Saturday, February 1, 2020

Nữ Tướng Bùi Thị Nhạn

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt đã sản sinh ra rất nhiều bậc anh thư, kiên cường chiến đấu trong tinh thần bất khuất và không ít người trong số đó đã trở nên bất tử với cái chết trung liệt được người đời sau kính trọng. Trong các bậc anh thư nổi tiếng có Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nữ Tướng Bùi Thị Nhạn”  của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Việt Thái
Bà Bùi Thị Nhạn là một trong Tây Sơn Ngũ Phụng Thư.
Tây Sơn Ngũ Phụng Thư là danh hiệu của năm phụ nữ nổi bật thuộc nhà Tây Sơn, gồm có:
-Bà Bùi Thị Xuân là vợ Thiếu phó Trần Quang Diệu.
-Bà Bùi Thị Nhạn là hoàng hậu của vua Quang Trung.
-Bà Trần Thị Lan là vợ của Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết.
-Bà Huỳnh Thị Cúc là nữ tướng dưới quyền của bà Bùi Thị Xuân.
-Bà Nguyễn Thị Dung là vợ của tướng Trương Đăng Đồ.
Bùi Thị Nhạn là người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà là con út của ông Bùi Đức Lương, một người rất giàu có ở thôn Xuân Hòa. Bà có ba người anh trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung, Bùi Đắc Tuyên và một chị gái tên là Bùi Thị Loan. Bà cũng là cô ruột của nữ tướng Bùi Thị Xuân, nhưng do tuổi hai người gần bằng nhau nên hai bà rất thân thiết. Bà Nhạn tuy vai lớn nhưng tuổi lại nhỏ hơn, được nữ tướng Bùi Thị Xuân truyền dạy võ nghệ, dẫn dắt gia nhập vào đoàn nữ binh Tây Sơn và cùng phụ trách huấn luyện quân sĩ.
Do cùng chí hướng và hợp tánh, bà và thủ lãnh Nguyễn Huệ trở nên thân thiết. Sau khi người vợ lớn tên Phạm Thị Liên mất vì bạo bệnh, Nguyễn Huệ cưới bà và phong làm Chính cung Hoàng hậu. Thời gian sau, khi vua Quang Trung băng hà, Quang Toản lên ngôi lấy niên hiệu Cảnh Thịnh, bà được phong làm Hoàng thái hậu. Vì vua Cảnh Thịnh còn nhỏ nên quyền hành đều nằm trong tay người cậu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Chính vì Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền nên triều đình Tây Sơn bắt đầu suy sụp. Lợi dụng cơ hội này, Nguyễn Phúc Ánh từ Gia Định tiến quân ra đánh nhà Tây Sơn.
Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh đánh tới kinh thành Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh và Đô đốc Bùi Thị Xuân cùng nhiều tướng lãnh khác đều phải cầm quân ra trận. Thành Phú Xuân thất thủ, Bùi Thái Hậu và vua Cảnh Thịnh phải rút ra Bắc.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh đem quân lần lượt đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa… rồi tiến ra Bắc.
Lực lượng Tây Sơn ở Bắc thành rất yếu và không đủ quân số để chống cự nên thua trận. Đô đốc Tuyết cùng vợ là nữ tướng Trần Thị Lan đưa vua Cảnh Thịnh qua sông Nhị Hà lui về phía Bắc. Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Quang Dung theo hộ giá.
Khi đến Xương Giang thì bị quân Nguyễn Ánh vây đánh, Đô đốc Tứ và Tư mã Dungtử trận.
Hai vợ chồng Đô đốc Tuyết cùng với Bùi Thái Hậu tả xunghữu đột, phá vòng vây phò xa giá rút lui, nhưng được mười dặm thìquân của Lê Chất đuổi kịp. Sau khi Đô đốcTuyết tử trận, nữ tướng Trần Thị Lan và Bùi Thị Nhạn sát cánh chiến đấu, đánhtan nhiều đợt tấn công của quân nhà Nguyễn. Cuối cùng, trong trận chiến ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất, vì sức cùng lực kiệt và trong khi quân địch quá đông, hai bà dùng gươm tự sát vì không muốn lọt vào tay Nguyễn Ánh.
* * *
Một trong những triều đại hiển hách nhưng lãnh nhận nhiều oan khiên nhất trong dòng lịch sử nước Việt có lẽ là triều đại Tây Sơn.
Đây là triều đại đã có công thống nhất sơn hà sau thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh suốt hơn một thế kỷ khiến đất nước chia thành hai miền Nam – Bắc. Và nếu như vua Quang Trung không mất sớm, thì vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) khó có thể chiến thắng để lập nên triều đại nhà Nguyễn, dẫn đến mối họa xâm lăng của thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19 vì sự u mê thiếu sáng suốt của các vua nhà Nguyễn.
Sau triều đại Hai Bà Trưng, có lẽ thời đại Tây Sơn cũng là thời đại xuất hiện rất nhiều nữ tướng có võ nghệ cao cường, trong đó có 2 phụ nữ mang họ Bùi là Bùi Thị Xuân và Bùi Thị Nhạn. Họ là những người đã cùng với chồng mang lại những chiến công hiển hách cho quân Tây Sơn, từ các trận đánh đuổi quân Thanh ở Bắc Hà cho đến việc tiêu diệt quân Xiêm La ở miền Nam, hay đốt cháy các chiến thuyền của đạo quân đánh thuê Tây Phương do Nguyễn Ánh cầu viện.
Điều đáng buồn là khi nhắc đến những phụ nữ thân cận vua Quang Trung, người ta thường nói đến Ngọc Hân công chúa với bài “Ai tư vãn” khóc vua Quang Trung, nhưng ít ai nhắc đến Bùi Thị Nhạn, một phụ nữ đã cầm quân chinh chiến trước khi trở thành hoàng hậu, giúp chồng con trị quốc. Nguyên nhân dẫn đến việc quên lãng công trạng của Bà, có thể vì hậu thế oán hận anh trai của Bà là Thái sư Bùi Đắc Tuyên, người đã lộng quyền dẫn đến sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn.
Nếu đúng như thế thì người dân Việt cần phải trả lại sự công bằng của lịch sử đối với Bà. Nếu nữ tướng Bùi Thị Xuân được người Việt tưởng nhớ bằng cách đặt tên cho nhiều đường phố và trường học, thì Hoàng hậu Bùi Thị Nhạn cũng xứng đáng có chỗ đứng như thế trong lịch sử Việt Nam!

No comments:

Post a Comment