Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi và Bá Cơ trình bày sau đây.
1/ HOA KỲ PHÁT ĐỘNG CHIẾN DỊCH TRẢ TỰ DO CHO CÁC TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa phát động chiến dịch kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong số đó có nhà báo Phạm Đoan Trang.
Chiến dịch #WithoutJustCause# (Không có lý do chính đáng) kêu gọi trả tự do cho 14 tù nhân chính trị được đưa ra vào ngày 11 tháng Giêng vừa qua, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang. Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định 14 người này đi tù chỉ vì thực hiện các quyền con người.
Sau khi bản án 9 năm tù đối với nhà báo Phạm Đoan Trang được đưa ra, phát ngôn nhân Ned Price của bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng bà Trang, người được trao giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế 2022, là một nhà hoạt động nhân quyền được quốc tế ghi nhận. Ông Price nhắc lại là nhóm Công tác Các vụ Bắt giữ Tùy tiện LHQ đả khẳng định vụ bắt giữ này là tùy tiện và đi ngược lại các cam kết về nhân quyền của VN.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc tiếp tục cầm tù bà Đoan Trang là hành động mới nhất của chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Bạo quyền csVN cần phóng thích bà Trang và cho phép mọi người ở Việt Nam được thực hành quyền tự do biểu đạt như được quy định trong hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký.
2/ CSVN MỞ RỘNG VÀ GIA TĂNG ĐÀN ÁP CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ
Trong công bố phúc trình toàn cầu năm 2023 vào ngày 12 tháng Giêng vừa qua, tổ chức Giám sát Nhân quyền khẳng định là bạo quyền csVN đã gia tăng đàn áp các tổ chức phi chính phủ vào năm qua.
Phúc trình nêu rõ là trong năm 2022, bạo quyền Hà Nội đã đàn áp mạnh tay hơn đối với các nhà hoạt động của các tổ chức có giấy phép. Cụ thể, đó là trường hợp nhà báo Mai Phan Lợi, luật sư môi trường Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Bạch Hùng Dương, và nhà bảo vệ môi trường Ngụy Thị Khanh.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chi nhánh Á châu của tổ chức nói trên, kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần lên tiếng phản đối những hành xử vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Đó là tình trạng đàn áp một cách có hệ thống vần tiếp diễn các quyền tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo.
Phúc trình nêu ra một nghị định mà bạo quyền VN ban hành vào ngày 31/8, trong đó quy định chung chung là cấm các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động tại Việt Nam làm các công tác bị cho không phù hợp với lợi ích quốc gia, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa, nhưng không nói rõ ràng về những thuật ngữ nói trên.
Theo thống kê của Giám sát Nhân quyền, bạo quyền Hà Nội đang giam giữ hơn 160 người chỉ vì ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị. Trong năm 2022, tòa án đã kết án tù nặng nề đối với ít nhất 35 người chỉ vì lên tiếng phê phán và cổ xúy cho nhân quyền, dân chủ và môi trường trong sạch tại Việt Nam.
3/ TIN THÊM VỀ VỤ SINH VIÊN HUFLIT BỊ HIẾP DÂM TẬP THỂ TẠI TRƯỜNG QUÂN SỰ QUÂN KHU 7
Vụ việc sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ- Tin học bị hiếp dâm tập thể tại trường Quân sự Quân khu 7 đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận. Chỉ trong một ngày, đã có hơn 200.000 lượt tìm kiếm cụm từ "HUFLIT quân sự" trên công cụ Google ở Việt Nam. Như thường lệ, nhà cầm quyền một mặt đã ngay lập tức xóa mọi dấu vết nhằm bưng bít sự thật, ra các chiến dịch truyền thông để dẫn dắt dư luận, mặt khác sử dụng công an nhằm trấn áp những người lên tiếng. Luật An Ninh Mạng một lần nữa được đưa ra để áp dụng với những người đưa tin, bình luận về vụ việc.
Trong cuộc họp báo ngày 12 tháng Giêng, trường Đại học HUFLIT bác bỏ thông tin hai nữ sinh bị hiếp dâm tập thể và nhảy lầu tự tử vào tối ngày 10/1. Cuộc họp báo cũng xuất hiện hai cô gái, đeo khẩu trang được nói là chủ nhân của những clip gây sốt trên mạng xã hội. Cả hai sau đó đã đính chính rằng không có vụ hiếp dâm nào mà chỉ quay lại cảnh cãi vã của hai nữ sinh cùng trường. Tuy nhiên, công luận cho rằng cả phía công an, trường Đại học HUFLIT và trường Quân sự Quân khu 7 đều đang làm mọi cách để che giấu vụ việc.
4/ ỦY BAN NOBEL VẪN TRAO GIẢI DÙ BIẾT HIỆP ĐỊNH PARIS 1973 KHÔNG MANG LẠI HÒA BÌNH
Theo các tài liệu mới được công bố, giải Nobel Hòa bình năm 1973 được trao cho hai ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ, mặc dù ủy ban này biết rõ là Hiệp định Paris 1973 khó có thể mang lại hòa bình cho VN.
Các đề cử cho Giải thưởng Hòa bình 1973 vẫn được giữ bí mật suốt 50 năm qua. Vào hôm 1 tháng Giêng, các tài liệu này được công bố theo yêu cầu của nhiều người. Vào thời điểm đó, ông Kissenger là cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Ông Stein Toennesson, giáo sư tại viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, người xem xét các tài liệu vừa được tiết lộ, cho biết là ông giờ đây thậm chí còn ngạc nhiên hơn lúc đó là ủy ban có thể đưa ra một “quyết định tồi tệ” như vậy. Lý do là cả hai ông Henry Kissenger và Lê Đức Thọ đều biết hiệp định này không hề mang lại hòa bình cho VN.
Hai ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã đạt được Hiệp định Hòa bình Paris vào tháng Giêng năm 1973, theo đó Hoa Kỳ hoàn thành việc rút quân khỏi miền nam Việt Nam trước tình hình quân đội ngày càng sa sút và các cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Mỹ bùng phát mạnh.
Nhưng lệnh ngừng bắn được quy định trong hiệp định đã sớm bị cs Bắc Việt vi phạm, miền Nam từ chối ký thỏa thuận và tuyên bố bị phản bội vì lực lượng của Hà Nội không bị buộc phải rút khỏi miền Nam.
Hai trong số năm thành viên của Ủy ban Nobel Na Uy đã từ chức để phản đối. Ông Kissinger dù nhận giải thưởng nhưng không đến Na Uy để dự buổi lễ và sau đó tìm cách trả lại giải thưởng nhưng vô vọng.
Ông Lê Đức Thọ, qua đời ở tuổi 78 vào năm 1990, là một ủy viên bộ chính trị của Bắc Việt. Ông Kissinger 99 tuổi vẫn là một nhà bình luận nổi tiếng về chính sách đối ngoại và giải quyết xung đột, bao gồm gần đây nhất là cuộc chiến Ukraine. Vào ngày 1/5/1975, tức một ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ, ông Kissinger tìm cách trả lại giải thưởng với lý do mà “hòa bình mà chúng tôi tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán đã bị đảo lộn bằng vũ lực”, nhưng khi đó ủy ban không chịu lấy lại giải thưởng.
No comments:
Post a Comment