Sunday, December 1, 2019

TIN TỨC: Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Minh Nguyệt&Hướng Dương trình bày sau đây.

SÁCH TRẮNG QUỐC PHÒNG VIỆT NAM NĂM 2019 CÓ MÂU THUẪN
Tiến sỹ Bill Hayton từ Viện Chatham House, có trụ sở tại London, Anh Quốc, cho rằng có “mâu thuẫn” trong chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong Sách trắng Quốc phòng 2019 mà Hà Nội mới công bố.

Trao đổi trong Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC News Tiếng Việt, tiến sỹ Bill Hayton nói chính sách quốc phòng 4 “không” của Việt Nam mâu thuẫn với thực tế vì nếu thực hiện đúng 4 điều này thì Việt Nam không cần có sự tồn tại của quân đội.
Ông cũng cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ khó có thể thiết lập quan hệ quốc phòng chặt chẽ vì khác biệt về dân chủ và nhân quyền. Thêm nữa, Hoa Kỳ đang tìm cách rút quân khỏi nhiều quốc gia để giảm chi phí quân sự.
Chính sách 4 không của Việt Nam mới công bố là: không liên minh quân sự với nước nào, không liên kết với nước nào để chống nước khác, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
VIỆT NAM, TRUNG CỘNG SẼ KHÔNG CÓ ĐỒNG THUẬN VỀ BIỂN ĐÔNG
Nhà báo Thuỵ Điển Bertil Lintner nhận định rằng Việt Nam và Trung Cộng sẽ không bao giờ có đồng thuận về Biển Đông vì thái độ của Bắc Kinh.
Viết trên Asia Times, nhà báo Lintner cho rằng Trung Cộng coi thường luật pháp quốc tế, thiếu trung thực và có hành vi cậy lớn ăn hiếp các nước nhỏ trong vùng.
Vì coi thường luật pháp quốc tế nên Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye nếu Hà Nội kiện vì phán quyết sẽ đi ngược lại lợi ích của Trung Cộng.
Ông Lintner cũng cho biết thêm Trung Cộng “nói một đằng, làm một nẻo” trong nhiều năm qua, lặng lẽ biến nhiều rạn san hô ở Biển Đông thành căn cứ quân sự nhưng lại tuyên bố rằng “không có ý định theo đuổi quân sự hóa” ở Biển Đông.
Việc đàn áp người biểu tình ở Hongkong cũng thể hiện sự bất nhất của Trung Cộng trong lời nói và việc làm, khi Bắc Kinh hứa sẽ tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ” cho tới năm 2047.
Bertil Lintner cho rằng với thái độ trên của Trung Cộng thì tranh chấp ở Biển Đông khó có thể được giải quyết bằng biện pháp hoà bình trong tương lai gần.
HOA KỲ TẬP HUẤN CHO VIÊN CHỨC VIỆT NAM
Trung tâm Tác chiến Thông tin Hải quân Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương (U.S. Naval Information Warfare Center Pacific – NIWC) đã tiến hành khoá tập huấn nâng cao về hệ thống SeaVision cho 16 học viên đến từ nhiều cơ quan hàng hải khác nhau của Việt Nam.
Khoá tập huấn với mục tiêu huấn luyện nâng cao nhận thức các tình huống trên biển, thuộc một phần trong cam kết của Washington để giúp Hà Nội “độc lập, vững mạnh và thịnh vượng.” Sự kiện này là tiếp nối của khoá học trước đó vào tháng 5.
Trong khoá học được thực hiện tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (MRCC), các học viên của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Kiểm ngư, Cảng vụ đã thực hiện các bài tập thực hành về việc sử dụng những thiết bị để nâng cao nhận thức tình huống trên biển nhằm cải thiện các hoạt động của các cơ quan này.
VIỆT NAM VÀ TRUNG CỘNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC TỈNH CÓ CHUNG ĐƯỜNG BIÊN GIỚI
Việt Nam và Trung Cộng tổ chức hội nghị viện kiểm sát nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới lần thứ 2 ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn đại biểu Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao của Trung Cộng, dẫn đầu bởi Phó viện trưởng Trương Tuyết Tiều, đã tham dự hội nghị bên cạnh nhiều đoàn từ các tỉnh phía nam giáp với Việt Nam.
Ngày 29/11, ông Trương Tuyết Tiều cùng tuỳ tùng đã gặp đoàn chủ nhà, dẫn đầu bởi Lê Minh Trí, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chế độ cộng sản Việt Nam sao chép mô hình chính trị và quản lý nhà nước của Trung Cộng và việc hợp tác giữa hai cơ quan viện kiểm sát là một phần của hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia cộng sản hàng xóm, cho dù có nhiều bất đồng ở Biển Đông.
NHIỀU VIÊN CHỨC CAO CẤP CỦA HÀ NỘI BỊ BẮT GIỮ VÌ LIÊN QUAN ĐẾN TẬP ĐOÀN NHẬT CƯỜNG
Bộ Công an đã bắt giữ ông Nguyễn Tiến Học, cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cùng một số viên chức của sở này vì có liên quan đến tập đoàn Nhật Cường, doanh nghiệp tư nhân được cho là sân sau của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung.
Việc bắt giữ thực hiện hôm qua, thứ Sáu ngày 29/11 khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền xảy ra tại Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường và Công ty Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software).
Đây là vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống tham nhũng đã theo dõi, chỉ đạo, và phía công an khởi tố thêm về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
Ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc tập đoàn Nhật Cường, người đang bị truy nã, cũng bị khởi tố bổ sung.
Theo một số nguồn tin không chính thức, việc mở rộng vụ án có ảnh hưởng lớn đến đường tiến thân của ông Chung, người đang có tham vọng vào Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội năm 2021.
NAM HÀN ĐỀ NGHỊ VIỆT NAM ĐÓNG VAI TRÒ HÒA GIẢI VỚI BẮC HÀN
Báo chí lề đảng đưa tin Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đề nghị Việt Nam “đóng vai trò xây dựng” đối với vấn đề Triều Tiên với tư cách là chủ tịch Hiệp hội ASEAN vào năm tới, đồng thời là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020-2021.
Tổng thống Moon đưa ra lời đề nghị trên trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp diễn ra vào thứ Tư ngày 27/11 ở Seoul.
Truyền thông Việt Nam cũng trích lời ông Phúc, rằng Việt Nam ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giải quyết các vấn đề liên quan bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại.
Hai bên cùng cam kết đưa thương mại hai chiều lên 100 tỷ Mỹ kim trong những năm tới.
NHIỀU TỔ CHỨC NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ PHÊ PHÁN CAO ỦY NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC VỀ VẤN ĐỀ HONGKONG
Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Hỗ trợ Quốc tế cho Nhân quyền (International Service for Human Rights), Tổ chức Chống tra tấn thế giới (World Organisation Against Torture), Liên minh thế giới vì sự tham gia của người dân (CIVICUS)và 16 tổ chức nhân quyền quốc tế khác đã lên tiếng chỉ trích Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCHR) đã đưa ra tiếng nói sai lệch về tình hình biểu tình ở Hongkong.
Tuyên bố được phát đi trong tuần này, sau khi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đưa ra thông cáo ngày 19/11 nói rằng chính quyền Hongkongđã rất tôn trọng việc thực thi quyền tự do hội họp hòa bình.
Theo các tổ chức này, cảnh sát Hongkong từ chối cấp phép cho các cuộc hội họp và tuần hành ôn hòa, và giam giữ tùy tiện khoảng 4.500 người vì lý do “hội họp bất hợp pháp” và còn tra tấn, ngược đãi nhiều người biểu tình trong đồn cảnh sát.
Các tổ chức kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sử dụng vị trí của mình để nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền ở mọi nơi trên thế giới, và công khai tố cáo nhà cầm quyền Hongkong vì các vi phạm mang tính hệ thống các quyền tự do hội họp hòa bình và tự do ngôn luận, và lên án việc sử dụng bạo lực không cần thiết và không tương xứng của cảnh sát Hongkong.

No comments:

Post a Comment