Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây.
1/ BÀ VÕ THỊ ÁNH XUÂN TẠM NẮM QUYỀN CHỦ TỊCH NƯỚC
Vào chiều ngày thứ Tư 18/1, quốc hội bù nhìn VN đã họp phiên bất thường lần thứ 3 để bàn về việc thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước VN.
Theo quy định của luật pháp, bà Võ Thị Ánh Xuân, đương kim phó chủ tịch nước, đã được bầu để tạm thời thay thế ông Phúc cho đến khi nào quốc hội có thể bầu ra chủ tịch nước vào tháng 5 tới đây.
Trong vai trò chủ tịch nước, ông Phúc được giao chức chủ tịch hội đồng quốc phòng và an ninh và là đại biểu quốc hội. Vào hôm qua, đại đa số nghị sĩ đều bỏ phiếu thông qua việc thôi các chức danh nói trên của ông Phúc.
Quốc hội bù nhìn VN triệu tập phiên họp bất thường nói trên theo mệnh lệnh của bộ chính trị đảng CSVN sau khi ban chấp hành trung ương đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức nhưng không nêu rõ lý do tại sao.
Trong khi dư luận đều hoang mang về việc này thì thông cáo chính thức cho biết là ông Phúc chịu trách nhiệm của người đứng đầu, khi làm thủ tướng nhưng đã để cho nhiều quan chức vi phạm luật pháp, trong số đó có 2 phó thủ tướng và 3 bộ trưởng.
2/ BỘ TRƯỞNG NỘI VỤ UKRAINE TỬ NẠN VÌ TRỰC THĂNG RƠI Ở KIEV
Bộ trưởng nội vụ Denys Monastyrsky 42 tuổi đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng ở phía đông thủ đô Kiev trong chuyến thị sát chiến trường vào ngày hôm qua, thứ Tư 18/1.
Ít nhất là có 9 người tử nạn trong tai nạn này, trong số đó có một vị thứ trưởng thứ nhất. Cả phái đoàn đều thiệt mạng khi chiếc trực thăng rơi xuống đất trong thời tiết có nhiều sương mù và không có điện.
Ông Monastyrsky là một thành viên nổi bật trong nội các của Tổng thống Volodymy Zelensky. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật cho công chúng về thương vong do các cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga kể từ khi Ukraine bị xâm chiếm vào tháng 2 năm 2022.
Ông trở thành bộ trưởng nội vụ của Ukraine vào tháng 7 năm 2021, chỉ 6 tháng trước khi Nga xâm lược nước này. Sinh ra ở thành phố miền tây Khmelnytsky vào năm 1980, ban đầu ông Monastyrsky làm luật sư nhưng tham gia chính trị vào năm 2014. Ông là thành viên của nhóm ủng hộ sự thành công của Tổng thống Zelensky vào năm 2019.
Là bộ trưởng nội vụ, ông Monastyrsky chịu trách nhiệm về cảnh sát và an ninh bên trong Ukraine. Khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 năm ngoái, ông đã đối mặt với thách thức là tập hợp sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc phản công của Ukraine.
3/ GIỚI SIÊU GIÀU ẤN ĐỘ NẮM NHIỀU TẢI SẢN NHƯNG ĐÓNG THUẾ RẤT ÍT
Các tỷ phú Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 1% dân số Ấn Độ nhưng nắm giữ hơn 40% tài sản của đất nước này, theo số liệu mà tổ chức thiện nguyện Oxfam vừa công bố.
Trong năm 2022, số tỷ phú Ấn Độ tăng từ 102 lên 166, theo phúc trình của Oxfam. Cùng thời gian đó, người nghèo ở Ấn Độ “không có tiền” cho các nhu cầu thiết yếu nhất để sinh sống. Tổ chức từ thiện, có trụ sở chính ở Anh, kêu gọi bộ tài chính Ấn Độ áp thuế đặc biệt lên giới siêu giàu để giảm bớt sự ngăn cách về thu nhập.
Lời kêu gọi được đưa ra trong tuần này với bản phúc trình mang tên “The Survival of The Richest” (Sự sinh tồn của những người giàu nhất). Báo cáo này được công bố trong ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Báo cáo nêu lên ví dụ Ấn Độ như một trường hợp điển hình về phân cách giàu nghèo. Tại Ấn Độ, hơn 40% thu nhập cả nước rơi vào tay chưa đến 1% dân số, thuộc nhóm siêu giàu và chỉ có 3% mức này được nhỏ xuống nhóm 50% dưới đáy.
Năm 2022, tài sản của tỷ phú Gautam Adani, người giàu nhất Ấn Độ, tăng 46%, đưa ông lên vị trí giàu thứ hai thế giới. Tổng số tài sản của 100 người giàu nhất nước Ấn Độ nay đạt 660 tỷ Mỹ kim.
Theo Oxfam, số thuế nhà nước Ấn Độ thu vào từ người nghèo và trung lưu nhiều hơn tiền thuế do giới siêu giàu đóng cho ngân sách.
4/ CỰU CHỈ HUY NHÓM ĐÁNH THUÊ CỦA NGA CHẠY SANG NA UY XIN TỴ NẠN
Một cấp chỉ huy trong biệt đội Wagner, nhóm lính đánh thuê cho Nga ở Ukraine, đã chạy sang Na Uy để xin tỵ nạn vì lo sợ cho tính mạng sau khi chứng kiến cảnh tàn sát những tù nhân người Nga bị đưa ra tiền tuyến.
Ông Andrei Medvedev, gia nhập Wagner vào ngày 6/7 năm ngoái, cho biết là ông đã vượt biên giới đi vào Na Uy trước khi bị cảnh sát bắt giữ. Ông Medvedev, một người mồ côi đã từng gia nhập quân đội Nga và từng ngồi tù trước khi tham gia vào đội quân đánh thuê Wagner, cho hay ông chạy trốn sau khi chứng kiến cảnh tàn sát những người đào ngũ bị bắt.
Ông Medvedev nói với sáng lập viên của nhóm nhân quyền Gulagu.net là ông sợ chết trong đau khổ. Nhóm này cho biết đã giúp ông Medvedev rời khỏi Nga sau khi ông ta tìm tới sự giúp đỡ vì lo sợ cho an toàn tính mạng. Cảnh sát chuyên về tội phạm quốc gia của Na Uy ngày 17/1 cho biết họ muốn thẩm vấn ông Medvedev.
Ông Medvedev tiết lộ rằng quân Nga tổn thất rất lớn sau khi Wagner bắt đầu gửi số lượng lớn tù nhân ra mặt trận Ukraine vào 6 tháng cuối năm ngoái. Vẫn theo lời ông, đơn vị an ninh nội bộ của Wagner thường trừng trị kẻ đào ngũ rất nặng tay.
No comments:
Post a Comment