Sunday, May 13, 2012

Tin Tức thứ Bảy ngày 12.05.2012


Chuyến thăm Linh Mục NGUYỄN VĂN LÝ ngày 4/5/2012

Hôm thứ Năm ngày 10-05-2012, Nhóm Phóng viên FNA Khối 8406 đã chuyển đến Trí Nhân Media bản tường trình chuyến thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý tại trại giam Ba Sao, huyên Kim Bảng tỉnh Hà Nam như sau :
Chiều ngày 4 tháng 5, anh Nguyễn Công Hoàng, cháu gọi Linh mục Lý bằng chú ruột đến trại giam Nam Hà (còn gọi là trại Ba Sao) thăm chú.

Sau phần thông tin về gia đình như thường lệ, Linh mục Lý cho biết:
- Ngày 27 tháng 4 vừa rồi, có phái đoàn của chính phủ Úc đến thăm linh mục. Đoàn gồm 6 người, trong số đó có vị phó đại sứ Úc tại VN, còn các vị khác phụ trách về Nhân quyền đến từ Úc. Phái đoàn đưa ra nhiều câu hỏi về tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.
- Về câu hỏi tự do tôn giáo, Cha Lý trả lời:
"Chưa có tiến bộ nào cả! Dĩ nhiên lúc này nhiều thánh thất, chùa chiền, nhà thờ được xây to đẹp hơn, lễ hội được tổ chức hoành tráng hơn... nhưng đó là cái mã bên ngoài, chỉ tô đẹp cho chế độ. Tự do tôn giáo đúng nghĩa, đúng bản chất vẫn chưa có, bởi lẽ cho đến nay, các giáo hội vẫn không thể tự do và độc lập đào tạo các chủng sinh hay tu sĩ, các vị hữu trách cao cấp vẫn chưa có quyền thuyên chuyển chức sắc của mình theo nhu cầu cộng đoàn tôn giáo địa phương, các giám mục trong Công giáo vẫn chỉ được tấn phong với phép của chính phủ, trường tư thục của các tôn giáo vẫn chưa được phép thành lập, các giáo hội vẫn chưa được quyền sở hữu nhà in riêng để ấn hành sách đạo của mình..."
- Về vấn đề dân chủ và nhân quyền, cha Lý nói:
"Khi nào hội đủ 3 điều kiện sau đây thì thể chế chính trị Việt Nam mới có thể gọi là có dân chủ và nhân quyền: * tự do báo chí tư nhân * tự do bầu chọn lãnh đạo * tách bạch độc lập 3 cơ quan: tư pháp, hành pháp và lập pháp.
Quý vị cứ nhìn thể chế chính trị tại quý quốc rồi đối chiếu với thể chế chính trị tại nước chúng tôi thì quý vị sẽ rõ. Muốn thế, đề nghị Quý vị tiếp xúc với mọi tầng lớp, mọi thành phần dân chúng Việt Nam. Quý vị sẽ thấu hiểu vấn đề dân chủ nhân quyền ở đây như thế nào".
- Về việc tuyệt thực ngày 30 tháng 4 vừa rồi, cha Lý cho biết, cha đã tuyệt thực suốt ngày hôm đó để hiệp thông với và cầu nguyện cho nỗi đau thương của dân tộc
- Sau cùng, linh mục Lý gởi lời thăm hỏi và cám ơn tất cả bà con, bạn hữu xa gần đã thương mến, cưu mang và hỗ trợ cho ông từ trước cho đến nay. Ông xin đồng bào luôn hiệp ý, hiệp lòng để lo cho quê hương đất nước.

Việt Nam tố cáo Đài Loan vi phạm chủ quyền trên quần đảo Trường Sa

Việt Nam tố cáo Đài Loan vi phạm chủ quyền trên quần đảo Trường Sa khi đưa một số quan chức ra đảo Ba Bình thuộc quần đảo này và tuyên bố chủ quyền tại đây.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/5, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, nói Việt Nam phản đối hành động của Đài Loan gây căng thẳng thêm cho tranh chấp chủ quyền Biển Đông và yêu cầu Đài Loan chấm dứt việc làm sai trái.
Ông Lương Thanh Nghị cũng cho biết thêm rằng, Việt Nam rất quan tâm trước việc Trung Quốc vừa cho giàn khoan lớn nhất khởi sự thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Ông Nghị nhấn mạnh, các hoạt động trên Biển Đông phải tuân theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, và không được xâm phạm chủ quyền cũng như quyền tài phán của các nước trong khu vực.
Ông Nghị thông báo, theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, công ty Google đã sửa lại các thông tin sai lệch trên bản đồ Google Maps đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.

Công an tìm bắt người quay clip công an đánh nhà báo

Bức tường im lặng về vụ cưỡng chế Văn Giang đã được phá vỡ, báo chí từ chỗ đứng bên lề nay nhập cuộc với nhiều khía cạnh của vụ cưỡng chế, đặc biệt là vụ công an sắc phục đánh hội đồng hai nhà báo.
Anh Nguyên, bạn đọc Dân Làm Báo cho biết, cơ quan an ninh Việt Nam đang tìm kiếm bản gốc và người đã quay clip công an đánh hai nhà báo của VOV là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long trong vụ cưỡng chế đất cho dự án Eco-Park ở Văn Giang, Hưng Yên có thể nhằm thủ tiêu chứng cứ.
Trao đổi với báo chí chiều 9/5, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh cho biết, với tường trình từ một phía của nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long thì "chưa thể khẳng định" được đó là hai người trong clip. Để xử lý cán bộ, theo ông phải cần "đầy đủ nhân chứng, vật chứng và quan trọng nhất là băng gốc" quay cảnh hai nhà báo VOV bị hành hung, thậm chí tìm ra cả người quay.
Khi sự thật đã được rõ ràng thì lãnh đạo Hưng Yên lại quay sang việc truy tìm bản gốc và người quay clip đó thay vì xử lý những người vi phạm pháp luật thì quả là điều bất thường. Anh Nguyên đề nghị vận động dư luận quốc tế gây sức ép, nhằm buộc các cơ quan bảo vệ pháp luật trong nước xử lý nghiêm khắc những kẻ côn đồ đã đánh người trong vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang.

Biểu tình tại Trung Quốc và Philippines vì tranh chấp ở Biển Đông

Những người hoạt động chống đối việc Trung Quốc đòi chủ quyền ở vùng biển Đông đã tuần hành đến sứ quán Trung Quốc ở Manila hôm qua, gây thêm căng thẳng trong vụ tranh chấp lãnh hải giữa hai nước. Thông tín viên VOA, Shannon Van Sant tường thuật về phản ứng tại Bắc Kinh, nơi một nhóm người biểu tình Trung Quốc tụ tập trước sứ quán Philippines.
Cuộc biểu tình tại Manila lớn hơn nhiều. Nơi đây hàng trăm người biểu tình đã đi tuần hành trước sứ quán Trung Quốc. Nhiều người mang biểu ngữ ghi hàng chữ, "Trung Quốc hãy rút lui."
Bà Emma Hizon là một trong những người tổ chức biểu tình. Bà nói, mục tiêu chính của hành động biểu tình là kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến những vụ vi phạm liên tục và ngày càng căng thẳng tại khu vực bãi đá Scarborough mà Philippines gọi là Panatag, mà người Philippines cho là thuộc chủ quyền của Philippines.
Vụ giằng co cũng đang gây ảnh hưởng đến giao thương giữa hai nước. Trong một hành động có thể là để trừng phạt của chính phủ Trung Quốc, 1 ngàn 200 container chuối của Philippines đã bị hải quân Trung Quốc giữ lại vì điều mà giới hữu trách nói là vấn đề kiểm dịch.
Trong khi đó, các tổ chức dân sự ở Philippines cho hay họ đang dự định tổ chức thêm các cuộc biểu tình bên ngoài các phái bộ Trung Quốc ở New York, Singapore và Roma.

Biểu tình rầm rộ khắp Syria sau vụ nổ bom

Những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trên khắp Syria trong ngày hôm qua, một ngày sau khi có hơn 55 người thiệt mạng trong hai vụ nổ bom tự sát. Hai vụ nổ bom này gây tử vong nhiều nhất kể từ khi cuộc nổi dậy chống chính phủ bắt đầu cách đây 14 tháng.
Chính phủ Syria đã hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hành động để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Họ nói rằng "những vụ nổ đang leo thang" là bằng chứng cho thấy Syria đang đối mặt với những vụ tấn công khủng bố từ nước ngoài.
Phát ngôn viên của phái bộ Liên hiệp quốc Neeraj Singh cho biết số quan sát viên quốc tế và nhân viên trong phái bộ đã tăng tới 150 người.
Trong khi đó, người đứng đầu nhóm đối lập chính ở Syria nói rằng các lực lượng liên hệ với al-Qaida và có liên hệ với chính phủ Syria là thủ phạm của những vụ nổ bom ngày hôm qua.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo hôm nay, ông Burhan Ghalioun nói rằng chính phủ Syria đã tìm cách phá hoại kế hoạch hòa bình do đặc sứ Kofi Annan.

Miên vi phạm nhân quyền vì đe dọa và cưỡng chế đất của dân

Theo tin của RFA, ông Surya Subedi, nhân viên Liên Hiệp Quốc đặc trách về nhân quyền tuyên bố, quyền sở hữu đất đai và tự do phát biểu của người dân xứ Chùa tháp vẫn gặp nhiều trở ngại, gây phẫn nộ trong dân chúng.
Họp báo tại văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh hôm thứ sáu, ông Subedi cho biết thời gian gần đây, chính quyền đe doạ và dùng bạo lực cưỡng chế đất của dân.
Ông kêu gọi các cơ quan thẩm quyền bảo đảm một giải pháp khả thi, minh bạch, công bằng. Chính phủ phải bồi thường thích hợp cho mỗi cá nhân."
Ông Surya Subedi cho biết, ông gặp khó khăn rất nhiều trong khi làm việc. Ông gặp nhiều viên chức cao cấp của chính quyền trung ương và địa phương, nhưng riêng bộ Nông lâm nghiệp và Thuỷ sản có trách nhiệm cao nhất về đất đai thì ông không được tiếp xúc./.

No comments:

Post a Comment