Tuesday, December 24, 2019

Sẽ có thêm nhiều Hồ Duy Hải nếu đảng Cộng sản vẫn độc quyền cai trị

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, nỗi oan khiên của tử tù Hồ Duy Hải phát xuất từ bản chất luật rừng của đảng CSVN và sự cáo chung của tập thể tội ác này là điều kiện ắt có hầu xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho Việt Nam. 
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Jackhammer Nguyễn với tựa đề: Sẽ có thêm nhiều Hồ Duy Hải nếu đảng Cộng sản vẫn độc quyền cai trị sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Phải thú nhận rằng, trước đây tôi không theo dõi vụ án Hồ Duy Hải, vì cho rằng nó cũng giống như nhiều vụ án “bỏ túi” tại các phiên tòa Kangaroo của đất nước Việt Nam này.
Sau khi nghe tin cơ quan tố tụng tối cao hủy bỏ bản án để điều tra lại từ đầu, và nghe một số anh chị em ở những tổ chức xã hội dân sự vui mừng, tôi mới tìm đọc lại, qua báo chí nhà nước và nhiều bài viết khác nhau, toàn bộ vụ án, đã kéo dài hơn 10 năm nay.
Tôi thật sự kinh hoàng!
Chúng ta đang ở thế kỷ 21 mà cơ quan điều tra có thể ra chợ mua dao thớt về làm chứng cứ. Còn chứng cứ thật thì biến mất. Đó là cái kinh khủng nhất trong những cái kinh khủng của vụ án này.
Tin đồn từ giới thạo tin nói rằng, kẻ thủ ác là một người có quan hệ họ hàng rất thân cận của quan chức địa phương, và có thể cả tới trung ương nữa.
Nhưng nếu ta nhớ lại trong lịch sử nước Việt Nam cộng sản, có lẽ không hiếm những vụ án như thế này. Cách đây hơn 30 năm đã có tin đồn về “công tử H”, của một trong những vị đứng đầu chính phủ, phạm trọng tội. Người ta cũng nói rằng có một câu chuyện thật đằng sau vở kịch “Nhân danh công lý” (khoảng năm 1984-1985), trong đó một “công tử” phạm tội giết người.
Tất cả những sự việc này có hai nguyên nhân chính, mà nếu không xóa bỏ chúng thì những vụ án oan tiếp tục xảy ra.
Thứ nhất là sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng này xuất phát từ ý thức hệ, rằng giai cấp công nông phải độc quyền lãnh đạo, từ đó cho rằng họ đại diện cho giai cấp ấy và rồi họ độc quyền. Thực tế từ khi đảng này thành lập đến nay, chúng ta chẳng thấy giai cấp công nông được lợi lộc gì. Có chăng trong một giai đoạn ngắn khi họ đưa những người thuộc tầng lớp nghèo khổ thất học vào địa vị lãnh đạo sau cải cách ruộng đất. Nhưng khi nhóm người này trở thành lãnh đạo, giàu có thì không như thế nữa. Khi họ bắt đầu mở cửa làm ăn kinh tế thì sự ích lợi cho tầng lớp công nông này càng không tồn tại.
Nhưng chuyện chúng ta bàn ở đây không phải là Đảng Cộng sản có tính công nông, có giúp người nghèo hay không, mà là sự độc quyền của họ. Sự độc quyền của Đảng dẫn đến sự độc quyền của một nhóm người, một số người, từ cao cấp đến địa phương.
Quyền lực tuyệt đối đó của họ làm cho họ đứng trên cả luật pháp của chính họ soạn ra.
Nhưng khái niệm về luật pháp của những người cộng sản lại chính là cái nguyên nhân thứ hai của một nền “tư pháp” đầy nhũng lạm hiện nay. Đó là họ không quan niệm rằng, ông quan tòa phải là người độc lập trong xét xử, mà ông ta phải tuân theo chỉ thị của Đảng, mà Đảng ở đây chính là cá nhân những nhân vật quyền lực ở địa phương hay trung ương.
Trong một ghi chép của cố GS Nguyễn Đăng Mạnh, người ta thấy cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những người cộng sản Việt Nam đầu tiên, nói với một luật sư rằng, làm ra bộ luật để làm gì? Để cho nó trói tay chúng ta sao?
Với quan niệm về luật pháp như vậy, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi các giới chức từ tòa án, đến cơ quan công an điều tra, đều không coi chứng cớ tang vật là một cái gì đó quan trọng.
Mục đích của những bản án đối với những người cộng sản là: Giữ vững sự ổn định chính trị, ngay cả khi sự ổn định chính trị đó được trả giá bằng sinh mạng của một người có thể bị kết án oan.
Đọc phát biểu của các quan chức tư pháp tỉnh Long An, cho rằng, phải giải quyết sự vụ nhanh chóng chứ không được giữ lâu rất phiền hà, mà chúng ta rùng mình đối với sự “ổn định chính trị” và việc sử dụng “công lý” của họ.
Một nguyên nhân thứ ba, ít quan trọng hơn, xuất phát từ nền “văn minh” Khổng giáo của Á Đông. Trong xã hội này, người ta quan niệm, quan là phụ mẫu, vua là mệnh trời,… từ đó sẽ không có những quan niệm như là bị can được xem là vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội. Trong suốt vụ án Hồ Duy Hải, và những vụ án khác nữa, người ta thấy bị can phải chứng minh mình vô tội, chứ không phải trách nhiệm của tòa án là phải chứng minh bị can có tội.
Nước Việt Nam chỉ mới làm quen với công lý độc lập, và quan niệm vô tội khi chưa được chứng minh, trong một giai đoạn ngắn khi tiếp xúc với phương Tây, và dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Việc xử án của nước Việt Nam cộng sản đã bắt đầu với những phiên đấu tố rùng rợn thời cải cách ruộng đất, rồi sau đó nối dài với những bản án bỏ túi kiểu Kangaroo cho tới ngày nay. Tính cách “phụ mẫu chi dân” của quan lại Khổng giáo, bây giờ “kết duyên” rất tâm đầu ý hợp với sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, trong đó có cả lãnh đạo việc xử án.
Dù sao chăng nữa thì với việc mở cửa kinh tế cuối thập niên 1980 đã dẫn đến việc thực thi một mô hình tranh tụng tòa án giống như phương Tây, kèm theo sự ra đời của một tầng lớp xã hội mới là luật sư. Tầng lớp này cũng bị bộ máy cộng sản đàn áp rất mạnh mẽ khi thấy việc tranh tụng của luật sư có thể thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản, mà hàng loạt luật sư đã chịu khổ nạn hơn 10 năm gần đây.
Hy vọng vẫn le lói như ta thấy gương mặt của Luật sư Nguyễn Văn Đạt trong vụ án Hồ Duy Hải. Dù sự tồn tại của các luật sư ngày càng nhiều, vẫn sẽ không giải quyết tận gốc rễ của vấn đề là sự độc quyền cai trị và xử án của Đảng Cộng sản, nhưng phần nào cũng đã giúp minh oan cho một số nạn nhân, nhất là cho những tử tù./.

No comments:

Post a Comment