍ
Ukraine đã kêu gọi phương Tây viện trợ vũ khí nhanh hơn trong lúc quân Nga đang liên tục tấn công ở nhiều mặt trận nhằm kết thúc cuộc xung đột giữa hai nước.
Ông Oleskiy Danylov, thành viên của Hội đồng An ninh Ukraine, vào đầu tuần này hối thúc các đồng minh phương Tây hãy tăng tốc viện trợ vũ khí vì theo dự đoán của Kiev, Nga có thể đang chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng để chấm dứt xung đột.
Ông Danylov nhận định với đài truyền hình Ukraine rằng, đợt tấn công cuối cùng này có thể diễn ra đúng vào ngày Nga khởi động chiến dịch xâm lăng vào tháng 2 hoặc trong tháng 3.
Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine vào hôm thứ Hai 16/1 cho biết Nga đã pháo kích khoảng 25 thị trấn và làng mạc xung quanh Bakhmut và Avdiika, hai thành phố chiến lược ở Donetsk nhằm kiểm soát hoàn toàn Donbass ở miền Đông Ukraine. Số người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng phi đạn của Nga vào thành phố Dnipro vào hôm 15/1 đã tăng lên 40 người.
Ngoài ra, Nga tiếp tục tập kích hơn 30 khu định cư ở các khu vực đông bắc Kharkov và Sumy gần biên giới Nga. Ở phía nam, hỏa lực súng cối và pháo binh của Nga nhắm vào một số thị trấn, bao gồm cả thành phố Kherson, nơi lực lượng Nga rút quân hồi tháng 11 năm ngoái.
Cần biết là các nước phương Tây liên tục cung cấp vũ khí cho Ukraine kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này vào ngày 24/2 năm ngoái. Tuy nhiên chính phủ Kiev cho biết vào lúc này họ rất cần xe tăng và các hệ thống phòng không hiện đại.
Anh xác nhận hôm 16/1 sẽ gửi 14 xe tăng Challenger 2 và các thiết bị khác, bao gồm hàng trăm xe bọc thép và tên lửa phòng không tiên tiến, cho Ukraine. Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự trù sẽ gặp gỡ các đồng minh tại một căn cứ không quân ở Đức vào ngày 20/1 để thảo luận về việc tăng cường viện trợ cho Ukraine.
4/ ĐÀI LOAN CHO PHÉP NỮ QUÂN NHÂN THAM GIA HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ
Bộ quốc phòng Đài Loan vào hôm qua tuyên bố sẽ cho phép quân nhân tự nguyện ghi danh tham gia các cuộc huấn luyện mới và nữ quân nhân cũng có thể tham dự.
Chương trình tự nguyện nói trên, sẽ được triển khai trong quý 2 năm nay (từ tháng 4 đến tháng 6), sẽ đánh dấu lần đầu tiên lực lượng Đài Loan đưa các nữ quân nhân đã giải ngũ vào chương trình huấn luyện dự bị.
Thiếu tướng Du Văn Trấn, người cầm đầu một đơn vị thuộc Cơ quan Huy động Phòng thủ Toàn diện Đài Loan, nói trong một cuộc họp báo là chương trình huấn luyện tình nguyện sắp tới sẽ dành cho khoảng 500 nam quân nhân dự bị và khoảng 200 nữ quân nhân dự bị.
Cần biết là Đài Loan đang thực hiện một chương trình huấn luyện quân nhân dự bị từ năm ngoái. Theo đó, một số lượng quân nhân dự bị tương đối nhỏ trải qua 2 tuần huấn luyện trong 8 năm, trong khi phần lớn trải qua 4 cuộc huấn luyện từ 5 đến 7 ngày trong 8 năm.
Trong khi nam giới ở Đài Loan phải tham gia nghĩa vụ bắt buộc và huấn luyện dự bị, phụ nữ có thể tự nguyện tham gia lực lượng vũ trang. Tính đến năm 2021, có gần 9 ngàn phụ nữ được liệt vào danh sách quân nhân dự bị ở Đài Loan. Trong số 180 ngàn quân nhân tại ngũ của Đài Loan có 15% là phụ nữ.
6/ ẤN ĐỘ MUA DẦU KHÍ CỦA NGA NHIỀU GẤP 33 LẦN SO VỚI NĂM TRƯỚC
Ấn Độ, quốc gia nhập cảng dầu mỏ lớn thứ 3 trên thế giới, đã mua trung bình hơn 1 triệu thùng mỗi ngày từ Nga, cao gấp 33 lần so với một năm trước đó.
Nga hiện là nguồn cung cấp dầu khí lớn nhất cho Ấn Độ, sau khi qua mặt các nhà cung cấp truyền thống khác cho New Delhi là Iraq và Saudi Arabia. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã nhập dầu thô giá rẻ của Nga kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái.
Mức thu mua dầu Nga từ Ấn Độ tăng mạnh trong tháng 12 năm ngoái có thể là do kết quả của việc giảm giá sâu. Bà Serena Huang, nhà phân tích hàng đầu về châu Á tại Vortexa, cho biết: “Nga cung cấp dầu thô với mức chiết khấu hấp dẫn cho các nhà máy lọc dầu Ấn Độ. Ấn Độ đã vượt qua Trung Cộng, trở thành quốc gia nhập cảng dầu thô lớn nhất của Nga”.
Hơn 85% nhu cầu xử dụng dầu thô của Ấn Độ đều thông qua nhập cảng. Điều này khiến Ấn Độ rất dễ bị biến động giá. Các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước ở Ấn Độ, bị chính phủ ngăn chận việc tăng giá xăng dầu kể từ tháng 5 năm ngoái, qua việc khuyến khích nhập cảng từ Nga.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng tăng nhập cảng dầu từ Iraq và Saudi Arabia trong tháng 12. Theo đó, lượng dầu mua từ Iraq tăng thêm 7%, lên khoảng 886 ngàn thùng mỗi ngày và lượng mua từ Saudi Arabia tăng 12%, lên khoảng 748 ngàn thùng.
No comments:
Post a Comment