Friday, January 20, 2023

Tin Tức, Thứ Sáu 20.01.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi và Bá Cơ trình bày sau đây.

1) THI THỂ BÉ THÁI LÝ HẠO NAM ĐƯỢC ĐƯA LÊN

Rạng sáng 20/1/2023, tức 29 Tết âm lịch, thi thể bé Thái Lý Hạo Nam đã được đưa lên mặt đất sau 21 ngày rơi xuống cọc bê-tông sâu 35m ở dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Quan tài bé Hạo Nam được xe chở về nhà cách đó khoảng một cây số, đưa ngay ra phía sau an táng. Di ảnh bé trai là tấm hình nhỏ xíu với gương mặt bầu bĩnh chụp lúc khoảng 3-4 tuổi, được đặt trên chiếc bàn thờ lập vội là chiếc bàn học của Hạo Nam khi còn sống.

Ngày 31/12/2022, bé Hạo Nam lọt xuống cọc bê-tông đường kính 25 cm, khi cùng bạn nhặt phế liệu ở công trường. Báo chí lề đảng sau đó đã ra chiến dịch rầm rộ miêu tả, ca ngợi công tác cứu hộ của lực lượng chức năng.  Tối 4/1, tức sau 5 ngày xảy ra tai nạn, tỉnh Đồng Tháp thông tin bé Hạo Nam tử vong. Công luận đã đặt ra vô số nghi vấn, bất thường xung quanh vụ việc đau lòng trên, đặc biệt là trách nhiệm của nhà cầm quyền địa phương, từ việc đầu tư đến công tác thi công công trình, cho đến công tác cứu hộ và sự dối trá của truyền thông.

Xin nhắc lại, công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 - thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước dài hơn 4 km. Dự án do nhóm 3 doanh nghiệp thực hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư công trình, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải giám sát thi công, xây dựng.

2/ HOA KỲ MỞ LẠI CHƯƠNG TRÌNH TƯ NHÂN BẢO LÃNH NGƯỜI TỴ NẠN

Một số người Việt đang tỵ nạn ở Thái Lan đã bày tỏ niềm vui và hy vọng sớm được định cư tại Hoa Kỳ sau khi chính phủ Joe Biden mở lại chương trình bảo lãnh định cư tư nhân (private sponsorship).

Chương trình do bộ ngoại giao Hoa Kỳ khởi xướng nhằm giúp cho các công dân bình thường có vai trò trong việc tái định cư hàng ngàn người tị nạn mỗi năm. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có kế hoạch công bố chính thức chương trình vào ngày 19/1, được đặt tên là Welcomed Corps, qua đó từng nhóm mỗi 5 công dân Hoa Kỳ trở lên có thể phụ giúp người tị nạn mới đến về ổn định đời sống.

Ông Hoàng Trọng Mẫn, thành viên của nhóm Hiến pháp, sang tỵ nạn tại Thái Lan từ năm 2018,  cho biết ông kỳ vọng chương trình bảo lãnh tư nhân sẽ giúp ông và những người tị nạn khác sớm được định cư ở nước tự do.

Cần biết là hiện có nhiều người Việt tỵ nạn tại Thái Lan và thường xuyên trực diện với nguy cơ bị bắt giam do Thái Lan chưa ký vào công ước về người tỵ nạn. Rất may là Thái Lan có chương trình giáo dục phổ thông miễn phí và được áp dụng cho trẻ em tị nạn, nên những gia đình có con nhỏ cũng đỡ khổ trong việc học hành của trẻ.

Người tham dự chương trình bảo lãnh tư nhân có thể nộp đơn xin tài trợ riêng cho những người tỵ nạn để tái định cư ở Mỹ và chịu trách nhiệm về việc giúp đỡ những người tị nạn trong 90 ngày đầu tiên của họ. Hỗ trợ này sẽ bao gồm mọi thứ, từ việc tìm một nơi ở cho đến việc đưa trẻ em đi học.

3/ BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI KẾ HOẠCH CẢI TỔ HƯU TRÍ Ở PHÁP

Vào hôm qua, thứ Năm 19/1, là ngày “Thứ Năm đen tối” với các cuộc tổng đình công biểu tình phản đối kế hoạch kéo dài tuổi lao động của dân Pháp, với hơn 200 cuộc tuần hành trên toàn quốc và dự trù có 1 triệu người xuống đường phản đối.

Theo cải tổ của chính phủ Pháp, tuổi về hưu sẽ là 64 tuổi, thay vì 62 tuổi như hiện nay. Nghiệp đoàn hỏa xa Pháp thông báo giảm số chuyến xe lửa xuống còn một phần ba, trong khi một số nơi chỉ còn 20%. Dân Paris vào sáng nay gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, với một tuyến metro ngưng chạy, 13 tuyến khác hoạt động cầm chừng vào giờ cao điểm.

Trong lĩnh vực hàng không, 80 % số chuyến bay quốc nội bị hủy tại phi trường Orly ở ngoại ô phía nam Paris. Khoảng 70 % giáo viên cấp tiểu học bãi công. Nhiều chương trình trên các đài phát thanh công của Pháp bị gián đoạn do một bộ phận nhân viên đình công.

Giới tài xế xe tải và nhân viên tại các ngân hàng cũng hưởng ứng kêu gọi đình công.

Người cầm đầu đảng cộng sản Pháp thông báo sẽ có một triệu người xuống đường phản đối dự luật cải tổ hưu trí của chính phủ. Bộ nội vụ đã huy động 10 ngàn cảnh sát và hiến binh để bảo vệ an ninh cho hàng trăm cuộc tuần hành.

Cuộc đình công vào hôm qua là một thách thức lớn đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne. Ông Macron đã quy trách nhiệm cho một số nghiệp đoàn muốn làm tê liệt đất nước.

Cần biết là Pháp, cùng với Thụy Điển hay Na Uy, là quốc gia mà người lao động được về hưu sớm hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Tại Đức, Bỉ hay Tây Ban Nha, phải đợi đến 65 tuổi mới được nghỉ hưu. Riêng Đan Mạch quy định tuổi về hưu là 67.

4/ QUÂN ĐỘI MIẾN ĐIỆN OANH KÍCH MỘT LÀNG MẠC KHIẾN 7 NGƯỜI CHẾT

Ít nhất 7 thường dân thiệt mạng khi quân đội Miến Điện tiến hành các cuộc không kích vào một ngôi làng ở vùng Sagaing, thuộc miền trung nước này.

Theo lời thuật lại của một nhân chứng, một máy bay quân sự đã thả bom xuống một buổi lễ quyên góp của khu dân cư ở làng Moe Tarr Lay thuộc thị trấn Katha vào tối thứ Tư 18/1. Bảy dân làng đã thiệt mạng, trong khi ít nhất 5 người khác bị thương.

Zin, một cư dân 44 tuổi chứng kiến vụ ném bom, cho biết hàng chục ngôi nhà bị phá hủy, đường dây điện và liên lạc bị cắt đứt ở một số huyện. Một số thi thể bị đốt cháy khủng khiếp đã được chôn cất vào đêm qua và những thi thể khác sẽ được chôn cất vào hôm sau. Ông cho biết dân làng Moe Tarr Lay đã chạy trốn vì sợ các cuộc không kích tiếp theo.

Cần biết là Miến Điện đã chìm trong giao tranh kể từ khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử vào tháng 2/2021. Các phong trào kháng chiến, một số có vũ trang, đã nổi lên khắp đất nước và liên tục giao tranh với quân đội.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chấm dứt bạo lực và hối thúc tập đoàn quân phiệt Miến trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, trong đó có nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.

5/ NỮ THỦ TƯỚNG NEW ZEALAND TỪ CHỨC VÌ VẤN ĐỀ GIA ĐÌNH

Nữ thủ tướng Tân Tây Lan, bà Jacinda Ardern, đã từ chức vào hôm thứ Năm 19/1 vì vấn đề gia đình. Cố ngăn dòng nước mắt, bà Ardern 42 tuổi cho biết là mình gần như “cạn kiệt năng lượng” và đã đến lúc rút lui sau 5 năm rưởi cầm quyền.

Bà cho biết là "các chính trị gia cũng là người thường. Chúng tôi cống hiến tất cả những gì có thể, lâu nhất có thể được, và rồi sẽ đến lúc kết thúc. Với tôi, đây chính là thời điểm đó".

Trực tiếp đề cập đến gia đình mình trong bài phát biểu, bà Ardern nói bà rất mong được ở bên cạnh con khi cô con gái nhỏ Neve sớm bắt đầu đi học, và bà sẽ kết hôn với người đồng hành đang chung sống. Bà cho rằng phụ nữ đã được giải phóng nhưng "các định chế gia trưởng" vẫn chưa thay đổi đúng mức để giúp cho cuộc sống của người có gia đình.

Trong thời gian nắm quyền, bà Ardern không ngại phá vỡ khuôn mẫu, trở thành thủ tướng đầu tiên kể từ thời bà Benazir Bhutto của Pakistan đã sinh con trong nhiệm kỳ và sau đó nghỉ thai sản. Là một chính trị gia từng vận động miễn học phí đại học một phần, giải quyết tình trạng trẻ em nghèo đói và phi hình sự hóa việc phá thai, bà Ardern cũng đã lên án chủ nghĩa phân biệt giới tính trắng trợn trong chính trị.

Mặc dù nổi tiếng trên toàn cầu, nhưng sự ủng hộ dành cho bà Ardern đã giảm sút trong nước do chi phí sinh hoạt tăng cao, tội phạm gia tăng và mối lo ngại về các vấn đề xã hội.

No comments:

Post a Comment