Tuesday, May 5, 2020

Khi nào Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc?

Đất Nước Đứng Lên

Thưa quý thính giả, sự thật hiển nhiên là muốn bảo vệ quyền lợi quốc gia dân tộc thì đảng CSVN phải đưa Trung Quốc ra một pháp đình quốc tế để giải quyết xung đột tại Biển Đông. Tuy nhiên, đảng CSVN chỉ duy trì quyền lực trên đầu cổ dân tộc với sự ủng hộ của quan thầy TQ và CSVN thà mất nước hơn là mất đảng. Trong tiết mục ĐNDL hôm nay, Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe bài viết của Cát Vàng với tựa đề: “Khi nào Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc?” sẽ được Khánh Ngọc trình bày sau đây.
Hơn nửa tháng nay, khi cuộc chiến công hàm và cuộc đấu khẩu giữa Hà Nội và Bắc Kinh vào hồi cao trào, dư luận trong nước và quốc tế nói nhiều đến khả năng Việt Nam sẽ sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một sự nhầm lẫn lớn!
Tất cả cho đến nay chỉ là một “show diễn” không hơn không kém. Trung Quốc – hẳn nhiên nước này là bên chủ động – cần làm một cuộc thăm dò. Chẳng phải Bắc Kinh không biết, giữa mùa đại dịch Vũ Hán do chính họ gieo rắc, mà khua gươm múa súng thì thật là thất nhân tâm. Nhưng họ “do’nt care!” (không quan tâm). Giữa đại dịch Vũ Hán mà họ còn dám bán khẩu trang và thiết bị y tế rởm cho Mỹ và châu Âu để móc túi thiên hạ, thì nói đạo lý với thầy trò Tập Cận Bình chẳng khác gì “nước đổ đầu vịt”.
Vậy họ định thăm dò điều gì? Bắc Kinh muốn thử xem thế giới văn minh có dám kiện họ thật không? Chưa phải về Biển Đông đâu! Biển Đông là câu chuyện của “hậu kỳ”. Trước mắt, họ lo về quốc tịch con “Virus Vũ Hán”. Nếu thiên hạ truy lùng đến tận gốc (tracing) thì dễ đổ bể lắm. Nếu thế giới kiện Trung Quốc bất tài và dối trá trong việc chống dịch, khiến một trận cúm địa phương biến thành cơn đại dịch toàn cầu, thì còn có thể nhờ WHO chạy tội để giảm án.
Nhưng đâu chỉ có thế giới, ngay cả các thần dân Vũ Hán và một số nơi khác trên đất nước Trung Hoa cũng đang lăm le kiện nhà đương cục Bắc Kinh. Vậy thì “nhất cử lưỡng tiện”, hãy “múa gậy vườn hoang” một phen. Trump như gà mắc tóc, dù tay này trường vốn và sức khoẻ còn chạy tiếp được ma-ra-tông nhiệm kỳ 2. Nhân mấy cái “mẫu hạm” của y đang bị COVID-19 làm cho lao đao, ta cứ ra tay, cướp thêm được đảo nào thì càng tốt.
Kẻ tung người hứng. Bắc Kinh lên giọng thì Hà Nội cũng buộc phải “cực lực” và “mạnh mẽ” phản đối. Lấy lệ thôi, chứ cho ăn kẹo Hà Nội cũng chưa dám “đáo tụng đình”. Hôm 17/4/2020, Bắc Kinh tung chưởng “công hàm Phạm Văn Đồng” – vị thủ tướng lâu niên nhất mà cũng bất tài nhất – Hà Nội bẹp như một con gián. Đợi mãi tới 21/4, thím Hằng mới thỏ thẻ: “Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước UNCLOS-1982 được tôn trọng”.
Cũng phải thôi! Con cái ai dám thưa kiện bố mẹ để thế gian chê “nhà kia lỗi phép con khinh bố” à? Uỷ viên quốc vụ viện Dương Khiết Trì từng công khai gọi mấy chú Ba Đình là “những đứa con hoang đàng” mà Hà Nội đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có một phó chủ nhiệm, hàm thứ trưởng ở Bộ Ngoại giao từng đứng trên bục khua môi: “Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh chẳng qua là vì yêu (ta) nên cho roi cho vọt!” Còn hàng trăm hàng ngàn dư luận viên, cỡ như “Lẩm bẩm 24h” thì ấn vào đầu thanh niên học sinh ngày nay: “Kê cao gối mà ngủ, mọi chuyện đã có đảng – nhà nước lo. Kiện Trung Quốc là mất hết đấy!” (Có lẽ Phan Đăng sợ nhất là mất mấy cái “vòng kim cô” do Bắc Kinh ban cho “những con khỉ đột” đời chót!)
Nói cho cùng thì không nên trách dàn dư luận viên loại “Lẩm bẩm 24h”. Tuy không cùng ngành “bán trôn nuôi miệng” nhưng cái cách lập luận “kiện hay không kiện Trung Quốc” kiểu ấy, cũng là một duộc “bán miệng nuôi trôn” cả thôi. Đối với người nghiêm chỉnh, muốn truy tìm nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa đầu hàng “made by Nguyễn Phú Trọng” thì phải dụng công tìm hiểu lịch sử xa xưa. Từ cái thuở “bên ni biên giới là mình, bên kia biên giới cũng tình quê hương”. Cái thuở “Việt Nam Trung Hoa… chung một Biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như Rạng Đông”.
Phải đặt ý thức hệ cộng sản trong chia cắt và binh đao như thế mới đong đếm hết cái giá dân tộc ta phải trả cho các “khoản vay quốc tế vô sản”. Đúng là quá đau đớn! Ấy vậy nhưng dù bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi mà “candidate” Tổng bí thư của Đại hội 13 Trần Quốc Vượng vẫn thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể/hợp tác xã. Ai mà chả biết, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa ấy làm ăn không hiệu quả, nhưng mức “lại quả” thì rất hấp dẫn và để cướp đất của dân thì thật hữu dụng. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi… là phản ánh chính từ báo chí quốc doanh. Vậy mà “cá chuối vẫn đắm đuối vì con”.
Chưa hết, để có thể kiện Trung Quốc, chính quyền phải có tránh nhiệm ràng buộc đối với các nền tảng pháp lý quốc tế cũng như trong nước. Tuy nội hàm khác nhau, nhưng điểm chung là các hệ thống pháp luật ấy phải thắp sáng lên được lẽ thật, phải thắp sáng lên được công lý. Không thể đang đêm xua 3.000 quân chỉ để giết một già làng, không thể kết tội một thầy giáo dạy nhạc chỉ vì chính kiến. Hãy nghe lời người thầy ấy nói trước toà: “Tôi khát khao một đất nước tự do, dân chủ. Tôi lo lắng cho vận mệnh đất nước và dân tộc… Tôi không thể vô cảm trước nguy cơ mất chủ quyền quốc gia, trước mối đe doạ xâm lăng của Trung Quốc. Dù mức án có cao đến đâu… kể cả tử hình, tôi cũng không thay đổi chính kiến”.
Trung Quốc “ngồi xổm” lên tự do – dân chủ, đã đành. Nhưng tại sao Việt Nam phải đi theo cái chủ nghĩa “giữ ghế”, “giữ lá nho” ấy? Tại sao Việt Nam hưởng ứng các thử nghiệm “phản dân chủ” kiểu Thiên An Môn? Có phải Nguyễn Phú Trọng vừa muốn ghi điểm với Tàu, nhưng lại ngại mất lòng dân? Có phải ông cần kiếm chút “chính danh” cho chế độ? Đủ thấy, cái hiệu ứng “bóng đè” ý thức hệ trùm lên không chỉ trong vấn đề biển đảo (không dám kiện anh Hai), mà cả trên những vấn đề tương lai của đất nước (không dám bỏ Chủ nghĩa xã hội). Nhưng khi “Bắc cuồng Tây nộ Đông hải biến” như Trạng Trình tiên báo, mọi sự sẽ đảo lộn. Lúc ấy, “sợi dây cháy chậm” của đảng ông Trọng tàn lụi, vụ nổ “big bang” mở ra bước ngoặt dân chủ cho Việt Nam. Chừng đó, mới có chuyện Hà Nội dám kiện Bắc Kinh./.

No comments:

Post a Comment