Wednesday, January 4, 2023

Tin Tức, Thứ Tư 04.01.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.

 1/ ÍT HY VỌNG TRONG VỤ GIẢI CỨU ĐỨA BÉ RƠI XUỐNG CỌC BÊ TÔNG

Đã hơn 4 ngày trôi qua nhưng công tác cứu hộ bé trai 10 tuổi rơi xuống cọc bê tông dài 35 thước ở công trường xây dựng Đồng Tháp vẫn đang trong tình trạng vô vọng. Bé Thái Lý Hạo Nam bị kẹt trong ống trụ có đường kính 25 cm, sâu 35 thước kể từ ngày 31/12 năm ngoái, đến nay các đơn vị cứu hộ với hàng trăm nhân viên vẫn chưa tìm được biện pháp nào.

Theo báo chí lề đảng, biến cố này diễn ra sau khi cậu bé Hạo Nam, 10 tuổi cùng với 3 đứa bạn tìm nhặt phế liệu trong khu vực thi công của cầu Rọc Sen tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đống Tháp. Khoảng 350 người đã nỗ lực xử dụng nhiều giải pháp khác nhau để cứu đứa bé này nhưng gặp nhiều khó khăn do địa lý khắc nghiệt của vùng này, kể cả việc bơm dưỡng khí và nước uống xuống cho cậu bé.

Khi nghe tin con trai gặp nạn, ông Thái Văn Tài, cha của đứa bé, đã chạy đến nơi thì nghe tiếng kêu cứu của con, nhưng một lúc sau thì không nghe gì nữa. Đến chiều ngày 3/1 nhưng vẫn chưa cứu được cậu bé sau mọi nỗ lực trong 75 tiếng đồng hồ qua.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra để biện minh cho việc cứu hộ bất thành, trong đó có lý do vì ống trụ quá chật hẹp, và ở độ sâu quá lớn nên ít hy vọng là cậu bé sẽ được sống sót sau 4 ngày rơi xuống và chịu đựng đa chấn thương.

Mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận, chỉ trích công tác cứu hộ kém cỏi và quy trách nhiệm ban đầu cho nhà đầu tư cũng như đơn vị thi công đã tắc trách, để xảy ra vụ tai nạn thương tâm trên.

2/  VIỆT NAM BỊ BUỘC PHẢI IN NƠI SINH VÀO SỔ THÔNG HÀNH MỚI

Kể từ ngày 1 tháng Giêng năm nay, bộ công an phải phát hành sổ thông hành mới có ghi nơi sinh của công dân, sau các rắc rối với nhiều nước.

Việc in ấn mới về nơi sinh diễn ra sau khi hàng loạt các quốc gia, trong đó có Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Hoa Kỳ, từ chối tiếp nhận đơn xin thị thực nhập cảnh xử dụng ở sổ mới màu tím của công dân Việt Nam, trong đó không có ghi nơi sinh.

Khác với sổ màu xanh lá cây trước đó, sổ mới của Việt Nam, có hiệu lực từ đầu tháng 7/2022, không có mục “Nơi sinh” vì bộ công an nói thông tin này “không bắt buộc phải có”, căn cứ theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Vụ rắc rối này khiến Bộ trưởng công an Tô Lâm vào tháng 8 năm ngoái phải “nhận trách nhiệm” trước quốc hội. Sau đó bộ này đã ra lệnh phải in mục này vào sổ thông hành mới.

Ngoài việc bổ sung thêm nơi sinh, sổ thông hành mới của Việt Nam còn tách riêng “họ” và “chữ đệm và tên” trên 2 dòng riêng biệt, so với trước đây chỉ có một dòng duy nhất là “Họ và tên”. Việc này được bộ công an cho là giúp các cơ quan nước ngoài phân định được “họ” và “tên”, hoặc tránh nhầm lẫn trong việc giao dịch cũng như cấp giấy tờ cho công dân Việt Nam.

Tuy nhiên theo phản ứng của dư luận, dòng chữ giữa tiếng Việt và tiếng Anh về mục này vẫn chưa rõ ràng. Việc “chữ đệm và tên” trong sổ thông hành mới được bộ công an dịch sang tiếng Anh là “Given names” vẫn không thể giúp người nước ngoài phân biệt đâu là “chữ đệm” và đâu là “tên”. Do đó người nước ngoài có khả năng sẽ tiếp tục dùng “chữ đệm” để chỉ tên gọi người Việt trong các giấy tờ di trú.

3/  NGA NỔI GIẬN VỀ VỤ OANH KÍCH KHIẾN HÀNG CHỤC BINH SĨ THIỆT MẠNG

Những người theo chủ nghĩa dân tộc và một số nhà lập pháp của nước Nga đang nổi giận yêu cầu trừng phạt các cấp chỉ huy mà họ cáo buộc là đã chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục binh sĩ Nga trong cuộc oanh kích đẫm máu nhất kể từ khi nổ ra cuộc xâm lăng ở Ukraine.

Trong một sự xác nhận hiếm hoi, bộ quốc phòng Nga cho biết 63 binh sĩ của họ đã thiệt mạng vào đêm Giao thừa trong vụ oanh kích dữ dội vào một căn cứ quân sự ở thành phố Makiivka thuộc khu vực Donetsk. Ngược lại, quân đội Ukraine đã đưa ra con số lên đến hơn 400 binh sĩ Nga bị thiệt mạng trong vụ này.

Cần biết là binh sĩ Nga khi đó đang chuẩn bị ăn mừng Năm mới dọc theo một bãi chứa đạn dược thì 4 quả phi đạn HIMARS của Ukraine đổ ụp lên đầu. Cuộc tấn công vào Makiivka diễn ra nhằm trả đũa làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái hằng đêm vào thủ đô Kiev và các thành phố khác của Ukraine.

Mức độ tàn phá tại căn cứ ở Makiivka là do đạn dược được cất giữ trong tòa nhà, mặc dù các cấp chỉ huy biết rõ là nằm trong tầm bắn của phi đạn Ukraine. Igor Girkin, cựu chỉ huy quân đội thân Nga ở miền đông Ukraine, cho biết là hàng trăm người đã thiệt mạng hoặc bị thương. Ông Girkin nói thêm là các thiết bị quân sự tại địa điểm này không được ngụy trang.

Sự tức giận ở Nga đã lan đến quốc hội. Grigory Karasin, một thượng nghị sĩ và là cựu thứ trưởng ngoại giao Nga, không chỉ yêu cầu phải trả thù Ukraine và những người ủng hộ NATO mà còn phải có một “phân tích chính xác trong nội bộ”. Trong khi đó, Thương nghị sĩ Sergei Mironov, yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với các quan chức đã “cho phép tập trung quân nhân trong một tòa nhà không được bảo vệ” và “tất cả các cấp chỉ huy không bảo đảm an toàn phù hợp”.

4/ NHẬT BẢN TẶNG TIỀN ĐỂ GIÃN DÂN RA KHỎI THỦ ĐÔ TOKYO

Theo loan báo mới nhất, chính phủ Nhật Bản sẽ thưởng một triệu Yen, hay khoảng 7500 Mỹ kim, cho mỗi gia đình đồng ý dời khỏi thủ đô Tokyo.

Theo chính sách mới nhất này, mỗi gia đình đồng ý dời khỏi 23 “điểm nóng” dân số ở Tokyo và khu vực vành đai Saitama, Chiba và Kanagawa sẽ nhận được số tiền trên cho mỗi người trong gia đình, tăng so với mức 300 ngàn Yen trước đây. Ngoài ra mỗi gia đình sẽ được phụ cấp thêm 3 triệu Yen.

Đổi lại thì các gia đình này phải chấp nhận định cư ở các khu vực mới ít nhất là 5 năm. Nếu vi phạm điều này thì phải hoàn trả lại tiền hỗ trợ. Chính sách mới của Nhật sẽ có hiệu lực từ tháng 4 tới. Một nửa khoản hỗ trợ tài chính sẽ do chính phủ chi trả, một nửa còn lại do chính quyền địa phương chi trả.

Đây là một phần trong nỗ lực nhằm giãn bớt dân số ở thủ đô Tokyo và gia tăng dân số cho các khu vực đang phải đối mặt với tình trạng lão hóa và suy giảm dân số.

Giới chức Nhật hy vọng sẽ có khoảng 10 ngàn người chuyển từ Tokyo đến các vùng nông thôn từ nay cho đến năm 2027.

No comments:

Post a Comment