Saturday, May 16, 2020

Thái Phó Trương Hán Siêu

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,
Sử Việt ghi lại những chiến công hiển hách của các tướng lãnh nhà Trần. Đặc biệt là vua Trần Nhân Tông, một vị minh quân nhiều lần chiến thắng quân Nguyên – Mông, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc. Di chúc của ngài để lại, mãi đến nay con dân Việt vẫn luôn ghi nhớ: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Bên cạnh đó, đời Trần còn có một thi nhân nổi tiếng, kiệt tác văn chương của ông là Bạch Đằng Giang Phú, một áng thiên cổ hùng văn nói lên tinh thần yêu nước và niềm tự hào của dân tộc. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Thái Phó Trương Hán Siêu  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Việt Thái
Trong Bạch Đằng giang phú của Thái phó Trương Hán Siêu khen ngợi vua nhà Trần anh minh và niềm tự hào trước chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng. Đồng thời ca ngợi truyền thống bất khuất của nòi giống Tiên Rồng.
“Anh minh hai vị thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thuở thanh bình.
Tại đâu đất hiểm bởi mình đức cao.”
Và 4 câu thơ kết thúc bài “Bạch Đằng giang phú” khẳng định đạo lý nhân nghĩa ngàn đời của dân tộc như:
“Sông Đằng một dải dài ghê,
Luồng to sóng lớn dồn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.”
Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, Trường Yên (nay là Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Thuở nhỏ ông thông minh, chính trực, học vấn sâu rộng, văn võ song toàn.
Ông được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tiến cử vào triều đình và đã góp nhiều công sức trong cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba.
Ông đảm nhiệm nhiều chức quan trải suốt 4 đời vua:
-Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong ông làm Hàn lâm Học sĩ.
-Năm 1314, vua Trần Minh Tông giao ông giữ chức Hành khiển.
-Năm 1339, vua Trần Hiến Tông thăng ông lên chức Hữu ty Lang trung.
-Năm 1342, vua Trần Dụ Tông thăng ông lên Tả ty Lang trung, kiêm Kinh lược sứ Lạng Giang.
-Năm 1345, ông được thăng lên Tả gián nghị Đại phu. 
-Năm 1351, ông làm Tham tri Chính sự.
-Năm 1353, ông lãnh quân Thần sách ra trấn nhậm Hóa Châu (Huế).
-Tháng 11 năm 1354, ông cáo bệnh về hưu, nhưng về chưa đến kinh sư thì qua đời.
-Năm 1363, vua Trần Dụ Tông truy tặng chức Thái phó.
-Năm 1372, vua Trần Nghệ Tông ban chiếu thờ ông trong Văn miếu.
Các tác phẩm của ông hiện còn những bài thơ:
-Cúc hoa Bách vịnh.
-Hóa Châu tác.
-Dục Thúy sơn.
-Quá Tống đô.
Về văn xuôi có 2 bài:
-Khai Nghiêm tự bi ký.
-Dục Thúy sơn linh tế tháp ký.
Bạch Đằng Giang phú là tác phẩm xuất sắc của ông, đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu của văn học thời nhà Lý và nhà Trần. Tác phẩm này được xem là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học Việt Nam.
Bạch Đằng giang phú là một trong những bài phú chữ Hán nổi tiếng nhất từ thời Trần còn lại. Bài phú này được viết theo cổ thể. Cấu kết của tác phẩm theo hình thức đối đáp giữa chủ và khách.
-Khách là người yêu cảnh trí thiên nhiên, có thú du ngoạn, tâm hồn khoáng đạt và có tâm huyết với lịch sử dân tộc. Khách tìm đến sông Bạch Đằng không chỉ vì yêu thiên nhiên mà còn vì lòng ngưỡng mộ nơi có nhiều chiến công oanh liệt và khát vọng tìm hiểu về lịch sử.
-Chủ là những bô lão ở ven sông Bạch Đằng mà khách gặp, vừa là dân địa phương, vừa là những người đã từng chứng kiến, tham gia chiến trận. Cũng có thể nhân vật bô lão là nhân vật có tính chất hư cấu mà tác giả dựng lên để bộc lộ cảm xúc về quê hương đất nước.
Bạch Đằng là tên con sông ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc Việt như chiến thắng quân Nam Hán vào năm 938 của đức Ngô Quyền, chiến thắng quân Nguyên – Mông năm 1288 của đức Trần Hưng Đạo. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về con sông lịch sử đầy niềm tự hào này, nhưng bài Bạch Đằng giang phú của ông là nổi tiếng đặc sắc nhất, vì không chỉ là một áng văn bất hủ, mà nó còn giúp cho hậu thế hiểu được sự gian khổ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông cùng với niềm kiêu hãnh của dân Đại Việt về các chiến thắng trên sông Bạch Đằng.
Để tưởng nhớ người anh hùng đã có công chống giặc ngoại xâm phương Bắc, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập cho nước nhà, ngoài Văn Miếu, dân chúng còn lập đền thờ ông tại chân núi Non Nước, nằm bên sông Đáy, thành phố Ninh Bình.
*****
Nước Việt có chiều dài lịch sử gần 5000 năm, lưu danh nhiều bậc minh quân, văn thần, võ thánh, anh hùng liệt nữ đã nằm xuống cho sự trường tồn của dân tộc. Nhưng trong bối cảnh đất nước hiện nay, khi đọc lại các bài thơ của Thái phó Trương Hán Siêu, ai ai cũng cảm thấy ngậm ngùi trước sự khiếp nhược, thần phục “thiên triều” của tập đoàn cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng.
Tập đoàn này, từ trong tiềm thức đã chấp nhận thân phận làm nô lệ giặc Tàu, nên đều khom lưng cúi đầu trước “Thiên triều” mà không cảm thấy nhục nhã và xấu hổ với các bậc Tiền nhân.
Nhiều quốc gia trên thế giới không thể tin được là một dân tộc đã từng đánh bại đạo quân bách chiến bách thắng của Mông Cổ, nhưng bây giờ lại sản sinh ra nhiều tướng lãnh luôn khom lưng cúi đầu trước kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, không dám hó hé khi giặc Tàu ngang nhiên chiếm biển đảo, giết hại ngư dân Việt ngoài biển Đông.
Lịch sử Việt Nam đang lặp lại nỗi ô nhục giống như triều đại nhà Trần, tập đoàn Trần Ích Tắc đã lén lút đầu hàng và tự nguyện dâng hiến mảnh giang sơn gấm vóc cho kẻ thù phương Bắc. Và như vậy, thì gian thần Trần Ích Tắc sẽ không còn cô đơn dưới suối vàng, vì sắp gặp một bầy hậu duệ để cùng chia xẻ tội danh “mãi quốc cầu vinh”!

No comments:

Post a Comment