Sunday, May 27, 2012

Làm sao gây tinh thần trách nhiệm


Thứ Bảy ngày 26.05.2012     

Tại thành phố Vũ Hán, trên đường Phiên Dương có ngôi nhà sáu tầng, được cất lên vào đầu thế kỷ 20, đặt tên là Cảnh Minh Ðại Lâu.
Sau năm 1997, những người quản lý ngôi nhà nhận được một bức thư gửi từ Anh quốc gửi sang. Trong lá thư viết rằng: "Công ty chúng tôi phụ trách xây dựng Cảnh Minh Ðại Lâu vào năm 1917. Theo bản thiết kế thì thời hạn sử dụng ngôi nhà này chỉ được 80 năm. Nay đã đến thời hạn đó cho nên chúng tôi gửi thư này nhắc quý vị chú ý, và có những hành động cần thiết."

Bức thư này chắc chắn làm những người đang sống tại Cảnh Minh Ðại Lâu phải ngạc nhiên, họ không biết phải làm gì! Một tác gia người Trung Quốc kể lại câu chuyện trên, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người ngoại quốc để làm gương cho dân nước ông. Ông Hà Tông Tư, trong cuốn "Người Trung Quốc và những căn bệnh trong nhân cách" đã tự hỏi, "không biết cái gì khiến cho một nhóm người trong công ty trên vẫn lo làm tròn trách nhiệm của họ," về một công trình xây cất ở một nước xa xôi, từ 80 năm trước, trong khi các chủ nhân cũ của ngôi nhà cho tới những người ký hợp đồng, những người vẽ đồ án, những người làm công việc xây dựng đã chết hết cả rồi!
Sau khi kể mấy câu chuyện như trên, ông Hà Tông Tư cũng nhận xét rằng người Trung Hoa xưa nay thiếu tinh thần trách nhiệm. Và ông cũng tìm ra nguyên do là vì chế độ chuyên chế ở nước Tàu, suốt mấy ngàn năm lịch sử: "Trốn trách nhiệm, tìm kẻ chịu tội thay cho mình, là truyền thống lâu đời ở Trung Quốc... nếu ông vua mà sai lầm thì đó là vì bọn gian thần hay yêu nữ xúi bẩy... người ta trút bỏ tội lỗi lên đầu kẻ khác. Thượng bất chính hạ tắc loạn. Cái tật trốn trách nhiệm đó được truyền xuống cho toàn dân Trung Quốc!" Tất nhiên, người Việt Nam cũng bị nhiễm những thói quen vô trách nhiệm do chế độ chuyên chế gây nên, không khác gì người Trung Quốc!
Hà Tông Tư phân tích thấy trong mỗi người Trung Hoa có hai nhân vật, một ông chủ và một người nô lệ. Tiêu biểu là nhân vật A Q. của Lỗ Tấn. Khi đóng vai ông chủ thì xưng hùng xưng bá, ngang ngược tàn bạo, tự coi mình như thần thánh, nịnh trên đạp dưới, ngoan cố không chịu thay đổi. Nhưng lúc đóng vai anh nô lệ thì tự khinh rẻ mình, nhẫn nhịn phục tùng, gian xảo dối trá, lười biếng vô lại, nhẹ dạ tin mê, khép kín bảo thủ.
Cả ông chủ lẫn thằng nô lệ không ai cần đến tinh thần trách nhiệm cả. Nó thành một tập quán ăn sâu vào cả xã hội. Nhà nước càng chuyên chế thì những thói quen vô trách nhiệm càng nhập vào sâu thêm. Những thói xấu truyền thống của người Trung Hoa không cần phải đem các vụ làm trứng vịt giả, hay làm đĩa nhạc lậu ra để chứng minh. Nó đã thể hiện rõ ràng trong vụ Luật Sư Trần Quang Thành, người mới được đưa gia đình sang tị nạn ở Mỹ với danh nghĩa đi học luật!
Ông Trần Quang Thành đã từng được chính quyền xã, tỉnh tuyên dương như một anh hùng khi ông tranh đấu cho quyền bình đẳng của những người bị khuyết tật, như chính ông mắt đã bị mù từ thủa nhỏ. Nhưng khi ông bắt đầu bênh vực các phụ nữ bị cưỡng bách phá thai, thì chính quyền phản ứng ngay bằng cách đe dọa, đánh đập, bỏ tù ông. Cũng như nhiều người Trung Hoa khác, ông Trần Quang Thành cứ nghĩ rằng nếu mình khiếu kiện lên cấp cao hơn, thì chắc các khó khăn sẽ được "ở trên" giải quyết. Ngay sau khi trốn từ Sơn Ðông lên Bắc Kinh ông còn thu một băng video gửi cho Thủ Tướng Ôn Gia Bảo để trần tình xin "đèn trời soi xét" điều tra những việc lạm quyền ức hiếp do chính quyền huyện Lâm Nghi bắt gia đình ông phải chịu.
Nhưng tất cả đều vô vọng. Bởi vì một chế độ chuyên chế không thể nào "tự chặt chân chặt tay" của họ được. Bằng cớ là Lý Quần , bí thư huyện Lâm Nghi không những hoàn toàn được cấp trên bảo vệ mà còn được thăng thưởng!
Năm 2007 anh ta được lên chức làm trưởng khối tuyên truyền của tỉnh Sơn Ðông và được đưa vào Thường Vụ Tỉnh cho đến bây giờ! Năm 2010, Lý Quần được phong làm bí thư Thành Ủy Thanh Ðảo, một bến cảng và đô thị lớn nhất tỉnh, nơi sản xuất thứ bia nổi tiếng mang tên thành phố! Trong khi đó thì Trần Quang Thành tiếp tục bị chính quyền xã, huyện giam lỏng, đe dọa và gia đình anh bị sách nhiễu. Ðó là "chuyện hàng ngày ở huyện," bất cứ huyện nào ở Trung Quốc hay ở Việt Nam!
Chế độ chuyên chế của đảng Cộng Sản không khác gì chế độ vua quan đời xưa. Những người như Trần Quang Thành ở Trung Quốc hay Ðoàn Văn Vươn ở Việt Nam đều là nạn nhân của chế độ "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện," khi tất cả các quan chức cấu kết với nhau bóc lột và đè nén dân chúng. Những người như Trần Quang Thành hay Ðoàn Văn Vươn đang cố phá vỡ guồng máy chuyên chế đó, và họ đã làm gương cho nhiều người bắt chước. Ở nước ta, đồng bào Văn Giang, Vụ Bản hay Thanh Hóa đang tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền sống xứng đáng làm người. Phải lật đổ chế độ chuyên chế thì mới tập được thói quen sống có trách nhiệm.
Tại Trung Quốc, trong thời gian Trần Quang Thành tránh nạn trong Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh, khi anh nằm bệnh viện chờ đi Mỹ, guồng máy thông tin của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tìm cách bôi nhọ anh; nhưng họ thất bại. Nhiều nhật báo ở Bắc Kinh "chửi" Trần Quang Thành là quân "tốt" bị đại sứ Mỹ xúi giục và lợi dụng. Trái với ý muốn của ban tuyên huấn đảng, các bloggers ở Trung Quốc không chỉ trích Trần Quang Thành mà lại phê phán các tờ báo đó là bất công, đồng lõa với cường quyền. Ngày hôm sau, một trong các tờ báo "lề phải" của nhà nước là Tin Bắc Kinh đã nhận thấy trách nhiệm của họ, họ viết lời xin lỗi trên mạng. Sau khi hàng ngàn người phản ứng hoan hô tinh thần phục thiện của tờ báo, chính báo này lại được lệnh phải gỡ cả lời xin lỗi xuống! Chính quyền chuyên chế nuôi dưỡng đầu óc vô trách nhiệm!
Hiện tượng trên cho thấy thanh niên trí thức Trung Quốc không ngu dốt như đảng Cộng Sản nghĩ. Họ không dễ bị lừa dối và lợi dụng như những con cừu làm nô lệ cho chế độ chuyên chế. Trong cuộc tranh chấp về vùng biển Scarborough với Phi Luật Tân, trong khi có hơn 300 người Phi đến biểu tình phản đối trước sứ quán Trung Quốc ở Manila thì chỉ có mươi thanh niên Trung Hoa hưởng ứng đến biểu tình trước sứ quán Phi Luật Tân tại Bắc Kinh! Vụ Trần Quang Thành đã "mở mắt" cho nhiều người Trung Hoa, cũng như biến cố Ðoàn Văn Vươn đã khích lệ nhiều nông dân Việt Nam dám đứng lên bảo vệ ruộng đất của mình.
Ðó là những bước đầu tiến tới tự do dân chủ. Ðó là hướng đi các dân tộc phải chọn, để chấm dứt chế độ chuyên chế. Có như vậy các thế hệ người Việt Nam cũng như người Trung Hoa mai sau mới tập được thói quen sống trong danh dự và tinh thần trách nhiệm.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment