Saturday, May 2, 2020

Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, một vị tướng đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh khi còn mang cấp bc Đại Tá. Ông được xem là một trong những cấp chỉ huy nổi tiếng gan dạ nhất Sư Đoàn lúc còn là Trung Đoàn Trưởng.
Ngày 30/4/1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội buông súng, ông cho thuộc cấp tan hàng, sau đó bước ra trước cột cờ Bộ Tư Lệnh đứng nghiêm chào, rồi rút súng bắn vào đầu tự sát, đền nợ nước. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ  của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay

Việt Thái
Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ sinh ngày 22/8/1933 tại Sơn Tây, cha là Lê Nguyên Liên và mẹ là Lê Thị Huệ. Ông tốt nghiệp trung học tại Hà Nội.
-Năm 1951, ông thụ huấn khóa 2, trường Võ bị Địa phương Trung Việt, Huế. Tốt nghiệp mang cấp bậc Thiếu úy, về làm Trung đội trưởng trong Tiểu đoàn 19, đồn trú tại Bạc Liêu.
-Năm 1953, học khóa 1 Biệt kích tại Trung tâm Huấn luyện Biệt Động ở Bãi Cháy, Hòn Gai, Quảng Yên. Khi mãn khóa được thăng cấp Trung úy.
-Năm 1954, ông theo học khóa Huấn luyện viên Nhảy Dù tại Pháp.
-Năm 1956, thăng cấp Đại úy, học khóa Bộ binh Cao cấp. Sau đó được bổ nhiệm chức vụ Quận trưởng quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
-Năm 1961, thăng cấp Thiếu tá, giữ chức Tiểu đoàn trưởng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
-Năm 1968, thăng cấp Trung tá, nắm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8, Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
-Năm 1970, thăng cấp Đại tá, theo học khóa Chỉ huy và Tham mưu tại Hoa Kỳ.
-Năm 1971, ông về làm Tư lệnh phó Sư Đoàn 5 Bộ Binh và chiến đấu tại phòng tuyến An Lộc. Sau khi chiến thắng, ông được giao chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Chiến thuật Quân đoàn III, Quân khu 3 và được cử đi thăm viếng Trung Hoa Dân Quốc.
-Năm 1973, thuyên chuyển về làm Tư lệnh phó Sư Đoàn 21 Bộ Binh và sau đó nhận chức Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
-Năm 1974, ông được vinh thăng Chuẩn tướng.
Theo lời Trung úy Khang, Sĩ quan Tùy viên của ông, kể lại:
“Tướng Vỹ làm việc không kể ngày đêm, hết ở Bộ Tư Lệnh căn cứ tại Lai Khê, lại bay tới các căn cứ của trung đoàn, tiểu đoàn để đốc thúc đào giao thông hào, tu bổ hệ thống phòng thủ, xây chướng ngại vật để ngăn chận chiến xa. Ông lưu tâm đặc biệt về việc rèn luyện tân binh, thường xuyên mở lớp huấn luyện và ôn tập cho thuộc cấp. Đặc biệt, ông rất hăng say trong công tác bài trừ tệ nạn tham nhũng trong quân đội. Từ ngày về Sư Đoàn, ông cải tổ và xây dựng được nhiều thành quả, mang lại niềm tin cho các cấp”.
Và Trung úy Khang kể tiếp:
Khoảng 10 giờ sáng ngày 30/4/75, các Trung đoàn mất liên lạc với BTL/SĐ. Thình lình, tôi nghe được bản tin của Tổng thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh kêu gọi binh lính VC ngừng chiến và ở nguyên vị trí chờ bàn giao… Bản tin được lập lại liên tục nhiều lần.
Tại căn cứ phòng thủ của Sư Đoàn, ông triệu tập phiên họp bất thường để giải thích cho thuộc cấp về lệnh bàn giao. Ông nói: “Lệnh bắt chúng ta buông súng bàn giao cho địch, nói thẳng ra là lệnh bắt chúng ta buông súng đầu hàng…”. Sau đó, ông dõng dạc tuyên bố: “Vì tôi là một Tướng chỉ huy mặt trận, tôi không thể thi hành lệnh này. Tôi nghĩ thân làm Tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ân huệ của Quốc Gia hơn các anh em, nên tôi phải chọn lấy con đường riêng của tôi”.
Sau đó, Tướng Lê Nguyên Vỹ ra lệnh cho thuộc cấp tan hàng, bình tĩnh bước ra trước cột cờ Bộ Tư Lệnh đứng nghiêm chào, rồi rút súng bắn vào đầu tự sát.
Thi thể ông được an táng trong rừng cao su gần doanh trại, về sau được thân nhân bốc mộ mang về cải táng ở nghĩa trang Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
*****
Tướng Lê Nguyên Vỹ được đánh giá là một chiến binh quả cảm, một sĩ quan mẫn cán, năng nổ, có tài về tham mưu và là một cấp chỉ huy bộc trực, thanh liêm. Ông là một trong những vị tướng của Quân lực VNCH luôn tự lực cánh sinh, tinh thần tự trọng cao độ, không bao giờ ỷ lại vào sự trợ giúp từ phía Hoa Kỳ.
Con đường ông chọn lựa để “ra đi” vào ngày 30/4, từ nhiều năm trước đã có Tổng đốc Hoàng Diệu, danh tướng Nguyễn Tri Phương và nhiều vị anh hùng khác lựa chọn. Ông đã không cô đơn trong những ngày uất hận đó vì khắp nơi ở miền Nam cũng có nhiều quân nhân lựa chọn con đường này. Không chỉ có các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú đồng hành với ông, mà trong những ngày đau buồn của Tháng 4 Đen, rất nhiều Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ cũng đã chọn sự tuẫn tiết thay vì rơi vào tay giặc.
Trong 45 năm qua, rất nhiều đồng đội của ông và đồng bào trong và ngoài nước, đều xem ông là một anh hùng của dân tộc, vì đã đóng góp máu xương trong công cuộc bảo vệ lý tưởng tự do của miền Nam Việt Nam. 
Một ngày nào đó, tên tuổi Lê Nguyên Vỹ sẽ được thế hệ mai sau biết đến trong những cuốn sách giáo khoa về môn sử Việt. Nó được viết bởi sự trung thực của những sử gia chân chính, chứ không phải là những dòng chữ bịa đặt và bẻ cong sự thật của lũ văn nô bồi bút thuộc Tập đoàn cộng sản VN hiện nay.
Lịch sử không chỉ là những bản hùng ca chiến thắng, mà còn phải ghi chép những bi kịch về những người đã cầm vũ khí để bảo vệ đất nước. Trong đó có cả sự tuẫn tiết bi hùng của những vị tướng như Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú. 
Với tấm lòng ngưỡng phục, thành kính dâng ba nén hương để tưởng nhớ, tri ân những tướng lãnh oai hùng. Và xin mượn hai câu thơ của thi sĩ Hoàng Phong Linh để vinh danh Chư Liệt Vị:
Những con người không tên không tuổi,
Dựng quê hương thành tuổi thành tên!

No comments:

Post a Comment