Thursday, May 31, 2012

Tin Tức thứ Tư ngày 30.05.2012


Nhà tù đang đợi thuộc độc để xử tử hơn 400 tù nhân tại Việt Nam

Thứ trưởng bộ công an Đặng Văn Hiếu cho biết 8 nhà tù thi hành án tử hình chưa có thể xử tử hơn 400 tù nhân tại Việt Nam vì còn đợi thuốc độc đặt mua từ nước ngoài.

Được biết, Việt Nam đã bỏ hình thức xử bắn tù nhân bị tử hình từ tháng 7 năm ngoái, và chuyển qua hình thức chích thuốc độc cho có vẻ nhân bản. Bộ Y Tế có nhiệm vụ tìm mua thuốc độc, nhưng phải mất một thời gian khá lâu mới chọn và đặt mua các loại thuốc độc ưng ý từ Ấn Độ, Hoa kỳ và Trung Quốc. Tử tội sẽ bị chích 3 mũi thuốc độc. Mũi thuốc đầu tiên là thuốc ngủ, kế tiếp là thuốc tê liệt thần kinh và cơ bắp, và cuối cùng là thuốc làm tim ngừng đập. Hiện nay các nhà tù đã hoàn tất thủ tục xử tử hơn 100 tù nhân ngay sau khi nhận được thuốc độc. Nguồn tin từ đài BBC cho biết bộ Y tế xác nhận thuốc độc sắp về tới vào tháng 6, nhưng nguồn tin từ AFP lại cho biết quan chức y tế còn đang so sánh giá và số lượng đặt mua. Việt Nam không cho biết rõ số tù nhân bị xử tử mỗi năm. Vào năm 2011, cơ quan nhân quyền Amnesty International ghi nhận có 5 vụ hành quyết và 23 tù nhân bị kết án tử hình tại Việt Nam.

Hàng lậu luân chuyển qua Mống Cái gia tăng đến mức báo động

Tổ chức chống tội phạm và ma tuý của Liên Hiệp Quốc cho biết đã báo động bộ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc về mức hàng lậu luân chuyển qua cửa khẩu Mống Cái, nhưng không thấy nước nào quan tâm. Liên Hiệp Quốc quan tâm đến số lượng hàng lậu khổng lồ đang nuỗi dưỡng hoạt động của các tổ chức tội phạm. Quan sát viên quốc tế tại Mống Cái cho biết mỗi ngày có đến 1 ngàn 500 xe tải chở hàng lậu đi qua cửa khẩu và tài xế chỉ cần dúi 10 đến 20 mỹ kim tiền hối lộ là được chạy qua biên giới. Ống Nguyễn Tiến Dũng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân Mống Cái phủ nhận tình trạng luân chuyển hàng lậu tại đây. Ông Dũng khẳng định phía Việt Nam xét rất kỹ tại nhiều chốt canh dọc bờ sông, còn phía Trung Quốc là chuyện của họ. Quan chức tại Mống Cái còn viện cớ hàng chở qua Trung Quốc không phải là hàng sản xuất từ Việt Nam mà cửa khẩu này chỉ là nơi chuyển tiếp hàng hóa ngoại quốc. Được biết, cửa khẩu Mống Cái có khoảng 100 ngàn dân, cách cảng Hải Phòng 230 cây số về hướng bắc, đã trở thành một tỉnh xuất nhập lậu nguy hiểm trong 10 năm qua khi các băng đảng dùng súng bắn giết nhau thường xuyên. Số hàng lậu chở qua Trung Quốc có thể là các loài động vật hiếm quý để làm thuốc bắc, hoặc các máy móc điện tử có thể gỡ bán lẻ hoặc ngay cả những phụ nữ đem bán cho các ổ mãi dâm hoặc làm vợ cho người Trung Quốc.

1 ngàn công nhân Trung Quốc xuống đường đập phá vì chủ đánh chết nhân viên

Khoảng 1 ngàn công nhân đã biểu tình, bứng cửa sắt và đập phá hơn chục chiếc xe hơi tại tỉnh Ruian, miền đông Trung Quốc vào hôm thứ ba để phản đối người chủ đánh chết một công nhân 19 tuổi khi khiếu nại về tiền lương. Cuộc biểu tình trước văn phòng chính phủ chỉ kết thúc sau khi ông chủ Xu Qiyin bị bắt và bồi thường cho gia đình nạn nhân khoảng 48 ngàn mỹ kim. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đang lo mất dần quyền lực khi hàng chục ngàn cuộc biểu tình lẻ tẻ chống tình trạng chiếm đoạt đất đai, tham nhũng xẩy ra khắp nơi hàng năm. Vào tháng 12 năm ngoái, một cuộc biểu tình ở phía Nam Trung Quốc về vụ cưỡng chiếm đất đai và đánh chết người tổ chức biểu tình đã gây chú ý cả nước khiến quan chức địa phương phải nhượng bộ. Chưa có cón số chính thức về các vụ biểu tình, nổi loạn hàng năm tại Trung Quốc, nhưng các nghiên cứu từ cơ quan nhà nước phỏng đoán khoảng 90 ngàn vụ trong mỗi năm gần đây.

Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi xuất ngoại sau 24 năm

Bà Aung San Suu Kyi đã được chào đón nồng nhiệt khi đặt chân tới phi trường Thái Lan trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau 24 năm qua. Bà Suu Kyi sẽ ở lại Thái Lan khoảng 4, 5 ngày và đến thăm một trại tị nạn. Hiện nay tại Thái Lan có khoảng 130 ngàn người Miến Điện đang sống tại các trại tị nạn từ những cuộc chạy lánh nạn chiến tranh. Trong hơn hai thập niên qua, bà đã bị quản thúc tại gia hoặc không muốn rời khỏi Miến Điện vì sợ không được phép quay trở về. Bà đã đắc cử vào quốc hội vào tháng trước và được cấp hộ chiếu vào đầu tháng 5. Được biết bà Suu Kyi sẽ trở lại Miến Điện trước khi sang châu Âu vào tháng Sáu. Bà dự tính sẽ đến Na Uy để chính thức nhận giải Nobel Hòa bình mà bà được tặng năm 1991. Sau đó bà sẽ đến Anh thăm thân nhân và có thể ghé Geneva, Paris và Ireland.

No comments:

Post a Comment