Tuesday, May 19, 2020

Tại sao không có tội mà nhận tội?

Chuyện Nước Non Mình

Thưa quý thính giả, đánh vào lòng mong mỏi được tha của bất cứ tù nhân nào, dù tội gì, oan hay không thì cs VN luôn luôn dùng những câu dụ dỗ như: “nhận tội rồi về sớm” hay “thành khẩn để được khoan hồng”. Đó là biểu tượng của nền công an trị tại VN.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Tại sao không có tội mà nhận tội?” của Mẹ Nấm sẽ được Bảo Trân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Nhận tội là một cách thức mà các tù nhân ở lâu năm trong trại tạm giam được công an giao cho nhiệm vụ “chăm sóc” người mới bị bắt “giác ngộ” với “đường lối khoan hồng của đảng và nhà nước”.
“Nhận đi rồi về sớm”, “thành khẩn đi rồi sẽ được khoan hồng”… mỗi ngày những người vừa bị bắt không biết sẽ phải nghe bao nhiêu câu thuyết phục như thế!
Với những vụ án có nhiều tình tiết mà điều tra viên cần khai thác thêm tâm lý của nghi phạm thì sẽ có vài bạn tù rất sốt sắng bày vẽ người mới nhập buồng khai thế nào cho nhẹ tội. Với những người mới vào tù, mọi thứ đều lạ lẫm, và bạn tù là một trong những nơi mà người ta có thể bấu víu để chia xẻ hoặc học hỏi. Nhiều người bị giam lâu, bị hù doạ, họ mất dần ý chí phản kháng, ước muốn cuối cùng là làm cách nào đó có thể nhanh được tự do.
Những câu chuyện này xảy ra nhan nhản trong các trại giam cộng sản. Đó là lý do vì sao người ta dùng các từ ngữ như “dụ cung”, “mớm cung”… bên cạnh “bức cung” “ép cung”…
Và đó cũng là lý do vì sao vai trò của luật sư rất quan trọng trong giai đoạn điều tra. Sự hiện diện của luật sư trong những phiên hỏi cung bảo đảm được quyền lợi của bị can.
Ghi âm, ghi hình chỉ là một hình thức giám sát hoạt động điều tra, giảm đi vấn nạn bức cung, dùng nhục hình. Còn vai trò của luật sư là bảo đảm người được bào chữa nghe hiểu đúng câu hỏi không bị dẫn cung, dụ cung. Không ký vào những biên bản mà mình không hiểu hết tầm quan trọng của nó trong quá trình tố tụng.
Thực tế ở Việt Nam, công an không thích luật sư. Với cơ quan điều tra sự hiện diện của luật sư là phiền toái và không có ích lợi gì. Thậm chí công an luôn tìm đủ cách để chặn hoặc tước bỏ quyền được bào chữa của bị can, bị cáo bằng cách chỉ định luật sư (những luật sư này đa phần sẽ không cãi cho thân chủ mà sẽ đi theo hướng vạch sẵn của công an để xin khoan hồng, giảm án).
Với công an, không có nguyên tắc suy đoán vô tội.
Khi công an được trao cho tấm kim bài “thanh gươm và lá chắn” của đảng thì làm sao có thể dễ dàng thừa nhận rằng họ sai!?
Thừa nhận những sai sót trong vụ án Hồ Duy Hải, khác nào bóc trần lớp mặt nạ của cơ quan tự xem là phá án giỏi nhất nhì thế giới!?
Chúng ta, những người quan sát không thể biết chắc chắc 100% ai là người vô tội. Nhưng chúng ta có nghĩa vụ tranh đấu để bảo đảm quá trình điều tra, xét xử phải diễn ra theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong tất cả mọi vụ án nếu còn quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Một vụ án có nhiều sai sót nghiêm trọng trong khi điều tra: thu thập chứng cứ, nhân chứng, bảo vệ hiện trường như vụ án Hồ Duy Hải nếu xem là chuyện bình thường với kết luận công an luôn luôn đúng thì từ nay về sau, các sai phạm cứ thế mà tiếp tục xảy ra.
Một trong những cơ sở mà các cơ quan tố tụng dùng để buộc tội Hồ Duy Hải đó là vì Hồ Duy Hải luôn nhận tội ở những thời khắc quan trọng ??
Việc điều tra phá án của công an Long An trong vụ án này có quá nhiều sơ sót nên căn cứ để đưa ra bản án tử hình là lời nhận tội và đơn xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt của Hồ Duy Hải?
Chỉ có ở xứ độc tài cộng sản Việt Nam, mới có cách xử án như thế này.
Sau 45 năm mới có một phiên toà giám đốc thẩm cho phép luật sư có mặt, nhiều người nghĩ rằng sức ép sẽ khiến người ta thấy mặt công lý. Nhưng không phải, khi một ông công an nắm giữ vai trò kiểm sát và chánh án, ông ấy và cả hội đồng không thể thừa nhận mình sai.
Nước mắt, lời kêu than của những người dân như mẹ và em gái Hồ Duy Hải không làm cho 16 thành viên khác nghĩ lại một lần xem mình có đủ dũng cảm bảo vệ tính nghiêm minh của luật pháp không.
Họ đã có sẵn quyết định với bản án bỏ túi trước khi phiên diễn bắt đầu.
Ngày hôm nay có người nói rằng bưu điện Cầu Voi không phải là một vụ án chính trị, tại sao Hội đồng xét xử lại quyết tâm đồng thuận như vậy!?
Tôi lại nghĩ khác, vụ án hình sự tưởng chừng như bình thường như bao vụ án khác lại đang trở thành cơ hội chính trị của nhiều cá nhân trước thềm đại hội XIII.
Tôi nhớ luật sư Nguyễn Hà Luân đã từng nói với tôi: “Chỉ cần họ thực hiện đúng luật họ đã thông qua là mọi thứ tốt lắm rồi”.
Nhưng thực tế đời đâu phải là mơ! Đã có luật, nhưng thích giẫm lên luật và suy diễn luật theo hướng cai trị đàn áp, khái niệm luật rừng mới ra đời.
Bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật của lực lượng công an điều tra trong vụ án Hồ Duy Hải với lý do “không ảnh hưởng đến bản chất vụ án” cho thấy chính cơ quan nhà nước không tuân thủ pháp luật.
Số phận của Hồ Duy Hải sẽ ra sao?
Bộ luật Tố tụng Hình sự, Chương XXVII, quy định về thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.
Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng VKS tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sẽ phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.
Điều này có nghĩa là quyết định hôm nay của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đối với vụ án của Hồ Duy Hải có thể bị xem xét lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ là người tiếp theo ghi điểm tín nhiệm bằng số phận của tử tù Hồ Duy Hải!?
Thấy nghẹn thắt lòng khi nhìn hình ảnh của mẹ Hải trước toà hôm nay.
Mẹ Nấm

No comments:

Post a Comment