Sunday, December 8, 2019

Tin Tức: Chủ Nhật 08.12.2019

Tin Tức

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi bản Tin tóm lược với Bảo Trân và Nguyên Khải

1) QUỐC VỤ KHANH NGOẠI GIAO ĐỨC GẶP GỠ ĐẠI DIỆN XÃ HỘI DÂN SỰ VIỆT NAM
Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đã có cuộc gặp với đại diện một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tại Hà Nội vào thứ Năm ngày 05/12 để tìm hiểu về phong trào dân sự ở Việt Nam.

Đại diện xã hội dân sự Việt Nam có tiến sỹ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Nguyễn Chí Tuyến và cô Cao Vĩnh Thịnh. Trong cuộc gặp kéo dài khoảng 2 giờ, hai bên có đề cập đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU và tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Phía Đức hỏi ý kiến những người tham dự làm thế nào để Đức có thể giúp cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, còn phía khách mời cho rằng Berlin nên thúc ép Hà Nội thực thi các cam kết quốc tế và tôn trọng luật của chính mình.
2) CÔNG AN HÀ NỘI KẾT THÚC ĐIỀU TRA VỤ CHÁU BÉ TRƯỜNG GATEWAY TỬ VONG
Công an Hà Nội mới đây đã công bố kết quả điều tra vụ cháu bé lớp 1 của trường tư thục Gateway vào ngày 06/8. Theo đó, không có điều gì mới mẻ từ những thông tin của công an quận Cầu Giấy từ nhiều tháng nay, ngoại trừ giải thích một số dữ kiện đã có.
Công an Hà Nội cho rằng Dương Thị Hoài Anh, hiệu trưởng trường Gateway không phải chịu trách nhiệm về việc cháu bé tử vong bởi thời điểm xảy ra sự việc bà này đang nghỉ ốm. Ba người bị đề nghị truy tố là giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy về cáo buộc “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360, người đưa đón Nguyễn Bích Quy và tài xế Doãn Quý Phiến với cùng cáo buộc “Vô ý làm chết người” theo Điều 128 của Bộ luật hình sự.
Công an vẫn kết luận cháu bé này tử vong là do bị bỏ quên trên xe trong nhiều giờ, từ sáng sớm tới khoảng 3 giờ chiều. Tuy nhiên, rất nhiều người nghi ngờ giả thuyết này.
Trường Gateway là trường tư thục và 2 con gái của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trung tướng công an Trần Văn Vệ là hai cổ đông chính.
3) HOA KỲ PHẠT ERICSSON HƠN 1 TỶ MỸ KIM VÌ HỐI LỘ VIỆT NAM VÀ 4 QUỐC GIA KHÁC
Chính phủ Hoa Kỳ đã áp dụng mức phạt hơn 1 tỷ Mỹ kim đối với Ericsson- tập đoàn viễn thông khổng lồ của Thụy Điển vì “đã thực hiện một chiến dịch hối lộ kéo dài nhiều năm ở 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam, để củng cố hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông.”
Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hôm thứ Sáu ngày 06/12 rằng Ericsson đã thừa nhận sai phạm và đồng ý nộp phạt. Bộ này nói thêm rằng Ericsson chấp nhận một thỏa thuận hoãn truy tố liên quan đến các cáo buộc hình sự được đệ trình lên Tòa án New York.
Ericsson đồng ý nộp phạt hơn 1 tỷ Mỹ kim để giải quyết các cáo buộc về tội hối lộ, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hôm thứ Sáu 6/12. 5 quốc gia liên quan là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Djibouti và Kuwait và thời gian hối lộ kéo dài từ năm 2000 đến năm 2016.
Ericsson, một trong những nhà sản xuất thiết bị mạng di động lớn nhất thế giới, thừa nhận hối lộ hàng triệu Mỹ kim cho quan chức Việt Nam thông qua quỹ đen của các công ty tư vấn.
4) HOA KỲ ĐỀ NGHỊ VIỆT NAM GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU NHIỀU MẶT HÀNG
Chính phủ Hoa Kỳ đã đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu một loạt mặt hàng ngay trong năm 2020 và có lộ trình giảm thêm trong các năm tiếp theo.
Cụ thể, Washington đề nghị Hà Nội giảm mạnh thuế nhiều mặt hàng nông sản như gà, hạnh nhân, táo tươi, nho tươi, nho khô, lúa mì, óc chó chưa bóc vỏ, khoai tây, thịt lợn, và sữa. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng đề nghị Việt Nam và bỏ hẳn thuế nhập khẩu trong 2021 hoặc sau đó.
Việc giảm thuế được kỳ vọng sẽ tăng nhập khẩu hàng hoá từ Hoa Kỳ và qua đó giúp Hoa Kỳ giảm thâm hụt thương mại với Việt Nam.
5) CỰU NGOẠI TRƯỞNG PHILIPPINES NÓI TRUNG CỘNG CÓ ‘HÀNH ĐỘNG TÀN BẠO” Ở BIỂN ĐÔNG
Cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Thanh tra Conchita Morales của Philippines đã khiếu nại lên Toà Hình sự Quốc tế (ICC) việc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị và cựu Đại sứ Triệu Giám Hoa của Trung Cộng tại Manila đã có những “hành động tàn bạo” ở Biển Đông.
Khiếu nại của hai vị cựu quan chức Philippines cho hay sự xâm lấn của Trung Cộng tại các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, dẫn đến “các hoạt động cải tạo trái phép và phá hoại môi trường, và các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo” do ông Tập Cận Bình khởi xướng.
Hai ông này nói rằng Bắc Kinh đã gây ra sự hủy hoại môi trường gần như vĩnh viễn trong khu vực, khiến sinh kế của ngư dân Philippines gặp nguy hiểm.
Dường như ICC không thể có phán quyết gì đối với khiếu nại này vì Trung Cộng không tham gia Quy chế Rome- một hiệp ước khai sinh ra ICC, và các cáo buộc về tội ác chống lại loài người xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines, nơi tòa cho rằng không được coi là một phần lãnh thổ nước này.
6) HOA KỲ PHẢN ĐỐI NGÂN HÀNG THẾ GIỚI CHO TRUNG CỘNG VAY TIỀN VỚI LÃI XUẤT THẤP
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã phản đối việc Ngân hàng Thế giới (World Bank) đồng ý cho Trung Cộng vay với lãi xuất thấp, một ngày sau khi định chế tài chính đa quốc gia này đồng ý cho Bắc Kinh vay từ 1 đến 1.5 tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Thông điệp trên trang mạng xã hội twitter của Tổng thống Trump phản ánh quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người cho rằng Trung Cộng là nền kinh tế thứ nhì thế giới và Bắc Kinh đủ sức để tài trợ các chương trình phát triển đất nước, còn Ngân hàng Thế giới có nhiệm vụ cấp tín dụng giúp các nước nghèo phát triển.

No comments:

Post a Comment