Thursday, February 27, 2020

TIN TỨC: Thứ Năm, 27/02/2020

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Vân Khanh Đồng Tâm trình bày sau đây.
YÊU CẦU LIÊN HIỆP QUỐC ĐIỀU TRA VỤ THẢM SÁT TẠI XÃ ĐỒNG TÂM
Vào hôm thứ Ba 25/2, hơn 10 tổ chức nhân quyền và hội đoàn dân sự đã cùng ký tên vào một lá thư gửi đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nội dung kêu gọi cơ quan này mở cuộc điều tra về hành vi đàn áp dã man của bạo quyền Hà Nội tại xã Đồng Tâm vào ngày 9/1 vừa qua.
Lá thư cho biết là hơn 3000 công an, an ninh đã tấn công vào xã Đồng Tâm, hạ sát cụ Lê Đình Kình 84 tuổi, người cầm đầu cuộc đấu tranh giữa đất tại xã này. Công an cũng đã hành hung, đánh đập hàng chục người và bắt mang đi 27 người, trong đó có nhiều con cháu của cụ Kình.
Trong thư, các tổ chức đề nghị LHQ cử một đặc sứ đến điều tra vụ tấn công man rợ nói trên, yêu cầu bạo quyền Hà Nội phải phóng thích những người bị bắt hoặc cho phép họ được tiếp xúc với giới luật sư bào chữa cho họ. Ngoài ra, lá thư còn đề nghị buộc Hà Nội phải cho phép các nhà báo độc lập và tổ chức nhân quyền đến xã Đồng Tâm để tìm hiểu sự thật về biến cố nói trên.
Như tin đã loan, sau khi xảy ra vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình, khối Âu châu và Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu bạo quyền Hà Nội phải tường trình minh bạch về biến cố này.
SÀI GÒN KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG ĐỐI PHÓ VỚI DỊCH COVID-19
Trong phát biểu vào hôm thứ Ba 25/2, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Sài Gòn, lo ngại là giới chức y tế nơi này không đủ khả năng đối phó nếu dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát mạnh.
Giải thích mối lo ngại nói trên, ông Phong cho biết là Sài Gòn hiện chỉ có 900 giường bệnh để cách ly các bệnh nhân. Theo ông Phong, với 322 xã phường, nếu mỗi nơi chỉ có khoảng 3 người bệnh thì đã vượt xa số giường bệnh nói trên.
Cũng trong cuộc họp nhằm đối phó dịch Covid-19 nói trên, ông Phong cho biết là nhà cầm quyền vẫn chưa có quyết định về thời gian học sinh trở lại trường học.
Các lo ngại của ông Phong có vẻ mâu thuẫn với lời tuyên bố của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, người đang giữ quyền điều hành Bộ Y tế Việt Nam. Không chỉ khoe khoang là Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19, ông Đam vào hôm qua đã đồng ý cho phép tỉnh Khánh Hòa tuyên bố đã dập tắt được dịch trong khi cả thế giới đang lên cơn sốt vì dịch đang lan nhanh tại nhiều nước, từ Âu châu sang đến Phi châu và Nam Mỹ.
NGÀNH ĐIỆN TỬ VÀ DỆT MAY VIỆT NAM SẮP NGỪNG HOẠT ĐỘNG VÌ DỊCH COVID-19
Nhiều công ty điện tử và dệt may tại Việt Nam có nguy cơ ngừng sản xuất vì cạn kiệt nguyên vật liệu nhập cảng từ Trung Cộng và Nam Hàn. Theo loan báo của Bộ Công Thương Việt Nam, các công ty điện tử chỉ còn đủ phụ tùng để sản xuất cho đến cuối tháng 3.
Ngành may mặc cũng chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc đến đầu tháng 4.
Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành tại Hoa Lục và Nam Hàn, nhiều công ty sẽ phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn công nhân sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp.
Giải thích tình trạng trên, Bộ Công Thương Việt Nam cho biết Hoa Lục là nơi cung cấp nguyên liệu lớn nhất cho các nước. Không chỉ phụ thuộc vào việc nhập cảng nguyên vật liệu từ Trung Cộng, Việt Nam còn sống dựa vào nguồn cung cấp từ Nam Hàn và Nhật Bản, hai quốc gia đang trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ nhì sau Hoa Lục.
MỘT CÔNG DÂN NAM HÀN PHÁT BỆNH COVID-19 SAU KHI TRỞ VỀ TỪ VIỆT NAM
Một công dân Nam Hàn được xác nhận nhiễm siêu vi Covid-19, sau khi trở về từ Việt Nam vào ngày 16/2 vừa qua.
Chính phủ Nam Hàn vào hôm thứ Hai, 24/2 cho biết bệnh nhân này là một người đàn ông 62 tuổi, trở về nước vào hôm 16/2 và được xác nhận là nhiễm bệnh vào hôm thứ Bảy 22/2 tại thủ đô Seoul. Phía Việt Nam đang yêu cầu Nam Hàn cung cấp thêm chi tiết để truy lùng những người mà ông này đã tiếp xúc tại Việt Nam.
Ngoài ra, vào hôm qua, hai công dân Nam Hàn đã trở về nước sau khi từ chối bị cách ly tại thành phố Phan Thiết.
Hiện nay, số người nhiễm dịch tại Nam Hàn đã lên đến hơn 1300 người, tức gia tăng gấp 26 lần so với 5 ngày trước, với 12 người chết.
THẾ GIỚI LÊN CƠN HOẢNG HỐT VÌ DỊCH COVID-19 LAN ĐẾN NHIỀU NƯỚC ÂU CHÂU
Dịch Covid-19 đang lan đến nhiều nước ở Âu châu mà ổ dịch lớn nhất vẫn là ở nước Ý, với hơn 300 người nhiễm bệnh và 11 người chết, tính đến hôm qua.
Giới chức Áo, Thụy Sĩ và Croatia cho biết các trường hợp nhiễm mới nhất là những người từng đến nước Ý, Algeria và Phi châu. Giới chức Tây Ban Nha vào hôm qua cũng loan báo một phụ nữ vừa trở về Ý đã phát bệnh. Một người Pháp cũng thiệt mạng sau khi phát bệnh chỉ vài giờ trước đó, trở thành người thứ nhì chết ở Pháp.
Trong khi đó tại Brazil, một quốc gia Nam Mỹ, vừa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên và người này cũng vừa trở về từ Ý. Tại Iran, tính đến hôm qua, đã có 19 người chết và số người nhiễm đã vượt qua mức 100, trở thành ổ dịch lớn nhất ở Trung Đông.
BIỂU TÌNH BẠO LOẠN Ở ẤN ĐỘ, 20 NGƯỜI THIỆT MẠNG
Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh sau khi 20 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa người biểu tình theo Ấn Độ giáo và người Hồi giáo ở thủ đô New Delhi.
Theo ghi nhận của các quan sát viên, đây là cuộc xung đột đẫm máu nhất ở New Delhi kể từ khi người dân lên tiếng chống đối đạo luật quốc tịch mà quốc hội Ấn Độ thông qua. Nhân viên bệnh viện cho biết, ngoài 20 người chết còn có hàng trăm người khác bị thương.
Trong thông điệp trên mạng, ông Modi kêu gọi người dân Ấn hãy duy trì hòa bình và tình huynh đệ đúng theo lời giảng dạy của đạo Hồi và Ấn giáo.
Theo Đạo luật mới về quốc tịch, Ấn Độ cho phép những người theo các giáo phái thiểu số ở Pakistan, Afghanistan và Bangladesh có thể nhập tịch sau nhiều năm nhập cư lậu vào Ấn. Tuy nhiên, người Hồi giáo không nằm trong diện này.
Cuộc xung đột diễn ra trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump viếng thăm Ấn Độ.

No comments:

Post a Comment