Monday, December 30, 2019

Xẻ Thịt Vốn Nhà Nước, Ai Gánh?

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, hệ thống doanh nghiệp nhà nước không những là một tàn tích của xã hội chủ nghĩa, mà trên thực tế là một công cụ hiệu năng hầu chuyển tiền thuế của nhân dân vào hầu bao của các đảng viên cao cấp.  Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Đỗ Ngà với tựa đề: Xẻ Thịt Vốn Nhà Nước, Ai Gánh? sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Giá trị của AVG là 1.970 tỷ đồng, các quan chức chủ quản Mobifone đã đồng ý mua nó với giá 8.900 tỷ đồng. Như vậy qua vụ mua bán này vốn nhà nước trong công ty Mobifone đã mất 6.590 tỷ đồng, tương đương 287 triệu đô. Để có thương vụ này, Phạm Nhật Vũ đã bôi trơn Nguyễn Bắc Son 3 triệu đô la, cho Trương Minh Tuấn là 200 ngàn đô la, cho Lê Nam Trà 2,5 triệu đô la, và cho Cao Duy Hải là 500 ngàn đô la. Tổng cộng Phạm Nhật Vũ đã dùng 6,2 triệu đô để bôi trơn. Nếu thương vụ thành công thì Phạm Nhật Vũ thu lợi đến hàng chục lần hoặc hơn số tiền bôi trơn kia. Đây là khoản đầu tư kiếm lời lớn hơn cả buôn ma túy.
Đấy là khoản đầu tư của Phạm Nhật Vũ, còn những ông quan trong bộ TT & TT và các lãnh đạo Mobifone thì sao? Những người này có quyền lực trong tay nên chẳng cần bỏ ra một xu đầu tư nào mà cũng có thể bỏ túi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ. Đó là một hình mẫu cho chúng ta thấy, quan chức và những doanh nghiệp sân sau đã xẻ thịt vốn nhà nước như thế nào?! Vậy câu hỏi đặt ra là, việc này có phổ biến không? Câu trả lời là rất phổ biến và nhưng hầu hết là trót lọt. Đó là lý do tại sao mà đất nước này ngày càng có nhiều tỉ phú đô la nhưng nhân dân càng ngày càng lầm than và đất nước càng đi thụt lùi so với thế giới là vậy. Cách làm ăn đấy nói cho cùng là họ chẳng tạo ra giá trị gia tăng cho đất nước như những doanh nghiệp chân chính mà chủ yếu là họ xẻ thịt ngân sách. Mà ngân sách thâm hụt thì cuối cùng dân là người gánh chịu.
Vào năm 2017, tại một cuộc họp của Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa cho biết nợ công đáng lẽ ra phải là 210% GDP chứ không phải là 63,9% GDP như chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tính. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, con số chênh lệch đến 146,1% GDP ấy là gì? Xin thưa, đó chính là số nợ của những doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh.
Có người cho rằng, chính phủ chỉ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay, điều đó không có nghĩa là chính phủ trả nợ thay cho doanh nghiệp. Nếu căn cứ vào ngữ nghĩa câu nói thì lập luận như vậy là đúng, nhưng đi vào phân tích thực tế của nền kinh tế đặc thù mà chính quyền CS Việt Nam đang theo đuổi, thì hầu hết những khoản nợ đó Chính phủ phải trả. Chỉ khi nào doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi thì họ mới tự trả, còn khi thua lỗ thì ai trả? Chính phủ! Nhưng với khối doanh nghiệp nhà nước của CS hiện nay thì mấy doanh nghiệp làm ăn có lãi? Rất ít!
Năm 2006 khi mới lên là thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 104/2006/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Vinashin. Lúc đó vốn chủ sở hữu của Vinashin là 1 tỷ đô (thời điểm lúc đó là 20 ngàn tỷ đồng) nhưng dưới sự bảo lãnh của Chính phủ, Vinashin đã vay thêm 4 tỷ đô nữa để “làm ăn kinh doanh”(tức chỉ 1 đồng vốn chủ sở hữu nhưng lại vay thêm đến 4 đồng). Đến năm 2009 thì nhóm lợi ích Nguyễn Tấn Dũng và ê kíp lãnh đạo Vinashin đã xẻ hết 4 tỷ đô la tiền vay và Vinashin đứng trước nguy cơ phá sản. Vậy mà Nguyễn Tấn Dũng không cho phá sản mà ông ta còn ban hành đến Quyết định số 2108/QĐ-TTg tái cơ cấu lại tập đoàn này và đổi tên thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy – SBIC. Sau khi “tái cơ cấu” thì hiện mỗi năm SBIC lỗ từ 3 đến 4 ngàn tỷ. Tiền lỗ đó chui vào túi ai chắc ai cũng hiểu.
Qua đây chúng ta thấy rằng, không chỉ Vinashin là được ưu tiên bảo lãnh một khoản vay gấp 4 lần tài sản, mà hầu như doanh nghiệp quốc doanh nào cũng có đặc quyền đó. Vì sao? Vì con số 1 đồng vốn chủ sở hữu thì có 4,2 đồng nợ toàn bộ  khối doanh nghiệp quốc doanh đã cho thấy đó là bản chất chung cho mọi ông quốc doanh chứ không riêng gì ông Vinashin. Điều đó cho thấy tình trạng vay vô tội vạ rồi xẻ thịt khoản vay đó bỏ túi nó phổ biến như thế nào?! Thực ra vụ án Mobifone mua AVG cũng chỉ ra một trong vô số vụ xẻ thịt vốn nhà nước như Vinashin mà thôi. Chính mấy ông doanh nghiệp nhà nước này đã góp công rất lớn trong việc làm cho tốc độ tăng trưởng nợ công gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Để điều tiết nền kinh tế đất thì chính phủ hay dùng chính sách tài khóa. Mà chính sách tài khóa nói cho cùng đó là chính sách thu chi của chính phủ, nó ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước. Với khối doanh nghiệp quốc doanh ăn hại kiểu này thì không một chính phủ nào có thể đưa nền kinh tế phát triển được. Mà nguồn thu của chính phủ thì nó gồm thuế và vay. Mà tăng thuế thì đó chính là cái gánh nặng mà dân phải chịu ở thời điểm hiện tại, còn khoản vay là những gì dân phải gánh ở tương lai. Vì lối ăn hại của ông quốc doanh nên năm nào Chính phủ cũng vay từ 15 đến 20 tỷ đô la để bù bội chi và trả nợ đáo hạn. Một chính phủ mà cứ đi vay để trả nợ thì đủ biết, chính phủ đó hoàn toàn không có khả năng phát triển đất nước nữa.
Câu hỏi đặt ra là, nếu dẹp khối doanh nghiệp nhà nước thì chính phủ sẽ dễ dàng đưa đất nước phát triển hơn, nhưng sao họ không dẹp? Dẹp sao được khi mà chính chúng đang cung cấp nguồn thu khổng lồ cho quan chức để họ có tiền cho con du học, có tiền mua nhà nhà Âu Mỹ, và có tiền gởi nhà băng Thụy Sỹ?! Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ĐCS cũng biết điều đó nhưng không bao giờ họ dẹp. Vì dẹp thì lấy gì thỏa lòng tham cho họ? Đó là lý do tại sao ĐCS luôn bảo vệ cái thể chế kinh tế quái đản đó. Nói cho cùng, đối với những lãnh đạo CS, thì thiệt hại cho đất nước không quan trọng, họ chỉ sợ thiệt hại cho họ và thiệt hại cho đảng mà thôi. Đó là bản chất rồi, CS không thay đổi được đâu mà chỉ có thể thay thế!
Đỗ Ngà

No comments:

Post a Comment