Thursday, May 28, 2020

Tin Tức: Thứ Năm 28.05.2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh Miên Dương trình bày sau đây.
VIỆT NAM VI PHẠM LUẬT PHÁP QUỐC TẾ KHI BẮT GIAM SINH VIÊN PHAN KIM KHÁNH
Trong một báo cáo mới nhất, Ủy ban Bài trừ Bắt giữ Tùy tiện của LHQ (Working Group on Arbitrary Detention- gọi tắt là WGAD) khẳng định bạo quyền Hà Nội đã vi phạm luật pháp quốc tế khi bắt giam sinh viên Phan Kim Khánh.
Báo cáo cũng khẳng định là anh Phan Kim Khánh chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa, vì thế Ủy ban WGAD yêu cầu bạo quyền CSVN phải tuân thủ các công ước LHQ và lập tức trả tự do cho Phan Kim Khánh. Báo cáo này được đưa ra sau khi tổ chức Freedom Now và Công ty Luật Quốc tế Dechert đệ đơn lên LHQ, nội dung tố cáo bạo quyền CSVN đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Như tin đã loan, anh Phan Kim Khánh, năm nay 27 tuổi, bị bắt vào ngày 21/3/2017 với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ CSVN”, hiện đang bị giam tại nhà tù Nam Hà.
Trước khi bị bắt, anh Phan Kim Khánh là sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế, thuộc đại học Thái Nguyên. Vào năm 2015, anh nhận được học bổng của chương trình Thủ lãnh Trẻ tuổi Đông Nam Á để tham gia khóa đào tạo do tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội tổ chức.
TRUYỀN THÔNG HOA KỲ CHỈ TRÍCH VỤ BẮT GIỮ 2 NHÀ BÁO ĐỘC LẬP TẠI VIỆT NAM
Vào hôm qua, Hiệp hội Truyền thông Quốc tế Mỹ lên tiếng chỉ trích bạo quyền Hà Nội về vụ bắt giữ hai thành viên thuộc Hội Nhà báo Độc lập VN, và khẳng định đây là hành vi bịt miệng giới bất đồng chính kiến.
Trong thông cáo, Hiệp hội này cho biết nhà báo Nguyễn Tường Thụy là thành viên thứ 4 của hội, bị bạo quyền CSVN bắt giam. Ba người bị bắt trước kia là các nhà báo Nguyễn Văn Hóa và Trương Duy Nhất, cộng tác viên của đài Á châu Tự do, và ông Lê Anh Hùng thuộc đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Thông cáo nhấn mạnh là chiến dịch bắt bớ gia tăng ở Việt Nam là một hành động tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận và báo chí.
Một ngày trước đó, thứ Ba 26/5, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả cũng ra thông cáo báo chí, nội dung yêu cầu bạo quyền CSVN phải trả tự do ngay lập tức cho 2 nhà báo Phạm Thành và Nguyễn Tường Thụy, đồng thời phải hủy bỏ mọi cáo buộc đối với hai ông. Thông cáo cũng yêu cầu phải chấm dứt chiến dịch đàn áp các nhà báo độc lập, cho phép người dân được quyền tự do ngôn luận và làm báo. 
PHÁP – BỈ BẮT THÊM 26 NGƯỜI DÍNH LÍU ĐẾN VỤ ÁN 39 TỬ THI VIỆT Ở ANH
Công tố viện Pháp vào hôm thứ Tư 27/5 loan báo là nhân viên an ninh hai nước Bỉ – Pháp đã bắt thêm 26 người trong đường dây buôn người, đã dẫn đến cái chết của 39 công dân Việt trong một thùng xe tải, được phát giác tại Anh vào tháng 10 năm ngoái.
Trong số 26 nghi can nói trên, có 11 người mang quốc tịch Việt, thuộc đường dây buôn người Á châu vô cùng quy mô. Mỗi ngày có hàng chục người được đưa lậu vào các nước Âu châu, đa số là di dân Việt.
Vụ phá vỡ đường dây này diễn ra vào hôm thứ Ba 26/5 khi giới chức Pháp – Bỉ phối hợp đột kích vào 16 địa điểm ở hai nước.
HÀNG LOẠT DỰ ÁN KHÔNG CHỈ THUA LỖ MÀ CÒN MẮC NỢ CẢ TỶ MỸ KIM
Trong một báo cáo gửi lên quốc hội, nhà nước CSVN cho biết là có 12 đại dự án liên tục thua lỗ và hiện mắc nợ hơn 21 ngàn tỷ đồng.
Theo báo cáo, chỉ riêng Ngân hàng Phát triển VN đã cho vay gần 10 ngàn tỷ đồng cho 6 tập đoàn, gồm có công ty Tisco, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy đóng tàu Dung Quất, một dự án ở Hải Phòng và một dự án ở Lào Cai.
Trong tổng số 12 tập đoàn thua lỗ và nợ nần bạc tỷ đều thuộc bộ công thương, trong số đó có 5 dự án là do các công ty Trung Cộng nhận thầu xây dựng và cung cấp vật liệu thiết bị.
BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA ĐẶC KHU KINH TẾ PHÚ QUỐC ĐƯỢC HÌNH THÀNH 
Đặc khu kinh tế Phú Quốc bắt đầu hình thành bằng bước đầu tiên sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định miễn thị thực đối với người ngoại quốc đến hòn đảo này, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới đây.
Phú Quốc là một trong 3 địa phương được nêu tên trong dự luật đặc khu mà nhà cầm quyền CSVN muốn thông qua vào hai năm trước, dẫn đến cuộc tổng biểu tình trên toàn quốc vào năm 2018. Ngay sau đó, quốc hội CSVN tuyên bố hủy bỏ dự luật này, nhưng chuyển sang một thủ đoạn khác có tên là khu “kinh tế biển”.
Dựa theo đạo luật nhập cảnh vừa được sửa đổi vào năm 2019, bộ Công an đề nghị miễn thị thực nhập cảnh đối với những người ngoại quốc đến thăm viếng và làm ăn tại Phú Quốc. Đề nghị này vào hôm qua đã được ông Phúc thông qua, mở đường cho việc hình thành đặc khu Phú Quốc sau khi Vân Đồn cũng gián tiếp trở thành đặc khu vào cuối năm 2019.

No comments:

Post a Comment