Sunday, December 3, 2023

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 03-12-2023

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Bảo Trân: Thưa anh Hướng Dương, Bảo Trân đươc tin là vừa qua Mạng lưới Nhân quyền VN đã công bố giải nhân quyền năm nay cho 3 nhà đấu tranh đang bị bạo quyền VN giam giữ.  Họ là những ai vậy thưa anh? 

Hướng Dương: Thưa chị và quí thính giả, ba người được giải năm nay là ông Trần Văn Bang 46 tuổi, ông Y Wô Niê 53 tuổi, và nhà báo Lê Trọng Hùng  44 tuổi.

 

Nhà đấu tranh Trần Văn Bang tham gia Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn xuất thân là những đảng viên CSVN đã lên tiếng về các vấn đề của đất nước. Ông Bang bị bạo quyền Sài Gòn kết án 8 năm tù vào ngày 12/5 vừa qua.

 

Ông Y Wô Niê là người theo Thiên chúa giáo thuộc sắc tộc Ê-Đê. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của bạo quyền đối với người thiểu số. Ông bị bạo quyền tỉnh Đắc Lắc bắt lần thứ nhì và tuyên án 4 năm tù vào ngày 20/5 năm 2022.

 

Nhà báo Lê Trọng Hùng từng tham gia vào chương trình truyền hình trên mạng xã hội có tên là “phong trào chấn hưng nước Việt”. Vào năm 2017 ông lập chương trình “Chấn Hưng TV” để phổ biến về pháp luật mà chủ yếu là hiến pháp. Đến ngày 31/12 năm 2021, ông bị bạo quyền VN kết án tù 5 năm.

 

 Bảo Trân: Bảo Trân cũng được biết thêm là Mạng Lưới Nhân Quyền VN cũng tố cáo là nhà cầm quyền CS Việt Nam tiếp tục kỳ thị và ngược đãi người Thượng ở Tây Nguyên một cách có hệ thống, anh có thể cho quí thính giả biết thêm chi tiết về vụ việc này không thưa anh? 

Hướng Dương: Vâng thưa chi, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hôm 18/11 công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023, qua đó nêu lên sự đàn áp của nhà nước độc đảng đối với những sắc dân bản địa ở Tây Nguyên một cách có hệ thống, ví dụ như, lấy đất đai để cho các công ty lớn khai thác và di dân ồ ạt từ các tỉnh thành dẫn đến một số vụ nổi dậy của người dân bản địa, đặc biệt là vụ tháng 6 vừa qua ở Đắk Lắk. 

Bên cạnh việc cướp đất đai của người bản địa, Hà Nội cũng không cho họ quyền tự do tôn giáo.  Trong nhiều thập niên qua, rất nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nhưng trong nhiều năm gần đây, nhà nước đã bắt ép họ bỏ đạo nhất là đối với những người trong các tổ chức tôn giáo chưa được nhà nước CS công nhận. 

Cũng theo Báo cáo, đối với sắc dân thiểu số Khmer ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, chính quyền còn đi xa hơn nữa khi nhân danh “sự thống nhất quốc gia” để phủ nhận quyền của người Khmer Krom.

 

 Bảo Trân: Một trong những tin được nhiều người quan tâm là tang lễ của cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.  Bảo Trân nghe nói bất chấp các hành động gây khó khăn của đám công an mật vụ, tang lễ của cố Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người đứng đầu giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, vẫn diễn ra một cách tốt đẹp vào sáng hôm 29/11 phải không thưa anh?

 

Hướng Dương: Vâng thưa chị và quí thính giả, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vào lúc 4 giờ chiều ngày 24/11 tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, hưởng thọ 81 tuổi. Ngài được đề cử chức Chánh thư ký Viện Tăng thống của giáo hội Phật giáo VN Thống nhất, một giáo hội có từ thời VNCH, theo di chúc của Tăng thống Thích Quảng Độ.

 

Thi hài của Ngài được hỏa thiêu ở tỉnh Đồng Nai, với tro cốt dự trù sẽ được rải xuống biển theo di nguyện.

 

Ngay trong tang lễ, bạo quyền tỉnh Đồng Nai đã đến chùa Phật Ân để yêu cầu gỡ bỏ băng-rôn có dòng chữ “Tang lễ cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Chánh thư ký kiêm Xử lý thường vụ Viện Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.

 

Tuy nhiên, yêu cầu trên đã bị cự tuyệt một cách cương quyết với lời tuyên bố của Hòa thượng Thích Minh Tâm là nếu quý vị bắn chết tôi rồi muốn gỡ gì thì gỡ.

 

Nhạc sĩ Tuấn Khanh tường thuật vụ việc, cho biết một phái đoàn của an ninh, ban tôn giáo, bạo quyền địa phương đến tìm trụ trì chùa Phật Ân, đòi tháo tấm biểu ngữ trong điện thờ và tất cả những gì có ghi danh tính của Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ. Khi bị chất vấn thì một quan chức cho biết giáo hội này là một tổ chức không được nhà nước công nhận.

 

Bảo Trân: Về việc bạo quyền CSVN không ngừng bức bách các TNLTđang bị giam giữ, có tin là lần này đám cai tù đã đột ngột cắt ngắn cuộc gặp gỡ của tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách với gia đình sau khi ông nói với người thân về lá đơn tố cáo bản thân bị hành hung chưa được giải quyết, anh có thêm tin tức về vụ việc này không thưa anh?

 

Hướng Dương:  Thưa chị, thông tin trên được bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách cho biết vào ngày 28/11. Bà Thảo cho biết việc gián đoạn đối thoại trong chuyến thăm vào ngày 15/11 sau khi ông Bách kể lại là hai lá đơn tố cáo bị đánh đập vào ngày 31/8, vẫn chưa được trả lời.

 

Bà Thảo cho biết khi bị đám cai tù trại tù số 6 khống chế lôi khỏi phòng thăm gặp, ông Bách đã kịp thời hét to cho biết người đánh là Nguyễn Doãn Anh với cú đá sau gáy khiến ông bị bầm ở sau gáy dài 7 cm. 

 

Cần biết là ông Bách tố cáo bị đánh đập bởi đám cai tù ngay sau cuộc gọi cho gia đình vào ngày 31/8 để thông báo về việc ông và ba tù nhân chính trị khác bị một nhóm người mặc đồ phạm nhân nhảy vào khu giam giữ tù chính trị uy hiếp tính mạng của họ.

 

Bà Thảo cho biết trong cuộc gọi về nhà vào ngày 27/11, ở những giây cuối cùng, ông Bách nói vợ mình ghi lại số hiệu 554-526 của Nguyễn Doãn Anh, người đã đánh và gây chấn thương cho ông cách đây gần 3 tháng.

 

Ông Đặng Đình Bách, một nhà hoạt động môi trường, đã bị kết án 5 năm tù giam về tội “trốn thuế” cho các dự án được tài trợ bởi nước ngoài. Bên cạnh đó ông còn bị buộc truy nộp số tiền lên đến gần 1tỷ 4 đồng. Bà Thảo cho biết là bạo quyền Hà Nội yêu cầu nộp số tiền nói trên, nếu không sẽ cưỡng chiếm căn nhà mà gia đình đang sinh sống.

 

No comments:

Post a Comment