Thursday, February 6, 2020

Lửa cháy thành Đại La

Bình Luận

Kính thưa quý thính giả, những tranh dành và đấu đá phe nhóm bên trong đảng CSVN ngày càng tăng tốc. Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư thành ủy Hà Nội tức thành Đại La thuở xa xưa sẽ là con vật tế thần kế tiếp. 
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Nam với tựa đề: Lửa cháy thành Đại La sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nguyễn Nam
Theo truyền thuyết, do thành xây đi xây lại vẫn bị sụt ở vùng sông Tô Lịch, Cao Biền đã cho trấn yểm tại đây để làm cho đất vững và chặn dòng long mạch của vùng đất này. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ đổi tên thành Đại La là thành Thăng Long.
Ông Hoàng Trung Hải, đương kim bí thư Thành ủy Hà Nội là người quê ở Thái Bình, song cộng đồng mạng xã hội tại Việt Nam đã mượn tên bộ phim cổ trang “Lửa cháy thành Đại La” mà cặp đôi minh tinh màn bạc một thời Lý Hùng – Việt Trinh thủ diễn, để nói về ‘củi gộc’ Hoàng Trung Hải đang mấp mé lò luyện đan của ngài tổng bí thư đảng.
Đầu giờ chiều ngày 9/12/2019, đồng loạt các trang báo điện tử ở Việt Nam đưa tin, “Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khi còn là phó thủ tướng đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II)”.
Trở ngược thời gian, từ mấy năm trước, nhà báo tự do Lê Anh Hùng, một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đã bền bỉ có đơn thư tố cáo về hàng loạt sai phạm của ông Hoàng Trung Hải từ giai đoạn ông này còn giữ chức bộ trưởng, rồi leo dần tới phó thủ tướng thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, và chuyển sang là bí thư Thành ủy Hà Nội như hiện nay.
Báo chí không đăng rõ về những sai phạm cụ thể ra sao của ông Hoàng Trung Hải, mà chỉ đăng mỗi một câu được cho là nguyên văn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II”.
Theo nhà báo Lê Anh Hùng, người đã bị nhà chức trách cho rằng mắc bệnh tâm thần phải bị cưỡng chế chữa trị, thì ông Hoàng Trung Hải là người trực tiếp ký 2 văn bản quan trọng nhất: Công văn số 323/TTg-QHQT ngày 4/3/2008 “đồng ý chủ trương cho Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa – Đài Loan lập Dự án đầu tư nhà máy liên hiệp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”, và Công văn số 869/TTg-QHQT ngày 6/6/2008 “đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”, đưa đến sự ra đời của Formosa Hà Tĩnh, một dự án mà rất nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà quân sự đã phản đối mạnh mẽ vì hiểm hoạ vô cùng lớn của nó: một doanh nghiệp Trung Quốc được giao một diện tích mặt đất và mặt biển (cùng với cảng nước sâu Sơn Dương, 1 trong 4 tử huyệt của Việt Nam trên Biển Đông) bằng 1,2 lần diện tích Ma Cao ở vị trí cực kỳ xung yếu – trải dài hơn 5km mặt biển dưới chân Đèo Ngang, cách không xa căn cứ quân sự Tam Á của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.
Theo một tài liệu được nhà báo Lê Anh Hùng tin rằng có sức thuyết phục mà ông Nguyễn Bình Giang, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng ba khóa VI–VII–VIII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương đã công bố, thì thân phụ của ông Hải tên là Sì Sói, sinh ra và lớn lên ở Long Khê, Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc. Vì thế, ông Hoàng Trung Hải là người Hán, chứ không phải là người Kinh như trong bản lý lịch tự khai của ông.
Những ngờ vực của nhà báo Lê Anh Hùng và của ông Nguyễn Bình Giang càng được củng cố khi mới đây trên báo chí của chính nhà nước Việt Nam đưa tin, nhà chức trách Đài Loan hôm 24/11 cho biết đã khởi động cuộc điều tra sau khi một người tên Wang Liqiang tự nhận là gián điệp Trung Quốc, khai nhận tham gia chiến dịch tình báo do Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm can thiệp vào bầu cử chức danh đứng đầu hòn đảo này.
Các cơ quan an ninh và điều tra Đài Loan cũng đã mở cuộc điều tra đối với Han Kuo Yu, ứng viên Quốc dân đảng có xu hướng thân Đại lục, với cáo buộc nhận 2,8 triệu USD từ Bắc Kinh trong chiến dịch tranh cử chức thị trưởng thành phố Cao Hùng tháng 11/2018.
Trước đó, cũng trên tờ Zing, đưa tin, Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc đang tìm cách can thiệp cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 6/11/2018 tại Mỹ, ông khẳng định Bắc Kinh không muốn đảng Cộng hòa giành chiến thắng vì quan điểm cứng rắn của ông đối với vấn đề thương mại giữa hai nước, theo Reuters.
Như vậy, giả dụ như mai này ‘củi gộc’ Hoàng Trung Hải sẽ thổi bùng cho lửa cháy thành Đại La, thì xem ra các tố cáo trước đây của nhà báo Lê Anh Hùng là những cảnh báo có cơ sở, song lại không nhận được sự quan tâm của các cấp thẩm quyền.
Tương tự, trong trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng hiện nay, rất nhiều bài viết phản biện của ông đang bị cho là ‘chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’; rất cần soát xét lại về chuyện minh bạch của thế nào là ‘chống’, và phải hiểu ra sao về chuyện ‘xây’?

No comments:

Post a Comment